Mặt trận mới của “tam trụ viễn thông” VNPT - Viettel - MobiFone

Thứ ba, 05/01/2016, 09:53
Sau khi hình thành “thế chân vạc”, năm 2016 là năm “tam trụ viễn thông” VNPT - Viettel - MobiFone mở ra các mặt trận đầu tư mới

Trụ cột thứ tư của VNPT

Năm 2015 khép lại với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) bằng nhiều thành công vượt mong đợi. Đó là việc hoàn thành tái cơ cấu VNPT, thành lập 3 tổng công ty, hoạt động theo mô hình mới với hừng hực khí thế mới sau nhiều năm ảm đạm, thoái trào, bị Viettel “vượt mặt”.

Đáng lưu ý là, trong bối cảnh “nhà có việc” với quá trình tái cấu trúc ngổn ngang, nhưng bánh xe VNPT không ngừng quay. Cỗ máy VNPT phải “đổi trục”, “sơn vỏ”…, nhưng vẫn vận hành trơn tru và đạt hiệu quả cao. Trong đó, một điểm “khó nhất đã làm được” là khiến gần 30.000 cán bộ, nhân viên VNPT thay đổi tư duy, ý thức và động lực làm việc đã đạt kỳ vọng bước đầu.

Cỗ máy VNPT phải “đổi trục”, “sơn vỏ”…, nhưng vẫn vận hành trơn tru và đạt hiệu quả cao.

"Cho đến thời điểm này, Tập đoàn đã chuyển mình, thay đổi lớn nhất, mạnh mẽ nhất từ trước đến nay và quan trọng nhất là sự đổi mới đến từ từng người lao động. Tập đoàn VNPT đã chính thức vận hành theo mô hình 3 lớp kinh doanh - hạ tầng - dịch vụ với phương châm chỉ đạo chuyên biệt - khác biệt - hiệu quả”, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng nhận định.

Bước sang năm 2016, ngoài 3 trụ cột chiến lược đã được xác định thời gian qua là kinh doanh - hạ tầng - dịch vụ, VNPT sẽ có thêm trụ cột thứ tư là công nghiệp. VNPT sẽ thúc đẩy hoạt động của khối công nghiệp, xây dựng các đơn vị trụ cột sản xuất thiết bị ngoại vi phụ trợ, thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, năm 2016, VNPT sẽ tập trung tái cơ cấu khối công nghệ thông tin theo hướng: bám sát các định hướng, giải pháp về triển khai chính phủ điện tử, đẩy mạnh thuê ngoài ứng dụng công nghệ thông tin với các dịch vụ công, lĩnh lực thuế, hải quan, y tế... của Chính phủ, các bộ/ngành để triển khai cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin của VNPT; phát triển hệ sinh thái các bộ giải pháp công nghệ thông tin phục vụ chính quyền điện tử và các chuyên ngành giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, thuế.

Bên cạnh các lĩnh vực kể trên, theo ông Long, Vinaphone vẫn là “quả đấm chủ lực” của VNPT trong năm 2016. Để đạt những mục tiêu cao về doanh thu, lợi nhuận, năm 2016, VNPT sẽ tập trung nâng cao chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ di động để dịch vụ di động Vinaphone trở thành dịch vụ được khách hàng đánh giá có chất lượng tốt nhất.

Cùng với đó, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống kênh phân phối, điểm bán hàng, đổi mới mạnh mẽ công tác chăm sóc khách hàng để năm 2016 mạng Vinaphone trở thành mạng di động có chất lượng chăm sóc khách hàng tốt nhất. “Sau khi mở rộng vùng phủ sóng, cùng với hoàn thiện kênh bán hàng, năm 2016, VNPT phải tạo dựng được một mạng di động số một về chất lượng trong lòng khách hàng”, ông Long cho biết.

Có thể nói, trở thành số một về chất lượng là một mục tiêu hết sức thách thức mà VNPT đã đề ra cho năm 2016. Nhưng nếu làm được, VNPT sẽ sớm trở lại đường đua và trở thành người dẫn dắt thị trường công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam như họ từng đặt ra.

