Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ diễn ra hôm qua (3/7), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kêu gọi các doanh nhân tăng cường tính gắn kết để cùng nhau đưa nền kinh tế phát triển.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong mong các doanh nhân, doanh nghiệp Việt gắn kết nhiều hơn nữa |
Ông Phong cho biết, từ nay đến năm 2020, TP.HCM đặt mục tiêu đạt 500.000 doanh nghiệp. Mặc dù phát triển về số lượng gấp đôi nhưng ông Phong yêu cầu cần phải có lộ trình cụ thể để nâng cao “sức khoẻ”, “sức đề kháng” cho doanh nghiệp. Phải làm sao tạo được thương hiệu quốc gia, xứng tầm khu vực và thế giới. Ông Phong đưa ra so sánh giữa Coop Mart và Lotte.
Lotte vào Việt Nam với ban đầu là 12 trung tâm thương mại nhưng họ đặt mục tiêu đến năm 2020 là lên con số 50. Còn Coop Mart hiện đang là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam với 82 siêu thị trải rộng các địa phương. Không thể ngủ quên trên chiến thắng, Coop Mart cần phải làm sao để vươn lên từ “nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam” thành “nhà bán lẻ lớn nhất khu vực” vào năm 2020.
Chủ tịch UBND TP.HCM kể lại chuyến đi Nhật Bản cách đây không lâu của ông. Khi đó, ông Phong đến Osaka, một thành phố nhỏ của Nhật nhưng có tới 30.000 doanh nghiệp và sản xuất những sản phẩm mang đi toàn cầu. Trông người mà ngẫm đến ta. Ông Phong cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta hiện đang gặp rất nhiều bất cập nên chỉ loay hoay, quẩn quanh trong “ao làng”.
Ông Trần Quốc Toản: "Các doanh nghiệp nên liên kết với các trường Đại học" |
Doanh nghiệp Việt đang bất cập trong trình độ quản lý và chất lượng lao động, chưa thực sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, công nghệ... Điều tai hại hơn theo như lời của Chủ tịch UBND TP.HCM chính là “tính gắn kết giữa các doanh nghiệp của chúng ta chưa cao”.
“Tôi đề nghị cùng với việc nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh thì cần nâng cao tính hợp tác hỗ trợ nhau, tư duy ai thắng ai nên bỏ qua. Có như vậy mới tạo được xung lực mạnh của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, để “vươn ra biển lớn” khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp phải tiếp tục tái cơ cấu về năng lực tài chánh, quản trị, đổi mới công nghệ để có thể vượt qua thách thức. Không chỉ doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu mà các loại hình doanh nghiệp khác cũng phải tái cơ cấu.
“Chúng ta đang tham gia sân chơi toàn cầu chứ không còn bó hẹp trong địa phương, quốc gia. Cần minh bạch để tiếp cận các thông lệ quốc tế, chủ động liên kết hợp tác các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI để tận dụng chuyển giao công nghệ, đa dạng hoá phương thức kinh doanh”, ông Phong gợi ý.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Việt Nam phấn đấu đến 2020 có 5 tập đoàn đứng trong Top 300 doanh nghiệp lớn nhất Châu Á. Trong Top 5 đó, làm sao phải có doanh nghiệp của địa bàn TP.HCM.
Chỉ có gắn kết, doanh nghiệp Việt mới có đủ sức vào sân chơi TPP |
Ngoài yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp, ông Phong cũng khẳng định rằng, chính quyền TP.HCM sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp startup, doanh nghiệp sáng tạo bằng cách tập trung cho việc hỗ trợ tổ chức vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp.
TP.HCM sẽ bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hình thành quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thành các trung tâm, vườn ươm doanh nghiệp...
“Các quốc gia đã chuẩn bị tinh thần khởi nghiệp ngay từ thời tiểu học. Do đó, TP.HCM sẽ kiến nghị đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo của các trường đại học mà trước mắt là các trường đại học do TP.HCM quản lý”, ông Phong khẳng định.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP hiện đang tích cực xây dựng chính quyền điện tử, chấm dứt thư mời và các giao dịch giữa các Sở ngành bằng giấy.
Sắp tới, TP sẽ tổ chức khảo sát đo lường sự hài lòng về chất lượng thủ tục hành chính để các doanh nghiệp đánh giá, góp ý chất lượng phục vụ của công chức, góp ý chất lượng văn bản để sửa đổi bổ sung cho hoàn chỉnh.
Hiện lãnh đạo TP tiếp doanh nghiệp 2 lần/năm. Riêng cơ quan thuế, hải quan ngoài giao dịch 24/24 trên online thì hàng quý đều phải tiếp xúc với các doanh nghiệp theo kênh chuyên đề để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Theo Dân Trí