Kinh tế Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thứ tư, 06/04/2016, 17:34
Thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng từ dưới 800 USD lên hơn 2.100 USD sau một thập kỷ, song nợ công tính theo GDP cũng tăng gấp 3 lần.

Tăng trưởng GDP và lạm phát


2006:Việt Nam gia nhập WTO
Ngày 7/11/2016, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau 11 năm đàm phán. Cuối năm này, Mỹ cũng trao quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài… Sự kiện này cũng đặt Việt Nam trước sức ép cạnh tranh quyết liệt trong môi trường toàn cầu, đòi hỏi nhiều cải cách trong giai đoạn tiếp theo.
2007: Tăng trưởng GDP lập kỷ lục
Một năm sau khi gia nhập WTO, tăng trưởng GDP năm 2007 đạt kỷ lục trong hơn một thập kỷ (8,44%) nhờ làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong cả giai đoạn 2006-2015.
2008: Kinh tế thế giới khủng hoảng, lạm phát tại Việt Nam vượt 20%
Tài chính thế giới rơi vào khủng hoảng tác động sâu rộng và dai dẳng tới kinh tế Việt Nam những năm sau đó. Thị trường chứng khoán giảm từ trên 900 điểm về vùng 300 điểm. Các ngân hàng cũng lao vào cuộc đua lãi suất để giành giật tiền gửi, trong khi doanh nghiệp chật vật để tìm vốn sản xuất. Cũng trong năm này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng gần 23%. Tuy nhiên, 2008 cũng là năm ghi nhận mức thu hút FDI kỷ lục với số vốn đăng ký trên 60,2 tỷ USD.
2009: Chính phủ chi hàng tỷ USD kích cầu
Tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu đầu tháng 5/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố gói kích thích kinh tế với quy mô 8 tỷ USD, tập trung nhiều vào các chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp... Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một quyết sách nhạy bén và kịp thời của Chính phủ, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Tuy vậy, nền kinh tế phải mất thêm nhiều thời gian để gượng dậy sau "trận ốm". Cũng năm đó, chỉ số chứng khoán Vn-Index đã tạo đáy 235 điểm.
2010: Bê bối Vinashin vỡ lở
2010 được xem là đỉnh điểm của bê bối Vinashin khi hàng loạt lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam bị bắt với những sai phạm dẫn đến số nợ cả trăm nghìn tỷ đồng. Cùng với những bê bối tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và một số đơn vị khác sau này, câu chuyện tại Vinashin phần nào cho thấy những thất bại của việc thí điểm mô hình tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
2011: Công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế bắt đầu
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn khó khăn, Đại hội Đảng diễn ra vào đầu năm 2011 và Hội nghị Trung ương diễn ra đầu tháng 10 đã đặt quyết tâm cao trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng với 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng. Các cơ quan của Chính phủ như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì và thực hiện các nội dung này. Cuối năm đó, 3 nhà băng đầu tiên cũng được tái cơ cấu, cùng với việc đổi mới về cơ chế đầu tư trung hạn, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước...
2012: Ngân hàng, bất động sản gặp khó
Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã chỉ ra nhiều khiếm khuyết của hệ thống các tổ chức tín dụng. Nợ xấu năm 2012 lập kỷ lục với 240.000 tỷ đồng. Trong số này, một phần lớn đến từ lĩnh vực bất động sản cũng đang trong giai đoạn khủng hoảng. Thống kê tại thời điểm đó cho thấy có khoảng một triệu tỷ đồng tồn đọng trên thị trường địa ốc. Tuy vậy, nền kinh tế cũng bắt đầu xuất hiện tín hiệu tích cực nhờ hoạt động xuất khẩu. 2012 là lần đầu tiên sau nhiều năm, các doanh nghiệp xuất siêu trở lại với mức thặng dư 284 triệu USD, chủ yếu nhờ khu vực FDI. Cũng trong năm đó, Việt Nam khánh thành Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Ở khu vực tài chính - ngân hàng, đây là năm đầu tiên Nhà nước bắt đầu thực hiện chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng.
2013: Công bố gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
Giữa lúc thị trường bất động sản đang ở đáy, Nghị quyết 02 của Chính phủ được ban hành đã đề cập đến việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường này. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước công bố với ưu đãi dành cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Mặc dù còn nhiều khiếm khuyết phải khắc phục sau này, song gói tín dụng cũng góp phần vào việc vực dậy thị trường địa ốc những năm sau đó, cũng như mở ra những giải pháp giải quyết vấn đề nhà ở đô thị sau này.
2014: Cấp tập tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước
Tiếp nối việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) năm 2013, quá trình sắp xếp lại các tổ chức tín dụng được thực hiện rốt ráo trong năm 2014 với việc Ngân hàng Xây dựng (VNCB) trở thành nhà băng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Cũng trong năm này, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước cũng diễn ra cấp tập với hơn 80 đơn vị sau 11 tháng, gấp đôi cả năm 2013. Ở lĩnh vực thu hút đầu tư, Việt Nam cũng đón làn sóng mới từ các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn tìm kiếm địa chỉ mới thay thế Trung Quốc
2015: Việt Nam hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
TPP được coi là dấu mốc ấn tượng nhất 2015 - năm đặc biệt thành công của Việt Nam trong quá trình hội nhập, cùng với việc hoàn tất hoặc tiến tới thực hiện các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, ASEAN, Liên minh kinh tế Á - Âu... Các hiệp định này mở ra một không gian kinh tế mới, mang lại cơ hội thu hút đầu tư, xuất khẩu, đồng thời cũng đặt Việt Nam trước yêu cầu phải đổi mới, hội nhập sâu sắc hơn. Tuy vậy, 2015 cũng là một năm nhiều thách thức với nền kinh tế, đặc biệt là cuộc khủng hoảng giá dầu đã gây khó cho quá trình điều hành ngân sách, bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Ở khu vực tài chính - ngân hàng, việc chống đôla hóa cũng lên tới cao trào với chính sách gửi USD không còn được hưởng lãi, tác động sâu sắc tới việc quản lý, xử dụng vốn của các doanh nghiệp.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn