Bức tranh thị trường di động Việt Nam 2015

Thứ sáu, 25/12/2015, 15:56
Từ cơn sốt Bphone giai đoạn đầu năm đến trào lưu sử dụng iPhone khóa mạng, thị trường di động Việt Nam đã trải qua một năm sôi động.
Thị trường di động Việt Nam 2015 trải qua nhiều biến động.

Theo báo cáo của IDC, thị trường Việt Nam tiêu thụ 6,5 triệu điện thoại, trong đó 3,3 triệu là smartphone trong quý II/2015. Giá trị trung bình của một chiếc smartphone bán ra là 183 USD. Về cơ bản, năm 2015 chứng kiến lượng smartphone cao cấp ra mắt nhiều nhất từ trước đến nay với trên dưới 20 mẫu. Tuy nhiên, sức bán của các model này không cao do thị trường đã đạt trạng thái bão hòa, thậm chí một số mẫu bị xem là thất bại.

Trong khi đó, nhóm điện thoại phổ thông có giá bán ngày một rẻ. Trên thị trường hiện nay, người dùng có thể chọn mua hàng loạt smartphone dùng chip lõi kép, màn hình cỡ 4 inch trở lên với giá khoảng 1,5 triệu đồng, không cao hơn nhiều so với điện thoại cơ bản.

Dưới đây là một số điểm nhấn của thị trường di động trong nước một năm vừa qua.

Bphone - từ hy vọng đến thất vọng

Bphone còn thiếu nhiều yếu tố để thành công tại Việt Nam.

Bphone là từ khóa được quan tâm bậc nhất làng di động trong nước trong nửa đầu năm, kể từ khi máy bất ngờ xuất hiện tại triển lãm CES. Qua những gì hãng sản xuất hé lộ, người dùng kỳ vọng về một sản phẩm “sánh ngang với các cường quốc năm châu”. Trên thực tế, Bkav chỉ làm tốt nhất khâu quảng bá hình ảnh cho sản phẩm.

Sau khi ra mắt Bphone, Bkav bộc lộ nhiều hạn chế của một đơn vị lần đầu tiên sản xuất smartphone như khâu cung ứng không tốt (chậm giao hàng, chỉ bán qua kênh online). Bản thân sản phẩm cũng bị chê là có giá bán cao, chất lượng chưa tương xứng. Cho đến giai đoạn cuối năm, Bphone gần như chìm nghỉm trên bản đồ smartphone Việt Nam. Ngay cả khi hãng sản xuất cố gắng đưa máy ra bán ở các kênh offline, người dùng vẫn thờ ơ với sản phẩm này.

Tuy nhiên, hy vọng chưa phải đã hết với Bkav. Việc lần đầu tiên ra mắt sản phẩm và thành công ngay ở một sân chơi khắc nghiệt như smartphone là điều quá khó khăn. Bkav có thể sẽ làm tốt hơn ở các bản Bphone sau. Điều họ cần làm thời điểm hiện tại là giữ được đam mê và tinh thần táo bạo của mình cho năm 2016.

Điện thoại Việt ngày càng lép vế

Q Glam, một trong những mẫu di động đến từ hãng sản xuất trong nước với kiểu dáng đẹp.

Bphone tạo được hiệu ứng nhưng không thể cạnh tranh về mặt doanh số. Rovi (trước đây là HKphone) rời bỏ thị trường, Q (trước đây là Q-Mobile) và Mobiistar đang loay hoay với sản phẩm của mình, các hãng di động trong nước rõ ràng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các ông lớn di động.

Ngoài Bphone, các đại diện trong nước gần như không góp mặt ở sân chơi di động cao cấp. Trong khi đó, nhóm máy tầm trung và giá rẻ ngày càng bị bóp nghẹt bởi những Samsung, Sony và mới đây là hàng loạt nhà sản xuất Trung Quốc gia nhập thị trường.

Smartphone Trung Quốc rầm rộ tiến vào Việt Nam

Meizu là một trong những nhà sản xuất Trung Quốc vừa tiến vào Việt Nam.

Người dùng trong nước vẫn còn dè chừng với điện thoại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không ngăn được hàng loạt hãng di động nước này đánh chiếm thị trường. Meizu, Infocus, ZTE vừa chính thức đặt chân vào Việt Nam. Huawei quyết tâm khuếch trương thương hiệu sau nhiều lần không thành công. Thậm chí, họ có cả một thương hiệu điện thoại riêng mang tên Honor. Đó là chưa kể các tên tuổi cũ như Oppo, Lenovo, Gionee đều đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, đồng thời tích cực ra mắt sản phẩm mới.

