Đối tượng Song Long Guo (quốc tịch Trung Quốc) bị bắt quả tang vận hành hệ thống trộm cước viễn thông và bị xử phạt 10 năm tù. Nguồm: Internet |
Ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT – I) cho biết, đã có thời điểm giữa năm 2012 có nhiều doanh nghiệp viễn thông quốc tế đã bán phá giá dịch vụ cước kết nối điện thoại quốc tế (VoIP) chiều về xuống dưới giá thành (2.5 cent/phút). Cước này do phía đối tác nước ngoài trả cho doanh nghiệp viễn thông Việt Nam chứ không liên quan đến cước thu trực tiếp của khách hàng.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp viễn thông nhỏ cung cấp dịch vụ này đã lỗ và dừng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, khi giá cước dịch vụ này được nâng lên 6.1 cent/phút thì các doanh nghiệp đã có lợi nhuận tốt từ dịch vụ này. Chỉ tính riêng trong năm 2013, VNPT – I đã đóng góp thêm 450 tỷ đồng cho lợi nhuận của VNPT từ dịch vụ này.
Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh sau khi cước kết nối VoIP quốc tế chiều về được nâng lên thì hiện tượng trộm cắp cước quốc tế bắt đầu quay trở lại mạnh. Ông Lâm Quốc Cường cho biết gần đây còn xuất hiện hiện tượng lưu lượng điện thoại quốc tế được đổ về một mạng viễn thông của Việt Nam sau đó được kết nối sang mạng viễn thông của VNPT.
Đây cũng là hình thức kinh doanh lậu, nhưng rất khó xử lý. Điều này đang gây thiệt hại cho quốc gia rất lớn. Vì vậy, ông Lâm Quốc Cường đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn việc gian lận và kinh doanh lậu dịch vụ cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về và xử lý nghiêm minh các hành vi này.
Đồng tình với ý kiến của đại diện VNPT – I, phía Viettel cũng xác nhận rằng hiện tượng gian lận và kinh doanh lậu dịch vụ cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về đang tăng mạnh sau khi mức cước này được tăng lên. Phía Viettel cho biết, ngoài hiện tượng các đối tượng trộm cước quốc tế thì cũng xuất hiện hiện tượng giống như của VNPT là lưu lượng quốc tế được đổ qua mạng di động trong nước sau đó mới kết nối sang mạng của Viettel.
Phía Viettel cho biết, doanh nghiệp này đã phát hiện và ngăn ngăn chặn khá tốt các hành vi chuyển lậu lưu lượng quốc tế về Việt Nam, nhưng hình thức chuyển qua mạng viễn thông trong nước sau đó kết nối sang mạng của Viettel thì rất khó xử lý.
Vì vậy, phía Viettel cho rằng để đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm quy định về quản lý giá cước dịch vụ VoIP quốc tế chiều về đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước và Bộ TT&TT kiểm soát việc thực hiện của các doanh nghiệp thông qua việc thanh kiểm tra hợp đồng, thỏa thuận giảm giá bán của các doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài, xây dựng chế tài xử phạt nặng đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về quản lý giá cước.
Phía CMC Telecom cũng khẳng định rằng trên thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều hiện tượng chuyển lậu lưu lượng quốc tế về Việt Nam cũng như xuất hiện việc gian lận trong việc kinh doanh dịch vụ này ngay trong các doanh nghiệp viễn thông. Đại diện CMC Telecom cũng đề nghị Bộ TT&TT tiến hành kiểm tra nếu phát hiện những doanh nghiệp viễn thông có hành vi này thì cần xử lý theo hình thức rút giấy phép kinh doanh để đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh và đảm bảo lợi ích quốc gia.
Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước hồi tháng 11/2013, đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, đã xuất hiện hiện tượng kinh doanh lậu dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về. Thanh tra Bộ TT&TT cũng xác nhận hai mạng di động MobiFone và VinaPhone đã lọc và ngăn chặn khá nhiều thuê bao được dùng chuyển lậu cước quốc tế về Việt Nam. Thanh tra Bộ TT&TT cho biết cũng đã xuất hiện hiện tượng lưu lượng điện thoại quốc tế đang đổ về một mạng viễn thông nhỏ.
Trước vấn đề việc kinh doanh điện thoại quốc tế lậu mà phía VNPT – I đặt ra, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết việc điều chỉnh cước quốc tế chiều về sẽ được thực hiện từ Quý I/2014 và sẽ chống kinh doanh lậu dịch vụ này.
Theo ICTNews