MobiFone lấn sân sang truyền hình

Năm 2015 cũng là năm khá ấn tượng với MobiFone khi tròn 1 năm tách khỏi VNPT và thành lập Tổng công ty MobiFone. Trong năm đầu tiên dưới “màu áo mới”, MobiFone đã dần khẳng định được vị thế độc lập của mình, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, tạo ra “thế chân vạc” của thị trường viễn thông là VNPT - MobiFone - Viettel.

Điểm nổi bật nhất trong hoạt động của MobiFone năm 2015 là mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bán lẻ, với việc khai trương showroom bán lẻ đầu tiên của MobiFone tại TP.HCM. Cùng với việc ổn định bộ máy sau chia tách, MobiFone vẫn phải đảm bảo sản xuất - kinh doanh, đồng thời thực hiện nhiệm vụ nặng nề là cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện cổ phần hóa, năm 2015, MobiFone hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa để trình Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Một MobiFone mới năm 2016 sẽ không chỉ có “a lô”, đó là khẳng định của lãnh đạo MobiFone trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây. Theo đó, hoạt động của MobiFone từ năm 2016 sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính là di động - truyền hình - bán lẻ - dịch vụ giá trị gia tăng và đa phương tiện. Với 4 mũi tiến công đột phá này, MobiFone kỳ vọng trở thành doanh nghiệp viễn thông lớn, với doanh thu 100.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone nhấn mạnh, "tốc độ" sẽ là từ khóa mới của MobiFone trong năm 2016. Đây sẽ là thước đo quan trọng nhất về niềm tin của đội ngũ đối với sự phát triển của MobiFone, là hệ quy chiếu để đánh giá năng lực, sự tuân thủ, trách nhiệm, khả năng kết nối và phối hợp của mỗi thành viên, mỗi đơn vị trước nhiệm vụ được giao. Đối với Tổng công ty, “tốc độ” sẽ là đòn bẩy chính để thúc đẩy sự phát triển đột phá của MobiFone ở cả 4 lĩnh vực di động - truyền hình - bán lẻ - dịch vụ giá trị gia tăng và đa phương tiện.

Trong năm 2016, MobiFone sẽ tiếp tục tái cơ cấu, tham gia các "sân chơi mới" và thực hiện mục tiêu tăng trưởng 10% về doanh thu. Hy vọng rằng, cùng với việc cổ phần hóa, nguồn vốn mới, cách quản trị mới, mô hình mới, cùng với việc mở rộng hệ thống bán lẻ và tấn công sang truyền hình, MobiFone sẽ “lột xác”, đứng vững ở vị thế chân kiềng thứ ba, cạnh tranh lành mạnh với Viettel, VNPT.

Viettel được mùa từ thị trường nước ngoài

Năm 2015 là năm thành công và mở ra một giai đoạn mới đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).

Viettel hoàn thành Đề án tái cấu trúc giai đoạn 2013-2020 được Chính phủ phê duyệt và trở thành tập đoàn kinh tế quốc phòng mạnh, hiện đại. Viettel được Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực sản xuất thiết bị đặc biệt, là vai trò hạt nhân của một tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Đặc biệt, năm 2015 cũng là năm Thủ tướng Chính phủ cho phép Viettel được điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 100.000 tỷ đồng lên 300.000 tỷ đồng. Trong năm này, doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel đạt 1,5 tỷ USD. Viettel cũng khai trương, đưa vào hoạt động 2 thị trường mới là Tanzania và Burundi, nâng tổng số thị trường kinh doanh lên thành 10 nước ở khu vực châu Á, châu Mỹ và châu Phi, với tổng dân số hơn 260 triệu người, 75 triệu khách hàng.

Để đạt mục tiêu doanh thu đến năm 2020 đạt gần 550.000 tỷ đồng, phát triển kinh doanh ở 20 nước, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel sẽ tiếp tục khảo sát và tìm kiếm thị trường mới tại Đông Âu, Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. Viettel đặt kế hoạch mỗi năm có 2 giấy phép đầu tư mới và đến năm 2020 sẽ phát triển kinh doanh tại 20 nước.

Theo lãnh đạo Viettel, năm 2016, Viettel sẽ đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ cố định băng rộng, các dịch vụ quốc tế và VAS. Cùng với đó là đầu tư, phát triển kinh doanh 3G, 4G rộng rãi tại các thị trường nước ngoài.

Theo Báo Đầu Tư

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích