Công an tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang một xe tải chở gà siêu trứng thải loại nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. |
Thị trường nước ta có thể thành nơi tiêu thụ phế phẩm động vật mà các doanh nghiệp, thương lái Trung Quốc nhập từ khắp thế giới rồi tuồn sang Việt Nam bán.
Lo ngại nhất là dịch bệnh sẽ bùng phát, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi trong nước vốn đang lao đao.
Xem xét nhập gia cầm từ Trung Quốc
Theo thông tin được đăng tải trên website của Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, mới đây đã diễn ra hội nghị song phương chính thức lần thứ tư giữa cơ quan thú y Việt Nam - Trung Quốc.
Hội nghị bàn nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là thông tin “hội nghị cũng nhằm mục đích xúc tiến việc thương mại bước đầu một số loại động vật, sản phẩm động vật an toàn của hai nước dựa trên tình hình thực tế; đặc biệt là xuất khẩu thịt gà và gà con một ngày tuổi từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng như xuất heo thịt và bò từ Việt Nam sang Trung Quốc”.
Điều này có nghĩa nếu đạt được thỏa thuận thì thời gian tới gia cầm Trung Quốc có thể theo đường chính ngạch vào Việt Nam. Trong khi lâu nay gia cầm, sản phẩm gia cầm và gia cầm giống từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam đều qua đường tiểu ngạch biên giới.
Trả lời báo chí về vấn đề trên, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông lý giải phía Việt Nam và Cục Thú y Trung Quốc vẫn đang tiến hành đàm phán song phương các vấn đề liên quan đến quy trình trên (nhập khẩu chính ngạch gia cầm từ Trung Quốc vào nước ta - PV). Để đi tới một thỏa thuận về thương mại động vật, sản phẩm động vật giữa hai nước còn cần nhiều thời gian và qua nhiều bước.
Chẳng hạn Cục Thú y Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Thú y của Trung Quốc để đánh giá các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cấp mã số cho từng cơ sở.
“Cục sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT về việc tổ chức kiểm tra, đánh giá tại nước xuất khẩu để Bộ xem xét, quyết định có cho phép nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc vào nước ta hay không” - Cục Thú y khẳng định.
Lo rước họa vào nhà
Trước thông tin Việt Nam sẽ mở cửa cho gia cầm Trung Quốc, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại. Bởi trên thực tế cúm gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Bằng chứng là chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 9-2015 đến tháng 2-2016 đã có 44 ca nhiễm cúm khiến 10 người tử vong.
Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT Việt Nam cũng đã có công điện yêu cầu các tỉnh biên giới phía Bắc kiểm soát chặt việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, kể cả gia cầm được biếu, tặng nhằm tránh tình trạng lây lan dịch cúm từ Trung Quốc về nước.
Anh Nguyễn Minh, chủ một trang trại gà ở Đồng Nai, nói lo lắng lớn nhất là dịch cúm gia cầm H5N1, H7N9... ở Trung Quốc vẫn chưa kiểm soát được. Do đó, nếu mở cửa cho gà từ nước này vào nước ta thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chăn nuôi trong nước.
“Không chỉ người chăn nuôi chịu thiệt mà người tiêu dùng cũng có thể bị đầu độc khi sử dụng nhầm sản phẩm gia cầm bị bệnh, đặc biệt là phụ phẩm như chân, cánh, mề gà… có nguồn gốc từ Trung Quốc” - anh Minh nói.
Trao đổi với PV chiều 14-3, ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nêu quan điểm: “Tôi phản đối việc thúc đẩy nhập khẩu chính ngạch gia cầm và sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc trong thời điểm này. Bởi một số đối tượng sẽ lợi dụng chính sách này để hợp pháp hóa sản phẩm gia cầm đông lạnh tạm nhập tái xuất từ Trung Quốc, hoặc hợp pháp hóa sản phẩm tiểu ngạch. Như vậy chẳng khác nào rước họa vào nhà”.
Ngành gia cầm lao đao
Ông Khanh cho hay trung bình mỗi năm có khoảng 3 triệu tấn sản phẩm gia cầm như chân, cánh, mề… tạm nhập tái xuất vào nước ta để xuất chủ yếu sang Trung Quốc. Thế nhưng không ít trong số đó khi xuất sang Trung Quốc đã bị cơ quan chức năng phát hiện tuồn trở lại Việt Nam tiêu thụ, thậm chí có những lô hàng cách đây hàng chục năm. Khi bị tuồn trở lại Việt Nam thì không kiểm soát được dịch bệnh, chất lượng.
“Điều này có thể sẽ phá cả một ngành sản xuất, đặc biệt là đầu độc người tiêu dùng bằng sản phẩm loại thải, quá đát, kém chất lượng. Chính hàng tạm nhập tái xuất này đã gây khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm trong năm ngoái” - ông Khanh cảnh báo.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho rằng việc mở cửa cho nhập gà Trung Quốc có thể sẽ gián tiếp “tiếp tay” cho gian lận thương mại như tạm nhập tái xuất, mà cụ thể là gà thải, thịt bẩn, thịt “rác”… tuồn vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
“Chiêu núp bóng tạm nhập tái xuất gần đây bị lộ nên thương lái và các công ty Trung Quốc tìm các chiêu khác. Vì thế nếu mở cửa cho nhập gà Trung Quốc, các công ty Trung sẽ dễ dàng nhập gà loại thải, thịt “rác” giá rẻ từ các nước khác rồi xuất vào Việt Nam dễ dàng và “giết” chết ngành chăn nuôi trong nước. Từ đó tôi đề nghị trước khi cho nhập chính thức gà từ Trung Quốc thì ít nhất phải kiểm soát được vấn đề tạm nhập tái xuất phụ phẩm gà từ nước này” - ông Ngọc nhấn mạnh.
Không sợ cạnh tranh lành mạnh Theo ông Trần Duy Khanh, gà Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với gà Trung Quốc về giá cả vì con giống, chuồng trại… của ta với Trung Quốc là gần như nhau. Thậm chí giá lao động Việt Nam rẻ hơn thì không ngại gì cạnh tranh với gà Trung Quốc cả. Nhưng điều lo ngại là gà Trung Quốc vào Việt Nam là gà loại thải và phụ phẩm gà, phần mà các nước khác cho gia súc ăn. Trong khi đó theo anh Minh, giá gà thịt Trung Quốc cao hơn Việt Nam nhiều. “Một nguồn tin tại Trung Quốc cho biết do dịch cúm khiến nguồn cung gà sụt giảm buộc Trung Quốc phải nhập khẩu. Giá thịt gà bán tại nước này cao hơn 30% so với giá gà tại Việt Nam, còn giá gà con cao hơn giá gà con Việt Nam 60%. Như vậy gà Việt không sợ cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng với gà Trung Quốc mà chỉ sợ gà lậu, gà gian lận thương mại, gà loại thải…” - anh Minh nói. Trước đây gia cầm nhập lậu, gia cầm thải loại không qua kiểm dịch từ Trung Quốc vẫn ùn ùn để vào Việt Nam với giá rất rẻ. Từ năm 2014, khi Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là quy trách nhiệm cho các địa phương vùng biên giới về việc để tình trạng nhập khẩu gia cầm Trung Quốc tràn lan. Sau đó tình hình buôn lậu gia cầm mới tạm lắng xuống một phần. |
Theo PLO