Một loạt các cuộc tranh luận giữa Google và Facebook đã diễn ra trong suốt thời gian vừa qua và chúng ta đều nhận thấy rằng Google bị lép vế bởi Facebook. Nhưng thực chất, nhìn theo một khía cạnh khác, chính Facebook mới đang là kẻ phải run sợ trước quyền lực ngầm của Google, thể hiện qua Android.
Mối đe dọa
Vấn đề phải giải quyết giữa hai bên là việc gọi API. Mỗi khi bạn xem thông tin Google Maps trên ứng dụng Facebook của bạn, ứng dụng đó phải gọi hàm API thông qua máy chủ của Google. Mỗi khi bạn nhận được một thông báo Facebook trên điện thoại Android của bạn – Google sẽ lại phải xử lý một lần gọi hàm API khác. Điều này gây tốn chi phí cho Google nhưng cho đến nay hãng vẫn chưa tính phí này cho các lập trình viên. Mặc dù vậy, họ hoàn toàn có thể tính phí này.
Số tiền này sẽ là rất nhỏ với các nhà phát triển ứng dụng nhỏ - đặc biệt là những ứng dụng mà không đạt được tần suất sử dụng như các dịch vụ của Google như Google Maps. Nhưng với ứng dụng Facebook, lượng tiền thu được nếu tính phí sẽ lớn đến mức đáng kinh ngạc.
Phần lớn người dùng Facebook sở hữu thiết bị Android, không những thế Facebook đang sở hữu bốn trong số các ứng dụng phổ biến nhất trên Android là : Facebook, Whatsapp, Instagram và Messenger … tất cả các ứng dụng này đều phụ thuộc vào cách Google xử lý việc gọi hàm API.
Khả năng Google sẽ tính phí Facebook liệu có thể xảy ra hay không? Có thể lắm chứ. Google đã bắt đầu tính phí với những website sử dụng những dịch vụ như Google Maps từ nhiều năm trước, và cho dù hãng tìm kiếm vẫn im lặng về vấn đề này, nỗi lo của Facebook là hoàn toàn có cơ sở.
Hiện tại, việc sử dụng một phương pháp khác để truyền thông tin là hoàn toàn khả thi, thay vì phải phụ thuộc vào Google Cloud Messaging (service xử lý việc gọi hàm API). Vì vậy, trước mùa hè tới, Facebook đang hy vọng có thể phát triển một hệ điều hành của riêng mình và tách khỏi Google. Nhưng giống như cảnh cuối của phim Ghostbusters, sự tuyệt vọng luôn đi cùng với một vẻ ngoài ưa nhìn.
Leo thang căng thẳng
Marshmallow, phiên bản hệ điều hành mới nhất của Google, đã giới thiệu một số thay đổi về cách mà Android xử lý các thông báo (Notifications). Các thay đổi này làm các nhà phát triển ứng dụng khó có thể sử dụng bất kỳ ứng dụng nào khác ngoại trừ Google Cloud Messaging, để chuyển tải các thông báo đến ứng dụng của họ.
Điều đó cho thấy ý định của Google muốn đảm bảo rằng các ứng dụng sử dụng hệ thống riêng của họ để chỉnh sửa các thông báo trước khi gửi đến các thiết bị Android. Dưới góc độ trải nghiệm người dùng và bảo mật, điều này thật là ngớ ngẩn. Nhưng giờ, Facebook đang phải dõi theo tương lai của Android khi mà sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào sự hỗ trợ về hàm API của Google.
Ngoài ra, những thay đổi về cách thông báo còn có một số ý nghĩa khác. Một trong những mục tiêu chính khi phát triển Marshmallow là cải thiện thời lượng pin của thiết bị. Google nhận ra rằng cách tốt nhất để làm điều này là để thiết bị “tạm ngủ” cho thời gian nghỉ dài hơn và xử lý các thông báo theo đợt. Marshmallow giới thiệu một hệ thống phân cấp, cho phép các nhà phát triển để phân loại nội dung ở mức “ưu tiên thấp” và “ưu tiên cao”.
Các thông báo ở mức độ ưu tiên thấp sẽ được Google Cloud Messaging tập trung lại và gửi đến thiết bị trong thời gian nghỉ. Các thông báo ở mức độ ưu tiên cao sẽ cần tương tác ngay lập tức – như thông báo của Facebook – và gửi đi ngay lập tức, để đánh thức thiết bị.
Ý tưởng này là nguyên nhân khác giải thích tại sao Google muốn tập trung tất cả thông báo vào trong hệ thống Cloud Messaging của họ. Điều này giúp các thiết bị có khả năng giữ lại các thông báo không cần thiết trong một khoảng thời gian dài, và tăng tuổi thọ pin một cách rõ rệt.
Cơ chế này sẽ trở thành vấn đề cho Facebook, bởi vì các ứng dụng của họ trên Android sử dụng rất nhiều các thông báo ưu tiên cao. Vậy tại sao đây sẽ là vấn đề cho Facebook?
Cuộc chiến giữa pin và sự tương tác
Cho dù Marshmallow đã thực hiện một số thay đổi để cải thiện tuổi thọ pin, nhiều thay đổi này chỉ đơn giản là không áp dụng cho các ứng dụng của Facebook. Xếp các ứng dụng này vào phần thông báo ưu tiên cao nghĩa là các ứng dụng này sẽ bị xếp vào đầu danh sách tiêu thụ pin trên Android. Facebook sẽ không thích ý tưởng rằng ứng dụng của họ bị đánh đồng với việc làm tốn pin. Họ cũng tin rằng hệ thống phân cấp thông báo này sẽ là bước đầu tiên của quá trình dẫn đến việc giảm sự tham gia của người dùng.
Về mặt lý thuyết là như vậy. Nhưng thực tế là các thông báo làm sẽ làm tăng tương tác của người dùng với ứng dụng. Bằng cách tạo ra sự phân cấp này, Google đang khuyến khích các nhà phát triển đặt mọi thông báo của họ ở mức độ ưu tiên cao. Nếu các nhà phát triển làm vậy, biện pháp tiết kiệm pin sẽ trở thành giải pháp nửa vời.
Để cứu vãn điều này, Google có thể sẽ cố gắng tự quyết định những thông báo nào sẽ được dán nhãn Ưu tiên cao. Trước đó, họ đã làm được điều này với Gmail. Nếu tất cả các thông báo của Facebook được xếp vào cùng mức ưu tiên như cách Gmail sắp xếp, ví dụ ở mức rất thấp, Facebook lo rằng điều này sẽ làm suy giảm sự tương tác với người dùng, và dẫn đến giảm lợi nhuận.
Bối cảnh Chiến tranh lạnh
Trong hoàn cảnh này, Facebook chỉ có rất ít lựa chọn về chiến lược. Cách đây không lâu, Facebook bắt đầu kế hoạch phát triển một hệ sinh thái thay thế Google, cho phép ứng dụng của họ tồn tại mà không cần đến sự tương tác với Google nữa. Điều này sẽ có liên quan đến việc tạo ra những ứng dụng thay thế cho dịch vụ của Google như Google Maps, Youtube, Google Search, và Google Play Store. Kế hoạch này giúp Facebook khuyến khích các nhà sản xuất thiết bị Android tải trước ứng dụng của họ vào thiết bị, thay vì của Google.
Kế hoạch này đã bị hủy bỏ vì nhiều lý do. Điều cơ bản là quy mô của các nỗ lực này sẽ cực lớn. Thứ hai là một bước đi táo bạo như vậy sẽ là hành động công khai chống lại Google, và cả hai công ty có quá nhiều lợi ích phụ thuộc vào nhau để làm vậy. Trên thực tế, sự hiện diện của ứng dụng Facebook là một trong những điều kiện để người dùng xem xét đến việc sử dụng thiết bị Android.
Cho dù họ vẫn còn là đối thủ cạnh tranh nhau, nhưng công ty duy nhất thu được nhiều tiền từ Android hơn Facebook là Google. Với hơn một tỷ người dùng trên hệ điều hành Android, dễ hiểu tại sao Facebook muốn chơi đẹp với ông chủ ngôi nhà này. Tuy nhiên, tình hình là vô cùng khó khăn.
Sống nhờ vào đối thủ
Khái niệm về “nền tảng” đã làm cho môi trường kinh doanh công nghệ trở thành một nơi lạ lùng. Đó là một nơi với đầy rẫy những liên mình bền vững, sự bế tắc và sự hòa hợp. Một khi bạn bắt đầu sử dụng dịch vụ của ai đó như nền tảng của mình, bạn sẽ trở thành mục tiêu cho những quy tắc và thay đổi của họ. Nếu bạn trở thành đối thủ của họ, dịch vụ đó sẽ trở thành ưu thế của nhà cung cấp. Cách duy nhất để hoàn toàn thoát ra khỏi đó, là tạo ra một nền tảng tương tự của riêng bạn để cạnh tranh.
Cách đây không lâu, Google đã ở trong tình huống tương tự. Với phần lớn lượt tìm kiếm đến từ trình duyệt Internet Explorer của Microsoft, công ty đã phải chiến đấu để đảm bảo không phải phụ thuộc vào Microsoft như một nền tảng cho dịch vụ của mình. Để làm được điều đó, họ phải làm ra một thứ tương tự như Internet Explorer và còn tốt hơn. Chrome là kết quả cho nỗ lực đó của Google, và họ đã làm được. Giờ đến lượt Facebook.
Tuy nhiên, vị thế của Facebook hiện tại bất lợi hơn nhiều so với Google trước kia. Dịch vụ của Google hiện đã trở nên quá phổ biến. Nếu mạng xã hội này muốn thoát ra khỏi tình cảnh hiện tại của họ, họ phải làm nhiều hơn là chỉ tạo ra một trình duyệt thành công. Họ sẽ cần tạo ra một phiên bản tốt hơn với tất cả các dịch vụ được đề cập ở trên, và các ứng dụng mới này cần có đủ sức cạnh tranh với Google để có được một tập khách hàng khả thi. Thẳng thắn mà nói, thay thế riêng một dịch vụ Youtube đã là một nhiệm vụ rất nặng nề.
Theo GENK