Ưu điểm của những sản phẩm đến từ Trung Quốc vẫn là cấu hình cao, mức giá rẻ so với mặt bằng. Đặc biệt, họ tích cực trang bị những công nghệ mới lên các sản phẩm tầm trung hoặc giá rẻ để thu hút người dùng.

Trào lưu iPhone khóa mạng

iPhone 5C khóa mạng gây sốt giai đoạn đầu năm 2015.

Trào lưu sử dụng iPhone khóa mạng đã xuất hiện từ lâu tại Việt Nam nhưng phải đến khi những chiếc 5C khóa mạng Nhật bán ra với giá khoảng 3,5 triệu đồng, cơn sốt mới bùng lên. Ở thời điểm tháng 3 năm nay, người người, nhà nhà đổ đi mua iPhone 5C lock Nhật, tạo nên cơn sốt lớn chưa từng có ở thị trường xách tay. Khi đó, các cửa hàng phải giành nhau từng máy. Nhiều đơn vị kinh doanh thừa nhận, họ chưa từng chứng kiến model nào có sức hút đến vậy trong cuộc đời kinh doanh di động của mình.

Sau 5C, đến lượt các sản phẩm như iPhone 5, 5S, sau đó là iPhone 6 khóa mạng gây sự chú ý với người dùng. Sức hút của các sản phẩm này tuy không lớn bằng nhưng ở nhiều thời điểm, chúng vẫn là “nồi cơm” của các cửa hàng di động.

Microsoft và Nokia: 2 câu chuyện hoàn toàn khác biệt

Microsoft chính thức thâu tóm bộ phận sản xuất di động của Nokia từ tháng 4/2014. Tuy nhiên, di sản mà Nokia để lại vẫn còn khá nhiều. Điển hình là việc, nhiều mẫu smartphone ra mắt sau thời điểm đó vẫn mang logo Nokia như Lumia 730, 830.

Microsoft vừa đem về Việt Nam 2 smartphone cao cấp là Lumia 950 và 950 XL.

Bước sang 2015, Microsoft rõ ràng muốn thay đổi toàn bộ. Điều này được thể hiện rõ nét ở lễ ra mắt bộ đôi Lumia 950 và 950 XL mới đây. Một chuyên gia công nghệ tại TP HCM cho biết, anh cảm thấy hụt hẫng khi tham gia sự kiện của Microsoft - nơi mà người ta không nói đến phần cứng sản phẩm, khả năng chụp hình hay kể những câu chuyện nhân văn, kèm theo đó là sự xuất hiện của chiếc điện thoại Nokia bên cạnh các nhân vật. Thay vào đó, người tham dự sự kiện được nhồi nhét vào đầu những thuật ngữ như Continuum, lưu trữ đám mây, OneDrive, Cortana - vốn là những sản phẩm phần mềm đặc trưng của Microsoft.

Với Microsoft, các sản phẩm di động họ ra mắt đơn thuần là công cụ để người dùng tiếp cận hệ sinh thái Windows của họ. Với người dùng trong nước, họ buộc phải chấp nhận một sự thật là Nokia họ yêu mến đã là quá khứ. Những chiếc Lumia họ cầm trên tay có thể vẫn dùng phần cứng đó, nhưng cái hồn của chúng đã thuộc về Windows, về Microsoft.

Câu chuyện 4G

Cuối năm 2015, một nhà mạng trong nước bắt đầu thử nghiệm mạng 4G tại Vũng Tàu, mang đến nhiều hào hứng cho người dùng trong nước. Chắc chắn, khi mạng 4G chính thức phổ cập vào đầu năm sau, bức tranh của thị trường sẽ có nhiều điểm mới mẻ.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là hiện tại, thiết bị trong nước đã sẵn sàng hay chưa. Có thể nói, phần lớn các nhà sản xuất đã sẵn sàng. Hầu hết các mẫu di động ra mắt ở giai đoạn cuối năm nay đều trang bị 4G, kể cả máy giá rẻ. Tuy nhiên, những người dùng thiết bị cũ hơn có thể sẽ phải nâng cấp một model mới để tận dụng sức mạnh của 4G.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích