VinaPhone, Viettel sắp “về đích”
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) xác nhận, kết quả thử nghiệm thương mại mạng 4G ở Phú Quốc và TP.HCM đã cho kết quả rất tốt cả dưới góc độ kỹ thuật và sự hài lòng của người tiêu dùng dịch vụ. Dự kiến cuối tháng 3/2016, VNPT sẽ báo cáo kết quả thử nghiệm lên Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau khi được cấp phép, VNPT sẽ lắp đặt hệ thống trạm 4G tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh có thị phần cao như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Nam Định…
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT, Tập đoàn đã sẵn sàng cung cấp công nghệ 4G tới khách hàng, nhưng việc mở rộng đầu tư 4G tới mức độ nào còn phụ thuộc vào các yếu tố khác là thiết bị và nhu cầu khách hàng sử dụng. Trước mắt, giai đoạn đầu, VNPT sẽ cung cấp 4G ở những thành phố có nhu cầu 3G cao, những nơi tập trung đông khách hàng, sử dụng dữ liệu lớn.
Dự kiến cuối tháng 3/2016, VNPT sẽ báo cáo kết quả thử nghiệm lên Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cũng nhận định, công nghệ 4G là một sự đột phá cho các doanh nghiệp biết nắm thời cơ. “Nếu biết kết hợp 3G và 4G sẽ tạo ra giá trị dịch vụ. Để triển khai 4G thì rất nhanh nhưng cũng phải tỉnh táo. Công nghệ chỉ phục vụ dịch vụ, VNPT sẵn sàng và sẽ triển khai rất nhanh nếu thị trường cần”, ông Long nói.
Trước đó, cuối năm 2015 một nhà mạng khác là Viettel cũng thử nghiệm dịch vụ 4G tại Bà Rịa -Vũng Tàu. Viettel đã đầu tư gần 200 trạm phát sóng phủ toàn bộ khu vực dân cư của TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa và huyện Long Điền. Tốc độ 4G tại Vũng Tàu đạt trung bình 40-80Mb/s, cao hơn 7 lần so với tốc độ trung bình của 3G. Tại một số điểm, tốc độ có thể đạt đến 230Mb/s, gần với tốc độ lý tưởng theo lý thuyết.
Theo ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc công nghệ của Tập đoàn Viettel, sau khi được cơ quan quản lý nhà nước cho phép cung cấp 4G chính thức, Viettel sẽ phủ kín tại các khu vực trung tâm. Mục tiêu của Viettel là đã phủ thì 95% nơi đó phải đạt tốc độ tối thiểu 5MB/s để khách hàng có thể xem được video HD.
MobiFone mới chuẩn bị
Trong khi đó, MobiFone cho biết, dự kiến cuối tháng 4/2016, sẽ chính thức thử nghiệm dịch vụ 4G tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Hiện tại, MobiFone đang hoàn tất hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phục vụ khách hàng.
Trong một lần trả lời phỏng vấn mới đây, lãnh đạo MobiFone cho rằng, công nghệ 4G đã được rất nhiều nước sử dụng, nên việc thử nghiệm kỹ thuật không còn nhiều ý nghĩa. Có lẽ, đây là lý do mà MobiFone không mặn mà lắm với việc thử nghiệm 4G. Tuy nhiên, về cơ bản, thử nghiệm 4G mang một ý nghĩa khác. Gần như mọi thiết bị, chi phí của thử nghiệm nhà mạng không phải bỏ ra, mà các nhà cung cấp thiết bị phải “chịu trách nhiệm” nếu muốn được chọn làm nhà cung cấp.
Hơn nữa, việc thử nghiệm sẽ là cuộc “trình diễn”, “test thử”, làm thị trường, đo được phải ứng của khách hàng, thị trường qua đó sẽ có những kế hoạch đầu tư, kinh doanh chính xác và hiệu quả. Việc sớm thử nghiệm 4G sẽ là yếu tố quan trọng trong marketting, nhà mạng nào đi trước, truyền thông tốt tới khách hàng, sẽ có lợi thế lớn hơn trong cuộc chạy đua cạnh tranh giành khách hàng khi mạng 4G được triển khai rộng.
Có thể thấy, trong cuộc đua 4G, có vẻ như MobiFone đang “tụt” lại phía sau trong khi Viettel, VNPT đang “so kè” trên đường đua. Câu chuyện này cũng giống như việc cung cấp đầu số 08 thời gian qua, MobiFone cũng tỏ ra chậm chạm hơn 2 đối thủ trên thị trường. Và nếu tiếp diễn, đây sẽ là một bất lợi lớn cho MobiFone, đặc biệt trong bối cảnh đơn vị này đang chuẩn bị cổ phần hóa.
Theo Báo Đầu Tư