Việc tăng lương cho người lao động cao hơn tốc độ tăng của số lượng nhân viên là một trong những vấn đề "nóng" được cổ đông đưa ra thắc mắc với ông Đỗ Quang Hiển và lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2016 diễn ra chiều 21/4.
Theo đó, trong năm 2015, tổng quỹ lương và phụ cấp của SHB tăng mạnh 38% trong khi số lượng nhân viên tăng chỉ 9%, cổ đông tính toán, bình quân mỗi cán bộ, nhân viên SHB năm vừa rồi được tăng lương 26%. Một số cổ đông cho rằng, đây là mức tăng quá cao và chưa phù hợp với tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.
Đáp lại những băn khoăn này, ông Hiển cho biết, trong thời gian vừa qua, SHB đã quyết định tái cấu trúc lại lương do SHB mặc dù đã nằm trong tốp 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất nhưng bảng lương so sánh vẫn nằm vào diện thấp nhất hệ thống.
"Con người là yếu tố là quan trọng. Chúng ta là những người chủ của ngân hàng mà để cho nhân viên lương thấp hơn mặt bằng trên thị trường thì liệu có thể phát triển lâu dài được hay không? Đừng nói là tăng trong một năm mà đã phản ứng, thực tế thì chúng tôi vẫn đảm bảo tổng quỹ lương trong phạm vi mà ĐHĐCĐ đã thông qua" - ông Hiển truy vấn lại cổ đông.
Ông Hiển bảo vệ quan điểm tăng lương cho cán bộ nhân viên ngân hàng |
Ông chủ SHB nói: "Quý vị hãy xem lại thu nhập của cán bộ nhân viên SHB, thấp lắm! Mặt bằng thu nhập của các bộ nhân viên cũng phải phù hợp với vị thế ngân hàng. Ở đây tôi muốn nói rằng, tăng lương không phải là tăng theo cơ học mà để khuyến khích người lao động làm việc và giữ được họ ở lại cống hiến cho ngân hàng".
Cụ thể, lương tại SHB được chia thành hai cấu phần: lương chức danh và lương kinh doanh. Thu nhập người lao động chủ yếu dựa vào lương kinh doanh được trả trên cơ sở hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa, theo ông Hiển, việc tăng lương không thể chỉ thực hiện với nhân sự mới mà phải áp dụng với cả nhân sự cũ, đảm bảo được mức cạnh tranh.
"Đương nhiên là chúng tôi vẫn quản lý toàn bộ chi phí hoạt động một cách chặt chẽ từ văn phòng phẩm, tờ giấy, hộp bút... đến chi lương. Ai làm việc hiệu quả cao thì thu nhập cao, ai hiệu quả thấp thì thu nhập thấp. Lương vẫn phải đảm bảo được so với mặt bằng ngành ngân hàng, có vậy mới giữ được nhân sự ngân hàng gắn bó" - ông Hiển nhấn mạnh.
Số liệu tại báo cáo tài chính cho thấy, trong năm 2015, tổng nhân sự của SHB tăng 530 người, tương ứng tăng 9,5% so với năm 2014, lên 6.083 người. Trong đó, nhân sự ngân hàng mẹ là 5.458 người, tăng 465 người so với cuối năm 2014.
Trong quý IV/2015, thu nhập bình quân của nhân viên SHB là 18,35 triệu đồng/người/tháng, tăng mạnh so với mức thu nhập bình quân 13,5 triệu đồng/người/tháng vào hồi tháng 6/2015.
Ngoài ra, sau nhiều năm chưa nhận cổ tức tiền mặt, năm nay, cổ đông SHB tiếp tục nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, ĐHĐCĐ năm nay của SHB tiếp tục thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7,5%.
Phát biểu tại đại hội, một cổ đông cho biết, ông kỳ vọng trong năm tới 8,5% cổ tức sẽ được SHB chi trả bằng tiền mặt. Thậm chí, có cổ đông còn đặt vấn đề, với mức giá 6.300 đồng mỗi cổ phiếu hiện tại, thị giá SHB quá rẻ, vì sao các thành viên trong ban lãnh đạo không mua vào cổ phiếu để đẩy giá lên?
Chia sẻ với cổ đông, ông Hiển cho biết, bản thân ông cũng là cổ đông ngân hàng (ông Hiển đang nắm hơn 28 triệu cổ phần SHB) nên "nhận tiền tươi thóc thật vẫn vui hơn". Tuy nhiên, ông Hiển cũng đề nghị cổ đông cần gắn bó và tính đến năng lực tài chính lâu dài của SHB. Việc đưa chi trả cổ tức bằng tiền mặt, theo ông Hiển vẫn còn phải đợi đến ĐHĐCĐ năm tới để cân nhắc và bàn bạc, đưa ra quyết định.
"Thành viên HĐQT, như tôi nhiều lúc thấy cổ phiếu hấp dẫn, với giá trị doanh nghiệp và giá cổ phiếu như thế nhiều lúc tôi nuốt nước bọt. Nhưng nếu muốn mua thì tôi sẽ phải báo cáo, công bố thông tin, tôi mua thì lại bảo là HĐQT làm giá cổ phiếu, nên rất bất tiện" - ông Hiển trần tình.
Theo Dân Trí