Bốn đại gia nước ngoài dự báo trong tương lai có thể làm thay đổi cục diện sở hữu ngành nghề nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung bao gồm: Tập đoàn CJ của Hàn Quốc (thực phẩm, công nghệ sinh học, giải trí, mua sắm tại nhà và logistics), Tập đoàn Ayala của Philippines (cấp nước, viễn thông, bất động sản, ngân hàng), Tập đoàn SCG của Thái Lan (xi măng, vật liệu xây dựng, nhựa) và Tập đoàn Central Group của Thái Lan (bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, bất động sản).
CJ Group
CJ Group là một tập đoàn đa ngành của Hàn Quốc, được thành lập từ năm 1953, với 4 lĩnh vực kinh doanh chủ yếu, bao gồm: Thực phẩm - Dịch vụ ẩm thực; Công nghệ sinh học - Dược phẩm; Giải trí - Truyền thông; Bán lẻ - Vận tải.
Tại Việt Nam, CJ nổi tiếng bởi với chuỗi 27 cụm rạp chiếu phim CGV. Tập đoàn này đã đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ có 30 cụm rạp trên khắp cả nước, duy trì vị trí số 1 về phân phối phim ảnh.
Ở lĩnh vực thực phẩm, CJ đang đầu tư 4 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng bình quân mảng thực phẩm của CJ là 86%/năm, và tập đoàn này đặt mục tiêu tăng trưởng tiếp 71% năm 2016. Đây là con số lớn nhất so với các mảng kinh doanh khác của CJ.
CJ tuyên bố, họ đang có kế hoạch đổ vốn mạnh mẽ trong năm 2016, với giá trị có thể ngang bằng tổng giá trị đầu tư 5 năm trước đó cộng lại. Được biết, tổng giá trị đầu tư trong 5 năm này (2011-2015) vào khoảng 400 triệu USD.
Nhằm tăng tốc sở hữu thị phần, mới đây, CJ đã chạy đua với Holding nội địa là Masan đầu tư vào Công ty Vissan. Tuy bị Masan đánh bại, CJ chỉ mua được 4,18% cổ phần Vissan trong phiên IPO tháng 3 vừa qua nhưng chắc chắn ông lớn này sẽ không bỏ qua mảng thực phẩm vốn dĩ đầy màu mỡ của Việt Nam mà sẽ chuyển hướng sang một doanh nghiệp nông nghiệp khác trong thời gian tới.
Bên cạnh thực phẩm và điện ảnh, 2 mảng kinh doanh còn lại của CJ cũng đang âm thầm phát triển và có những bước tăng trưởng đáng kể.
Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân mảng dược phẩm của CJ tại Việt Nam là 26% và sang năm 2016, mục tiêu tăng trưởng được đặt ra là 19%.
Với bán lẻ - Hậu cần, CJ Việt Nam hiện có kênh TV Shoping và hai công ty con khác là CJ IMC và CJ Korea Express cung cấp dịch vụ hậu cần. Tuy nhiên, các lĩnh vực này tỏ ra khá mới mẻ và CJ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% tại mảng kinh doanh này.
Doanh thu của CJ tại Việt Nam tăng khá đều đặn qua các năm. Trong năm 2015, doanh thu tập đoàn này đạt gần 14.000 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 600 tỉ đồng, tăng trưởng gần 3 lần chỉ sau 5 năm.
Tập đoàn xi măng Siam (SCG)
SCG của Thái Lan được thành lập từ năm 1913, hoạt động tập trung vào 3 lĩnh vực chính là hóa dầu, bao bì và xi măng - vật liệu xây dựng.
SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992. Tuy nhiên, phải đến những năm gần đây SCG mới lộ rõ "bản chất" của mình khi thâu tóm thành công hàng loạt doanh nghiệp nhựa bao bì và vật liệu xây dựng.
Công cuộc thâu tóm của SCG có thể kể đến các thương vụ nổi đình nổi đám như: Năm 2012, SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần CTCP Prime Group với giá 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng). Việc mua lại Prime Group không chỉ giúp SCG tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, mà còn giúp tập đoàn này trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới, với sản lượng kỷ lục là 225 triệu m2/năm.
Năm 2015, SCG tiếp tục mua thành công 80% cổ phần Công ty Nhựa Tín Thành - DN tốp đầu trong lĩnh vực nhựa bao bì của Việt Nam; mua trên 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh và gần 25% cổ phần của Nhựa Tiền Phong.
Tính đến thời điểm này, SCG đã chi ra khoảng 121 triệu USD đầu tư vào các công ty Việt Nam thuộc lĩnh vực nhựa. Ngoài những doanh nghiệp đã nêu, SCG còn nắm giữ cổ phần tại 18 công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái...
Đầu tư vào Việt Nam đã giúp SCG thu được nhiều trái ngọt. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 của Tập đoàn này cho thấy, doanh thu bán hàng đạt 14.100 tỷ đồng (638 triệu USD), tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào kinh doanh ngành gạch men và bao bì đóng gói.
