Thị phần nước mắm của Nam Ngư, Chinsu đang lung lay?

Thứ tư, 20/04/2016, 10:43
Năm 2012, thị phần nước mắm của Masan là 80% thì đến năm 2015, thị phần giảm xuống còn 65%. Sự cải thiện về thu nhập đang khiến các sản phẩm nước mắm truyền thống có cơ hội hồi sinh cho dù giá thành cao hơn nước mắm công nghiệp của Masan.

Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2015.

Theo đó, Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu 14.500-15.500 tỷ đồng và lợi nhuận trong khoảng 2.800-3.000 tỷ đồng. So với kết quả năm 2015, doanh thu dự kiến tăng trưởng khoảng 8-15% trong khi lợi nhuận dao động +/-3% và tiếp tục thấp hơn so với các năm 2013, 2014.

Như vậy, theo kế hoạch mà Masan Consumer vạch ra, đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp công ty không tăng trưởng lợi nhuận. Theo báo cáo của lãnh đạo công ty, đây là năm Masan Consumer xuất ngoại, khi ngay lập tức tiếp cận thị trường 65 triệu dân của Thái Lan và xa hơn là thị trường 250 triệu dân của khu vực ASEAN.

Hoạt động kinh doanh của Masan Consumer qua các năm

Chưa thể nói trước được thành công của Masan Consumer ở thị trường quốc tế, nhưng tại nội địa, thị phần các ngành hàng chủ lực của công ty đang chững lại.

Theo số liệu từ công ty, thị phần nước tương và tương ớt của Masan Consumer không đổi so với năm 2014, thị phần cà phê giảm nhẹ, trong khi thị phần nước mắm giảm từ 70% xuống 65%. Nếu so sánh với năm 2012, sản phẩm nước mắm đã mất tới 15% thị phần. Tuy vẫn giữ vị trí số 1 trên thị trường, nhưng những con số cho thấy thị phần nước mắm của Masan đang có dấu hiệu lung lay.

Thị phần 5 ngành hàng của Masan Consumer qua các năm

Theo tổng cục thống kê, người dân Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu khoảng 7.200-7.500 tỷ đồng, tạo nên sức hút lớn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là thị trường đã chứng kiến cuộc lật đổ của Masan khi đánh bật ông lớn Knorr của Unilever, và thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm nước mắm của người Việt, từ nước mắm truyền thống sang nước mắm công nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các sản phẩm nước mắm truyền thống dường như đang có dấu hiệu hồi sinh, trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguyên liệu tự nhiên, thay vì các sản phẩm công nghiệp.

Một chuyên gia trong ngành cho biết, để làm ra nước mắm truyền thống, nhà sản xuất phải mua muối từ trước đó 2 năm, để magie và mùi hăng của muối bay hơi mất 1 năm, rồi sau đó mới đem ủ cá trong khoảng 4 tháng. Trong khi đó, nước mắm công nghiệp chỉ cần mua nước cốt từ các vựa mắm, sau đó pha chế trong 1 ngày là có thể làm ra cả nghìn lít. Do đó, nước mắm truyền thống có giá thành cao hơn so với nước mắm công nghiệp.

Nếu như những năm trước, người tiêu dùng không quá chú trọng tới sản phẩm, mà ưu tiên so sánh giá cả, khiến các loại nước mắm công nghiệp lên ngôi thì đến nay, khi điều kiện sống cao dần, các loại nước mắm truyền thống, nguyên chất sẽ có cơ hội hồi sinh.

Masan nhận định, "một phần ba dân số sẽ trở thành tầng lớp trung lưu trước năm 2020, khi thu nhập tăng trưởng nhanh chóng ở mức gần 8,8%, sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người vượt 3.400 USD vào cuối thập kỷ này". Như vậy, với thu nhập cải thiện, cuộc chơi giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp hứa hẹn sẽ còn hấp dẫn trong thời gian tới.

Theo Trí Thức Trẻ

Các tin cũ hơn