Hôm thứ 7, ngày 19/3, giá xăng dầu do tăng mạnh nên đã phải chờ ý kiến Thủ tướng Chính phủ thay vì có mức điều chỉnh ngay trong ngày.
Đến hôm nay, thứ 2, 21/3 là khoảng thời gian 3 ngày để cơ quan có thẩm quyền có thể ra văn bản trả lời về các phương án điều chỉnh giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương- Tài chính.
Chưa rõ, Chính phủ sẽ quyết tăng giá hay không trong hôm nay, tuy nhiên, theo các ghi nhận của doanh nghiệp đầu mối thì diễn biến giá xăng dầu hiện nay đang khá căng thẳng, nếu không nói là tăng mạnh nhất trong nhiều tháng qua.
Trên thị trường xăng dầu thế giới nửa tháng qua, xu hướng tăng khác bất ngờ.
Cụ thể, mặt hàng xăng A92 có mức giá cao nhất. Theo ghi nhận của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, 15 ngày qua, tính từ 4/3-18/3, giá xăng trên thị trường Singapore đạt mức bình quân 49,95 USD/thùng. So với con số 42,31 USD/thùng giá trung bình của kỳ trước, xăng A92 hiện đã tăng kỷ lục nhất trong nhiều tháng qua, lên tới 18%.
Dầu diesel có giá bình quân 15 ngày qua là 46,31 USD/thùng, tăng mạnh không kém với tỷ lệ tới 14,8% so với kỳ trước.
Dầu hoả tăng với mức giá bình quân 48,05 USD/thùng, tăng tới 12,7%. và madut tăng 15,2% với giá bình quân 15 ngày qua là 177,57 USD/tấn.
Hôm 18/3, đồng loạt các mặt hàng dầu đã giảm thuế MFN xuống còn mức 7% và xăng vẫn giữ nguyên thuế nhập khẩu 20%.
Nếu tính căn cứ trên các mức thuế MFN này, giá cơ sở xăng dầu hiện nay đã tăng rất mạnh. Trong đó, giá xăng 12,79%, với mức chênh lệch 1.758 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện nay.
Dầu diesel cũng có mức tăng giá cơ sở lên tới 16,71%, tương đương mức chênh lệch 1.600 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện nay. Dầu hoả tăng khiêm tốn hơn với tỷ lệ 14,22% chênh lệch 1.265 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Tuy nhiên, mức tăng của giá bán lẻ xăng dầu được quyết định hôm nay nếu có, cũng có thể sẽ không cao như tỷ lệ trên bởi việc áp dụng cách tính thuế bình quân gia quyền trên thị trường do Bộ Tài chính ban hành.
Điều này có nghĩa, nếu trên thị trường tiêu thụ sản lượng cao các mặt hàng xăng dầu từ các nguồn ưu đãi thuế thấp như ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc thì mức thuế bình quân sẽ giảm thấp hơn nhiều so với mức thuế MFN trên. Tỷ trọng xăng dầu tiêu thụ từ các thị trường trên các lớn thì mức thuế này sẽ càng giảm so với thuế MFN.
Đây là mức thuế tính tổng hợp dung hoà trên cơ sở các nguồn khác nhau. Trong đó, thuế nhập khẩu xăng sẽ là tổng hoà giữa mức thuế MFN 20% từ tất cả các thị trường ngoại trừ Hàn Quốc và mức thuế FTA ưu đãi 10% nhập từ Hàn Quốc.
Các mặt hàng dầu cũng tương tự như vậy, khi thuế MFN dầu diesel và dầu hoả là 7%, thuế dầu diesel và dầu hoả từ Hàn Quốc lại là 5%, từ ASEAN- Trung Quốc là 8% và 10% và trong ASEAN là 0%.
Dầu madut cũng vậy với thuế MFN là 7%, từ ASEAN và Hàn Quốc là 0% và từ Trung Quốc là 5%.
Ngoài ra, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dư hơn 4.000 tỷ đồng nên cũng có thể là một lựa chọn xả Quỹ để giảm mức tăng giá.
Theo Vietnamnet