Đầu năm 2016, thị trường bán lẻ di động rộn ràng với những kế hoạch của người trong cuộc. Nếu FPT Shop đánh tiếng muốn bán sau một năm 2015 thành công vang dội thì Thế giới di động tiếp tục thể hiện tham vọng thống trị của mình bằng việc theo đuổi những mục tiêu “khủng”.
Vinpro+, chuỗi bán lẻ điện máy mới thành lập của Vingroup, dù không công bố nhiều thông tin nhưng cũng đã nhanh chóng thành lập được hơn 100 cửa hàng chỉ sau hơn 1 năm hoạt động.
Tuy nhiên, trong không khí náo nhiệt đó, có một “ông lớn” lại đang lặng lẽ đứng ngoài cuộc chơi. Đó là Viettel Store. Mang danh của người khổng lồ “đánh đâu thắng đó” của tập đoàn Viettel nhưng cho đến nay, Viettel Store vẫn không thể tạo được nhiều dấu ấn trên thị trường.
Tham gia lĩnh vực bán lẻ di động vào năm 2006 và ra đời website Viettel Store vào năm 2009, có thể nói chuỗi bán lẻ di động này ra đời khá sớm. Thời điểm đó,Thế giới di động vẫn còn là một chuỗi cửa hàng quy mô nhỏ và thị trường bán lẻ di động vẫn là một “Đại dương Xanh” bao la. Đến tận năm 2009, Thế giới di động cũng mới có 40 siêu thị trên cả nước, còn FPT Shop thì vẫn chưa có tên tuổi.
Xuất hiện sớm như vậy, thế nhưng sau 10 năm có mặt trên thị trường, Viettel Store vẫn không để lại dấu ấn gì, và càng ngày càng thể hiện sự đuối sức.
Hiện tại, Viettel Store có 284 siêu thị, ngang ngửa với FPT Shop và thua xa Thế giới di động (hơn 600 siêu thị). Về thị phần, Viettel Store chưa đạt nổi 10% thị phần bán lẻ di động, thua xa cả FPT Shop và Thế giới di động.
Nguồn: Số liệu từ GfK do Thế giới Di động công bố |
Đây thực sự là một điều đáng buồn với chuỗi bán lẻ mang nhiều lợi thế từ khi mới ra đời như Viettel Store. Mang trong mình lợi thế của nhà mạng có thị phần lớn nhất Việt Nam (Thuê bao Viettel hiện tại chiếm trên 50% thị phần với 57 triệu thuê bao), đáng lẽ ra Viettel Store có thể làm được nhiều hơn thế.
Trên thế giới, mô hình bán lẻ di động thông qua nhà mạng cũng chiếm được ưu thế tuyệt đối so với các đối thủ bán lẻ thông thường khác. Điều này có thể thấy qua vai trò của Verizon hay AT&T.
Với thị phần lớn, những nhà mạng này không chỉ đủ sức thuyết phụcngười tiêu dùng, mà còn chi phối được cả những hãng sản xuất điện thoại. Chẳng hạn, chiếc Galaxy của Samsung sẽ không bao giờ thành công và trở thành đối thủ cạnh tranh với iPhone tại thị trường Mỹ nếu nhà mạng AT&T không chấp nhận phân phối sản phẩm này.
Việc có sẵn thương hiệu nhà mạng, cùng với khả năng cung cấp các dịch vụ khuyến mãi độc quyền giúp các nhà mạng dễ dàng hơn để giành lấy niềm tin trong mắt người tiêu dùng. Đặc biệt là trong thời điểm cách đây 10 năm, khi việc lựa chọn một chiếc điện thoại tốt, chính hãng vẫn còn khó khăn.
Tuy nhiên, Viettel Store lại không tận dụng được những ưu thế đặc trưng ấy.Khi mới ra đời, chuỗi này cũng có những chiến lược chiếm lĩnh thị trường như bán máy có giá cạnh tranh, đưa ra ưu đãi khi hòa mạng, tặng gói cược 3G, miễn phí tin nhắn. Thậm chí, Viettel Store cũng có chính sách “tặng máy” khi đi kèm hợp đồng nhà mạng tương tự như những gì các nhà mạng trên thế giới đã làm.
Năm 2010 có lẽ là thời điểm Viettel Store “gây sốt” nhất với chiến dịch bán iPhone 3G với giá 0 đồng với gói thuê bao 24 tháng.
Kết quả? Khó có thể nói Viettel Store đã thành công. Bất chấp số thuê bao và thị phần thuê bao di động tăng theo mỗi năm, chuỗi bán lẻ di động vẫn phát triển rất chậm chạp.
Hãng bán lẻ này cũng không đạt được mục tiêu trở thành nhà phân phối chính hãng cho Apple như đã tuyên bố trước đó. Chiến lược bán máy miễn phí kèm hợp đồng nhà mạng cũng đi vào dĩ vãng.
Ông Nguyễn Đức Tài, nhà sáng lập của Thế giới di động cũng từng nhận định trong một hội thảo gần đây rằng, các nhà mạng đã tự đánh mất lợi thế cạnh tranh khi 95% thuê bao tại Việt Nam là thuê bao trả trước, chỉ có 5% là thuê bao trả sau. Quá ít thuê bao trả sau khiến nhà mạng khó đưa ra được chính sách trợ giá mua điện thoại như các nước phát triển.
Đánh mất ưu thế đặc trưng, trong khi những yếu tố khác như vị trí mặt bằng, bài trí cửa hàng và chủng loại mặt hàng kém đa dạng hơn so với đối thủ, Viettel Store ngày một đánh mất vị thế. Đấy là chưa kể, hàng loạt những vấn đề nảy sinh từ bên trong như hệ thống quản lý hàng tồn kho, hệ thống quản lý chuỗi và logistics cũng chưa được xử lý tốt.
Đến bây giờ, khi nhắc tới một thương hiệu bán lẻ di động, mọi người có thể nhắc tới Thế giới di động hay FPT Shop, hoặc là viễn thông A, còn Viettel Store hoàn toàn "chìm nghỉm",
Trong một “Đại dương Xanh”, Viettel Store vẫn không thể vẫy vùng và đến bây giờ, khi ngày Đại dương Xanh bán lẻ di động sắp đổi màu sang màu Đỏ, những tay chơi lớn nhất lần lượt tìm hướng đi mới thì Viettel Store, một lần nữa tiếp tục tỏ ra “lạc lõng”.
Theo Trí thức Trẻ