Công ty Idemitsu Kosa của Nhật Bản và Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPC) đã thành lập liên doanh với tên gọi Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 tại Việt Nam. Hiện tại hai đối tác này đang nắm giữ 35,1% vốn tại dự án Liên hợp Lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa.
Đại diện Idemitsu cho hay công ty này đã nhận được chứng nhận đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và bán buôn sản phẩm dầu khí tại thị trường Việt Nam, chủ yếu thông qua việc xây dựng và quản lý các trạm dịch vụ trên toàn quốc.
Như vậy, đây là lần đầu tiên một công ty nước ngoài chính thức đặt chân vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam.
Xu thế đáng mừng
Hiện nay ba công ty xăng dầu là Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro đang thống lĩnh khoảng 75% thị phần xăng dầu trên cả nước. Điều này có nghĩa thị trường xăng dầu hiện vẫn là “mảnh đất riêng” của các công ty Việt. Do vậy, với sự tham gia của đại gia lớn trên thế giới hy vọng có thể sẽ là cú hích tích cực cho thị trường xăng dầu trong nước.
Bình luận về sự kiện này, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nói: “Điều này sẽ nâng cao tính cạnh tranh thị trường và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, đồng thời tạo tiền đề để mở rộng thị trường bán lẻ xăng dầu, hướng tới một thị trường bán lẻ xăng dầu cạnh tranh thực sự”.
Ông Long cũng đánh giá những đại gia nước ngoài đầu tư vào Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở trên đủ tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm, quản trị… để xây dựng hệ thống kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam. Ông nói: “Đây là một sự khởi đầu về việc xâm nhập của các công ty nước ngoài vào thị trường Việt Nam và đó là dấu hiệu tốt cho thị trường xăng dầu. Khi có sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thì người mua xăng sẽ có lợi, thị trường sẽ phát triển”.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cũng nhìn nhận việc các công ty xăng dầu ngoại tham gia vào khâu bán lẻ sẽ tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ. “Thị trường xăng dầu trong nước hiện nay đang có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, biểu hiện qua việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang thống lĩnh thị trường, dưới mức độc quyền nhưng đủ mức áp đặt luật chơi trên thị trường. Mỗi khi tăng, giảm giá thì các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đều nhìn theo Petrolimex để điều chỉnh, tạo bất lợi cho người tiêu dùng” - ông Doanh phân tích.
Ông Doanh cũng cho rằng theo cam kết hội nhập, Việt Nam dần dần sẽ mở cửa thị trường trong nước, trong đó có xăng dầu. Khi các đại gia ngoại tham gia vào khâu phân phối bán lẻ xăng dầu sẽ làm giảm vị trí thống lĩnh của DN trong nước và nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó các DN ngoại có thể sẽ góp phần làm cho việc điều hành xăng dầu phải công khai, minh bạch và công bằng hơn.
Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi khi các công ty xăng dầu ngoại tham gia vào khâu bán lẻ? |
Sợ chi phí lót tay cản trở
Tuy đánh giá tích cực việc có ông lớn nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu Việt, TS Lê Đăng Doanh cũng lo ngại xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên việc cấp phép lập cây xăng còn nhiều bất cập.
Ông Doanh nói: “Nhiều công ty phản ánh họ phải có chi phí lót tay mới xong. Đây là điều cần làm sáng tỏ. Nếu DN nước ngoài mà phải than phiền bỏ ra chi phí lót tay kiểu như vậy thì không hay” - ông Doanh cảnh báo.
Trong khi đó, đại diện một công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối nhìn nhận việc đại gia nước ngoài tham gia trực tiếp vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam không phải dễ dàng. Họ muốn tham gia thị trường này thì cũng phải đáp ứng nhiều điều khoản của Nghị định 83/2014 như có hệ thống phân phối, trạm chứa xăng dầu, hệ thống đại lý… đáp ứng được những điều kiện này là không đơn giản.
“Thực tế nhiều công ty nội địa muốn mở rộng hệ thống kinh doanh bán lẻ nhưng vẫn không thực hiện được vì phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe. Trong đó địa điểm đặt cây xăng và thủ tục cấp phép cho cây xăng hoạt động là vấn đề vướng mắc lớn đối với DN” - đại diện công ty trên cho biết.
Một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết thêm, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên việc cấp phép cho nhà đầu tư ngoại vào thị phần bán lẻ cần được nhiều cấp quyết định.
Dù vậy, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay Nghị định 83 không quy định ngoại lệ nào với các thương nhân nước ngoài hay trong nước, miễn là thương nhân đó được cấp có thẩm quyền cấp phép bán lẻ xăng dầu. “cái khó của các DN ngoại là tìm địa điểm đặt cây xăng bởi các địa điểm thuận tiện hiện nay đã được các DN nội chiếm lĩnh” - ông Long nói.
Có thể được xuất nhập khẩu Khi ký Hiệp định Thương mại tự do WTO năm 2006, theo Thời Báo kinh tế Sài Gòn, Việt Nam đã giữ lại quyền kinh doanh xăng dầu, không mở cửa thị trường. Theo đó, DN nước ngoài không được quyền kinh doanh, phân phối, xuất nhập khẩu xăng dầu… Tuy cam kết như vậy nhưng Chính phủ Việt Nam cũng đã có những ngoại lệ về mở cửa thị trường phân phối với các nhà đầu tư tại các dự án lọc dầu. Cụ thể, khi cấp phép cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn và các dự án lọc hóa dầu sau đó, Chính phủ đã có nghị quyết chấp thuận cho các nhà đầu tư, đồng thời có quyền được phân phối sản phẩm do họ đầu tư sản xuất ra tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ cho phép các đối tác ở Nghi Sơn lập DN phân phối xăng dầu tại thị trường nội địa chứ không cấp quyền xuất nhập khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể họ có thể được cấp quota xuất nhập khẩu. |
Đứng thứ hai Nhật Bản
Từ ngày 6 đến 12-4 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã có chuyến công tác đến Nhật Bản và Kuwait. Tại Kuwait, lãnh đạo PVN đã có buổi làm việc với KPI và Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Kuwait (KPC). Trong đó có nội dung hợp tác phân phối các sản phẩm xăng dầu trên thị trường Việt Nam, khuyến khích KPC thành cổ đông chiến lược của PV Oil (Tổng Công ty Dầu Việt Nam) khi cổ phần hóa vào cuối năm 2016. Còn tại Nhật Bản, lãnh đạo PVN có buổi làm việc với lãnh đạo Idemitsu Kosan. Phía Idemitsu cũng bày tỏ sự quan tâm đến thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam và sẵn sàng xem xét khi PV Oil tiến hành cổ phần hóa. Idemitsu là DN lớn thứ hai trong ngành xăng dầu Nhật Bản. |
Theo PLO