Thông báo ý kiến kết luận của Tổng cục Năng lượng trong cuộc họp về cung cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 mới đây, ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục này đã yêu cầu PVN chỉ đạo chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 phải tập trung mua than do TKV sản xuất theo đúng Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than.
Cơ quan quản lý không nên can thiệp vào hoạt động mua bán của doanh nghiệp |
"Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I phải đồng thời, chủ động làm việc với TKV để ký hợp đồng mua bán than năm 2016 cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, đàm phán để ký kết hợp đồng cung cấp than dài hạn cho nhà máy trước ngày 15/7/2016", yêu cầu nêu rõ.
“Trên cơ sở hợp đồng mua bán than năm 2016 đã ký, PVN chủ động làm việc với TKV để thống nhất kế hoạch tiếp nhận than từ khối lượng, chất lượng cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 theo từng tháng, quý…”, thông báo cho hay.
Chỉ đạo trên của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng dẫn Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015, tuy nhiên, tại Chỉ thị này, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do TKV và Tổng công ty Đông Bắc sản xuất và chỉ đạo EVN, PVN mua than trong nước cho sản xuất điện từ hai đơn vị này.
Chỉ thị được đưa ra trong bối cảnh việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép vẫn diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ tái diễn, tình trạng vi phạm quy định về an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn khá phổ biến…
Như vậy, mặc dù viện dẫn Chỉ thị số 21 song chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Năng lượng đã không đề cập đến một đơn vị khác có thể cung cấp than cho PVN là Tổng công ty Đông Bắc (thuộc Bộ Quốc phòng).
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án Than đồng bằng sông Hồng – Vinacomin cho biết, không nên chỉ định việc cấp than cho nhà máy nhiệt điện, làm méo mó thị trường nhất là trong bối cảnh thị trường than của Việt Nam đang hình thành và phát triển theo đúng nghĩa của một thị trường không có độc quyền.
“Tại sao bắt PVN mua than giá cao trong khi có than giá rẻ của các nước ngay trong khu vực, bản thân TKV cũng đi nhập than giá rẻ về trộn và bán cho nhà máy nhiệt điện. Mặt khác, đằng sau PVN hay EVN là người dùng điện, PVN hay EVN cũng phải có trách nhiệm đảm bảo giá điện cạnh tranh cho người dùng”, ông Sơn phân tích.
Ông Sơn kiến nghị, không nên ban hành những ý kiến chỉ đạo như Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng. “Hãy để doanh nghiệp làm đúng theo thị trường, không nên dựa vào những văn bản mang tính chất pháp quy để điều chỉnh thị trường một cách chủ quan. Cơ quan nhà nước càng không nên ban hành văn bản thể hiện lợi ích nhóm”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo báo cáo của TKV, tính đến hết tháng 3/2016 vừa qua, lượng than sạch tồn kho lên đến 10 triệu tấn. Tuy nhiên, TKV cũng là đơn vị nhập khẩu số lượng than lớn trong số các đơn vị nhập than trực tiếp từ 1 số thị trường như Úc, Trung Quốc, Nga…
Theo Dân Trí