Với tham vọng bá chủ thế giới trong lĩnh vực nhựa bao bì, năm 2013, lãnh đạo SCG đã duyệt bản kế hoạch đầu tư cho 5 năm tiếp theo khoảng 6-8 tỷ USD cho các nước trong khu vực, trong đó, một phần lớn sẽ được rót vào Việt Nam.
Như vậy, trong một vài năm tới, có thể thị trường sẽ còn chứng kiến thêm nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong các lĩnh vực như xi măng - vật liệu xây dựng, giấy và hóa chất bị thâu tóm bởi "gã khổng lồ" này.
Tập đoàn Ayala
Ayala là tập đoàn lớn và giàu truyền thống nhất tại Phillipines, hoạt động tập trung đầu tư ngân hàng, viễn thông, bất động sản, cấp nước.
Để bạn đọc dễ hình dung, nếu cộng giá trị vốn hóa của nhiều holding Việt Nam như ingroup, Sovico, Hoàng Anh Gia Lai, CII, Masan, PAN, Quang Dũng, Hùng Vương...thì đôi khi chỉ mới bằng giá trị của Ayala.
Những động thái thâu tóm quyết liệt của Tập đoàn Ayala trong thời gian qua khiến giới đầu tư chú ý là mua lại 49% cổ phần CTCP B.O.O Nước Thủ Đức từ tay CII - Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật Hồ Chí Minh.
Tiếp theo, Ayala đầu tư hàng loạt vào các công ty cấp nước ở TP.HCM như Công ty Nước Kênh Đông, Công ty Nước Sài Gòn - Pleiku, Công ty Đầu tư Hạ tầng Vietnam - Philippines.
Vào những tháng cuối năm 2015, Ayala phát đi thông điệp rằng họ sẽ đầu tư thêm 13 triệu USD vào các dự án tại Philippines, Singapore và Việt Nam, trong đó sẽ có 4,26 triệu USD đầu tư tại thị trường Việt Nam thời gian tới.
Central Group
Tập đoàn hàng đầu bán lẻ của Thái Lan là cái tên có thể nói tốn quá nhiều giấy mực của truyền thông và giới đầu tư Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Central Group được biết đến là tập đoàn gia đình nổi tiếng tại Thái Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng.
Từ đầu năm 2014 Central Group đã bày tỏ ý muốn bành trướng thị phần tại thị trường Việt Nam khi mở cửa hàng Robins đầu tiên với diện tích 10.000m2 tại tầng hầm B1 – Trung tâm thương mại Royal City, siêu dự án bán lẻ với tổng diện tích 200.000m2 sàn thương mại và hơn 5.000 căn hộ tại Hà Nội, Việt Nam.
Tuy nhiên, tham vọng mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam của Central Group thể hiện rõ nhất từ tháng 1/2015, sau khi thông qua việc sở hữu 49% cổ phần Nguyễn Kim. Hiện Nguyễn Kim có 21 siêu thị điện máy trên khắp cả nước. Tham vọng của Central Group là mở 50 siêu thị trong năm 2019.
Sau đó không lâu, tháng 6/2015, lại có tin Central Group đã hoàn tất việc thâu tóm thành công 49% hệ thống Siêu thị điện máy Pico của Việt Nam. Thậm chí, kế hoạch phát triển dài hơi của Pico với sự "tham gia" của Central Group cũng đã bị rò rỉ. Pico hiện có 6 siêu thị, được cho là sẽ thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động lên hơn 20 siêu thị trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về thương vụ này. Đại diện Pico cho hay, cả hai bên vẫn đang trong quá trình "tìm hiểu nhau".
Ở thời điểm này, Central Group đang tỏ ra quyết liệt hơn khi "tranh đấu" cùng với TCC Holding và Aeon, nhắm tới BigC - hệ thống bán lẻ quốc tế tại Việt Nam, đứng thứ hai sau thương hiệu bán lẻ nội địa Co.opmart.
Nhánh kinh doanh bán lẻ của Central Group ở Việt Nam hiện có hơn 6.000 nhân viên và doanh thu đạt 600 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái. Nếu dành chiến thắng, BigC Việt Nam có thể giúp tăng gấp đôi doanh số bán hàng của Central Group tại thị trường Việt Nam.
Tuy kết quả chưa ngã ngũ, nhưng trước mắt cho thấy Central Group rất hăng say trong mặt trận bán lẻ của Việt Nam - một thị trường đang nóng lên cùng sự mở rộng mạnh mẽ các chuỗi bán lẻ nội địa như Co.opmart, Vinmart và hàng loạt chuỗi quốc tế hùng hậu như Aeon Mall (tốp đầu nước Nhật), E-Mart (tốp đầu Hàn Quốc), TCC Holding (tốp đầu Thái Lan)...
Theo Trí Thức Trẻ