Lý do người Thái 'thèm' bia Việt

Thứ năm, 02/06/2016, 09:16
Thâu tóm nhiều hệ thống bán lẻ, nhưng tham vọng các đại gia Thái không phải là đưa bia nước họ vào Việt Nam, mà sẽ làm bia Việt và bán trên đất Việt.

Câu chuyện cổ phần hóa Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với việc bán 53% cổ phần Nhà nước đang khiến các doanh nghiệp lâu nay vốn dòm ngó, thâu tóm hãng bia này sốt ruột.

Không dễ bán bia Thái ở Việt Nam

Tại đại hội cổ thường niên năm 2016 ngày 27/5 vừa qua, nội dung thoái vốn Nhà nước để niêm yết cổ phiếu Sabeco trên sàn chứng khoán Việt Nam đã không được đưa vào cuộc họp.

Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco cho biết, trong phạm vi, quyền hạn của mình, Sabeco không thể tự quyết định. Chỉ có Nhà nước mới quyết định được lộ trình thoái vốn, thoái cho ai, như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu.

Hiện đã có hơn 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua cổ phần của Sabeco. Trong nước có Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Ánh Dương, Công ty Tập đoàn Đức Bình. Số lượng doanh nghiệp ngoại có phần lấn lướt hơn với Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan) và SAB Miller (Mỹ). Trong số các nhà đầu tư trên, ThaiBev với thương hiệu bia lớn nhất Thái Lan Chang beer, được đánh giá là nhà đầu tư quyết liệt nhất.

Theo ông Phan Đăng Tuất: "Sabeco như một 'cô gái đẹp'. 'Chàng trai' nào muốn làm rể phải đáp ứng những tiêu chuẩn khá cao. Tôi cũng đã gặp Chủ tịch của Thaibev và chia sẻ thẳng thắn: Hôn nhân tại Việt Nam không do đôi trai gái quyết định, mà còn phụ thuộc vào gia đình, đoàn thể…”. Ảnh: T. Tùng

Bằng chứng là từ tháng 11/2014, khi Sabeco có ý định tái cấu trúc vốn và bán 53% cổ phần, ThaiBev đã muốn sở hữu số cổ phần trên và định giá khoảng 2 tỷ USD. Ở thời điểm này, Sabeco đang chiếm lĩnh 46% thị phần bia trong nước, với thương hiệu 333 và Bia Sài Gòn.

Đến đầu tháng 2/2015, ThaiBev một lần nữa muốn mua 40% cổ phần của Sabeco, với giá trị khoảng 1 tỷ USD, tương ứng định giá công ty đã lên 2,5 tỷ USD. Thương vụ này bị Sabeco “lắc đầu”, vì cho rằng mức giá thấp.

Cùng thời điểm này, một ông lớn khác của Thái Lan, là Tập đoàn Singha, thành viên Tập đoàn Boon Rawd Brewery, hãng bia tại Thái Lan thành lập năm 1933, sở hữu các sản phẩm với nhiều thương hiệu khác nhau như Singha, Leo, B-ing, Purra, Sanvo… cũng đề nghị mua cổ phần của Sabeco, nhưng không được phía Sabeco đồng ý.

Singha sau đó đã “tạm quên” thương vụ này để chi 1,1 tỷ USD mua cổ phần một số công ty con thuộc tập đoàn Masan tại Việt Nam vào cuối năm 2015. Thương vụ có hiệu lực tháng 1/2016. Ngay sau đó, thức uống của Singha Asia có mặt tại phòng khách của người Việt. Nhưng khi được hỏi, liệu Singha có đưa các sản phẩm bia của mình vào thị trường Việt Nam, ông Palit Bhirombhakdi, Tổng giám đốc Singha Asia, cho rằng ông không chắc sẽ đưa bia Thái vào bán ở Việt Nam, dù có hệ thống phân phối rộng khắp.

