Người Việt học gì từ người Nhật để tăng năng suất lao động

Thứ năm, 21/04/2016, 09:19
Một doanh nhân nhận xét, người Việt thường hay làm việc theo kiểu làm đến đâu thì... sửa đến đó.

Từng có khoảng thời gian nhiều năm làm đại sứ Việt Nam tại Nhật, đối với ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, có nhiều điều người Việt Nam có thể học hỏi được từ người Nhật.

Trước tiên là lòng trung thực cao độ. “Hàng cứu trợ rất nhiều và được xếp vào nhiều thùng ngăn nắp cạnh nhau. Tuy nhiên người Nhật không vơ vét lấy thật nhiều về cho gia đình mình, mà chỉ lấy vừa đủ những gì họ cần”, ông Bình nhớ lại những ký ức về giai đoạn vô cùng khó khăn của Nhật Bản sau khi hứng chịu chuỗi động đất - sóng thần năm 2011, tại buổi hội thảo “Làm việc hiệu quả như người Nhật” diễn ra hôm 20/4.

Vị cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật đánh giá, người Nhật thể hiện tính trung thực rõ nét từ trong trường lớp, cho đến ra siêu thị, cửa hàng, khi đi taxi, khi làm dịch vụ.

So với người Nhật, yếu tố kỷ luật lao động, quy trình lao động chính là điều người Việt còn thiếu - Ảnh:Kotaku.

Khi đến mua hàng tại siêu thị hay các cửa hàng, nếu số tiền thừa dù chỉ còn có 1 yên, nhiều người lái xe taxi hoặc người bán hàng cũng sẽ trả lại bằng được cho khách. Nếu người mua hàng cố tình không lấy số tiền còn lại, người bán hàng sẽ cảm thấy rất khó xử.

Tính cộng đồng của người Nhật cũng là điều mà người Việt cần học tập. Theo ông Bình, khi mà ở đâu đó trên đất nước Việt Nam vẫn có hiện tượng hôi của, dù trong điều kiện hoàn toàn bình thường.

Giai đoạn hậu động đất - sóng thần năm 2011, trước cảnh thiếu điện do nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng, nhiều người Nhật tới siêu thị không dùng thang máy để tiết kiệm điện, mà chọn leo thang bộ.

Người Nhật sẽ dạy ý thức, kỷ luật cho đứa trẻ trước sau đó mới đến dạy kiến thức. Người Việt lại đi theo quy trình ngược lại, đó là muốn nhồi nhét kiến thức trước cho con, mà chưa dành đủ sự quan tâm đến đào tạo kỷ luật cho các cháu từ sớm, ông Bình nói.

Từ cách giáo dục như vậy, cho nên đến khi đi làm, người Việt chưa có kỷ luật lao động tốt, đó là chưa kể đến tính cách làm việc nửa vời, không đến nơi đến chốn, dù được đánh giá là có khả năng học hỏi tốt và thông minh, khéo léo.

Một hệ quả nữa được ông Bình so sánh là khi cùng ở xuất phát điểm, có thể người Nhật không hơn người Việt, nhưng qua thời gian làm việc, người Nhật thường có những bước tiến nhảy vọt hơn hẳn người Việt, bởi tính cách Nhật rất quyết đoán, đã làm là làm đến cùng.

Bà Bùi Thị Hồng Liên, nguyên Giám đốc FPT Japan, Tổng giám đốc FPT Software - người từng có nhiều năm kinh nghiệm sống và làm việc tại Nhật, cũng chia sẻ quan điểm rằng, người Việt Nam dù rất thông minh, nhưng khi làm việc thường chưa có kế hoạch tổng thể, bao quát, và cũng không tránh khỏi tình trạng làm việc không đến nơi đến chốn.

Bà Liên nhận xét, người Việt thường hay làm việc theo kiểu làm đến đâu thì... sửa đến đó, chứ thường không có một quy trình tổng thể với chi tiết kế hoạch triển khai, các hạng mục dự kiến có thể phát sinh và hướng giải quyết.

Bà dẫn ví dụ về tâm lý làm việc không thấu đáo, thiếu cẩn thận của người lao động Việt. Đó là chỉ với một cuộc họp, phía Việt Nam thường không tìm hiểu sâu sắc về đối tác, mà chỉ đến họp rồi về. Trong khi đó, phía Nhật thường yêu cầu thật nhiều thông tin về đối tác sẽ tham gia họp là ai, chức vụ, chuyên môn như thế nào.

Và sau mỗi buổi họp, phía Nhật thường cố gắng ở lại để nói chuyện nhiều hơn với đối tác, nhằm hiểu về người đang làm việc với mình. Đồng thời, biên bản tổng kết cuộc họp luôn là yếu tố không thể thiếu đối với bất kỳ cuộc họp lớn nhỏ nào.

Bà Liên tin rằng, nếu có quy trình làm việc tốt hơn, chắc chắn năng suất làm việc của người Việt Nam sẽ tăng đáng kể. Với kinh nghiệm đã đưa hàng nghìn lao động Việt Nam sang Nhật, người phụ nữ từng là Giám đốc FPT Japan đưa ra một phép so sánh: cùng một anh kỹ sư đó, khi đưa sang Nhật làm theo quy định giờ giấc chuẩn của Nhật, quy trình làm việc của Nhật thì năng suất lao động của anh ta đã tăng gấp 2 - 3 lần.

"Nếu người đó còn nỗ lực học hỏi hơn nữa, năng suất còn có thể tăng lên gấp 4 - 5 lần, và đó là điều đã từng xảy ra. Chính vì vậy, yếu tố kỷ luật lao động, quy trình lao động chính là điều người Việt còn thiếu. Cải thiện được hai yếu tố này thì năng suất lao động Việt Nam tại chính Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể", bà Liên nói.

Một câu hỏi được đặt ra bên lề hội thảo này: vậy tại sao người Việt Nam nên học người Nhật, chứ không phải người Mỹ, người Pháp, người Đức hay nhiều nước phát triển trình độ cao khác trên thế giới?

Với kinh nghiệm và hiểu biết về nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, ông Nguyễn Phú Bình khẳng định, tất nhiên mỗi dân tộc đều có những tinh hoa khác nhau, và người Việt đều cần phải học từ các nước.

Tuy nhiên, quan hệ Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm khác biệt, ông nói. Việt Nam có mối quan hệ hữu hảo với Nhật lâu hơn khá nhiều nước phát triển khác trên thế giới. Ngoài ra, hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tôn giáo, tư duy.

Chính vì thế, ông Bình tin rằng có rất nhiều thứ mà người Việt Nam, đặc biệt những người lao động trong các doanh nghiệp, có thể học hỏi nhiều hơn từ các đối tác Nhật, để cải thiện năng suất và chất lượng lao động của chính mình.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn