Theo Phó Thủ tướng, hàng giả, hàng lậu đang ngày càng diễn biến phức tạp. Công cuộc đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại thời gian qua vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm… vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi; hàng cấm, hàng độc hại từ nước ngoài vẫn xâm nhập vào Việt Nam với số lượng lớn.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) |
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện trong xử lý vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng lậu, nhất là xử lý trách nhiệm của cán bộ công chức có vẫn còn tình trạng nể nang, bao che, thiếu kiên quyết; việc điều tra, xử lý một số vụ việc vi phạm cụ thể còn chậm trễ, kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Công tác quản lý nhà nước ở địa phương thực hiện trách nhiệm không cụ thể dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận ở những lĩnh vực này diễn biến phức tạp, gia tăng nhưng khó xử lý; nhất là lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng cần nhìn nhận rõ nhưng hạn chế, tồn tại; đặc biệt cần quyết liệt hơn nữa đối với đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các bộ, ngành cũng cần kiên quyết không để tình trạng cán bộ tiếp tay cho buôn lậu.
"Kiên quyết điều chuyển, thay thế những người đứng đầu cơ quan và cán bộ có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu và không có “vùng cấm” trong đấu tranh chống buôn lậu. Các lực lượng chức năng cần đánh mạnh vào các hang ổ buôn lậu để giải quyết tận gốc chứ không nên dừng lại ở vài vụ buôn lậu lẻ tẻ, chỉ bắt mấy ông bà cửu vạn", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định.
Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội, thời gian vừa qua nạn phân bón giả đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp, làm thiệt hại 2 tỷ USD cho nhà nước, người dân và DN mỗi năm. Quan trọng hơn, hiện tượng phân bón bị phát hiện song xử lý chưa triệt để.
Tại văn bản mới gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phú, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: "Trong thời gian qua, số vụ phát hiện và bắt giữ phân bón giả ngày một nhiều nhưng xử lý chưa nghiêm, có dấu hiệu chìm xuồng. Đặc biệt, nguy hiểm hơn có hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thực thi công vụ tham gia tiếp tay cho gian thương để đưa phân bón giả ra thị trường và tạo điều kiện cho phân bón giả có đất sống làm tổn hại đến hoạt động sản xuất phân bón, ngành nông nghiệp".
Trước đó, như PV đã đưa tin, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã phát hiện 1 loạt sai phạm có tính chất nghiêm trọng về cấp giấy chứng nhận chất lượng phân bón tại Cục Trồng trọt. Kết quả thanh tra chỉ rõ có dấu hiệu cố ý làm trái khi Cục Trồng trọt chỉ định cho 11 cơ sở chưa đủ năng lực, thẩm quyền đứng ra cấp chứng nhận phân bón khiến hậu quả trong hơn 6 năm (2010 - 2016) có rất nhiều sản phẩm phân bón tuồn ra ngoài thị trường được chứng nhận sai.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ NN&PTNT đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công Thương về sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ khi công ty này cố ý chứng nhận cho hơn 1.274 loại phân bón không thuộc danh mục thẩm quyền và giấy phép được cấp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Dân Trí