“Việc uống bia là văn hóa, và cả lòng tự hào dân tộc. Đi đâu cũng vậy, người dân nước sở tại họ vẫn thích uống bia mang thương hiệu của nước họ. Tại từng nước thì thương hiệu bia của từng vùng, từng tỉnh sẽ được người dân nơi đó yêu thích hơn. Giống như người Việt Nam đang uống bia Sài Gòn vậy”, ông Palit Bhirombhakdi nói.

Chia sẻ của Tổng giám đốc Singha Asia đã giải thích lý do vì sao các đại gia Thái dù có thâu tóm nhiều chuỗi phân phối, bán lẻ tại Việt Nam, nhưng vẫn quyết tâm sở hữu Sabeco, thay vì mang bia nước họ vào bán.

Thị trường tỷ đô

Trong 4 tháng đầu năm 2016, người Việt uống hơn 1 tỷ lít bia, tương đương gần 10 triệu lít mỗi ngày. Theo dự báo của một chuyên gia ngành bia rượu nước giải khát, năm 2016 Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 3,2 tỷ lít bia, tiếp tục tăng so với năm 2015.

Còn báo cáo của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN (VBA) cho biết, năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, trong đó Sabeco đạt 1,5 tỷ lít. Kết thúc năm 2015, doanh thu thuần của Sabeco đạt hơn 27.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.600 tỷ đồng.

Thông tin từ Sabeco, thị phần của công ty đã tăng lên khoảng 43%. Dự kiến, tổng doanh số bán hàng (có thuế tiêu thụ đặc biệt) năm 2016 của hãng hơn 35.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.192 tỷ đồng. Sản lượng bia dự kiến đạt 1,54 tỷ lít.

Như vậy, nếu ThaiBev mua được Sabeco, hãng bia này sẽ tiếp cận được với hơn 40% thị trường bia nội địa.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, xu thế công ty Thái mua doanh nghiệp Việt Nam và lấn át thị trường là điều phát triển kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp làm ăn giỏi. Việc sử dụng M&A là biện pháp giúp một doanh nghiệp rút ngắn thời gian phát triển thị trường mới, dù có tốn chi phí hơn. Trên thế giới M&A diễn ra hàng ngày và liên tục, điều đó tốt cho cả người mua - kẻ bán (trừ thôn tính thù địch). Chúng ta chưa quen nên thấy nó là mối nguy.

Ngược lại, các công ty Việt Nam thì mảng phát triển ra nước ngoài còn xa lạ, trừ xuất khẩu (mà đa số là dạng gia công hoặc hàng thô). Các công ty hàng đầu Việt Nam đều là ông trùm tại thị trường nhà, nhưng xuất khẩu cũng yếu. Trong khi những công ty hàng đầu của Thái Lan, Malaysia đều vươn ra quốc tế, làm bài bản từ cả chục năm trước.

Ông chủ Charoen Sirivadhanabhakdi của Thaibev hiện đang sở hữu 11% cổ phần của Vinamilk thông qua Công ty con Fraser & Neave, và đang quản lý khách sạn 5 sao Melia Hà Nội thông qua TTC Land.

Tháng 1/2016, Metro cũng chính thức về tay của TCC Holdings, tập đoàn do ông Charoen quản lý.

Năm 1991, tỷ phú Charoen đã từng hợp tác với Carlsberg để phát triển thị phần bia tại Thái Lan, nhằm đánh bật hãng bia 60 năm tuổi Singha. Chỉ trong 3 năm, ông Charoen đã học hỏi được nhiều kiến thức từ Carlsberg và tạo hãng bia Chang (tiếng Thái là con voi).

Trong vòng 5 năm tiếp theo, Chang beer chiếm lĩnh 60% thị phần nội địa. Sau khi thành công, năm 2003, Charoen buộc Carlsberg phải rút khỏi thị trường Thái Lan, kết thúc cuộc lật đổ ngoạn mục, vừa đánh bại Singha vừa buộc Carlsberg rút lui.

Theo Zing

Các tin cũ hơn