Con đường ven biển nối TP.Phan Thiết xuống xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) dài 25km bên phải là núi, bên trái là biển lâu nay được xem như cung đường phượt lý tưởng của khách du lịch. Ngoài thiên đường nghỉ dưỡng Mũi Né, 10 năm trở lại đây Kê Gà được xem là "nàng thiên nga" của du lịch Bình Thuận với biển xanh, cát vàng và những mỏm đá tạo thành bãi tắm tuyệt đẹp.
Địa điểm từng dự kiến xây dựng cảng Kê Gà. |
Tuy nhiên, ám ảnh của khách du lịch khi đến đây là hàng loạt biệt thự, resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp... nằm ven biển bị bỏ hoang phế chục năm, cỏ mọc um tùm, không người trông coi. Một số dự án bắt đầu được đầu tư xây dựng trở lại nhưng chỉ nhỏ giọt, cầm chừng, lẻ loi giữa "làng du lịch ma".
Tại khu du lịch Thế Giới Xanh, nơi từng đi vào hoạt động, dù có bảo vệ trông coi nhiều năm song nền tường cũng đã bong tróc, phủ đầy rêu phong, cây cối chết khô, tài sản còn lại cũng hư hỏng nặng nề. Trên lối vào các tiểu resort đều phủ kín cây dại, cỏ mọc um tùm. Các phòng nghỉ dưỡng cao cấp giờ xập xệ, giường nệm mục nát, máy móc gỉ sét...
Nhìn từ phía biển vào, các resort của khu du lịch Đồi Phong Lan nằm lấp ló bên trong những rừng cây y như các khu nhà ma, nhiều năm chưa một dấu chân đặt đến. Hồ bơi được xây dựng hàng tỷ đồng với nước trong xanh, giờ chỉ là một màu xám đen của bụi đất, xác động vật chết. Các khu du lịch lân cận như Minh Ngọc, Thành Đạt, Mũi Điện - Kê Gà... cũng rơi vào tình cảnh hoang tàn tương tự.
Theo ngư dân sống ở đây, khoảng 20 năm trước, khi Mũi Né bắt đầu nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam thì Kê Gà vẫn còn nguyên sơ với những làng chài nhỏ dưới ngọn hải đăng cổ. Đầu thập niên 2000, nhận lời kêu gọi của UBND tỉnh Bình Thuận, nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội, TP.HCM... đổ hàng trăm tỷ đồng vào xây các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp nằm ven biển.
Làng quê nghèo hoang hóa bỗng chốc nhộn nhịp hẳn. Nhiều dự án được cấp phép đầu tư đã xây dựng và đi vào hoạt động, bắt đầu đón khách. Khi đó, Kê Gà được kỳ vọng trở thành "thủ đô resort" để đón khách du lịch khắp thế giới đến nghỉ dưỡng, "chia lửa" cho Mũi Né ngày càng đông đúc. "Không khí đầu tư xây dựng ở Kê Gà lúc bấy giờ sôi động lắm", một ngư dân kể lại.
Khu resort Rạch Dừa bị bỏ hoang gần 10 năm nay. |
Năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải bất ngờ bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng nước sâu tổng hợp. Cảng sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa của các dự án bauxite Tây Nguyên, đồng thời tạo tiền đề phát triển kinh tế cho vùng Nam Trung Bộ, với quy mô đến năm 2020 đạt 17,5 triệu tấn một năm và đến năm 2030 đạt 37 triệu tấn. Dự án dài 2,3 km bờ biển, rộng 366 ha, kinh phí 550 triệu USD, sau đó được điều chỉnh lên một tỷ USD do Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tháng 4/2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà đến 12 chủ đầu tư khu du lịch và người dân đồng thời yêu cầu tất cả ngưng xây dựng, nhường đất cho dự án cảng biển mang tầm quốc gia.
Trong thời gian này, UBND tỉnh Bình Thuận nhiều lần mời các chủ đầu tư lên làm việc để tính toán việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 12 dự án nằm trong vùng phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, qua nhiều lần dự kiến khởi công cảng Kê Gà vẫn nằm trên giấy, không tiến hành như hứa hẹn ban đầu của chủ đầu tư.
Tháng 2/2013, nhận thấy dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu ngừng lại và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại cho nhà đầu tư du lịch. Một năm sau, Chính phủ có quyết định chính thức dừng hẳn, xóa bỏ quy hoạch cảng Kê Gà.
Trong 3 năm qua, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm kê hiệt hại của chủ đầu tư nhưng đến nay việc bồi thường vẫn còn nằm trên giấy. Trong khi các chủ đầu tư đang mỏi mòn chờ bồi thường để tiếp tục dự án còn dang dở.
Những tiểu resort bỏ hoang giữa cây cỏ dại ven biển Kê Gà. |
Không chỉ 12 dự án phải ngừng hoạt động, gần 10 năm qua, các khu resort liền kề nằm trên trục đường 719 đi qua các xã Tiến Thành (TP.Phan Thiết), Thuận Quý, Tân Thành (Hàm Thuận Nam) được cho cũng bị ảnh hưởng của dự án phải ngừng xây dựng, nhiều biệt thự xây xong để vậy, trơ khung trong nắng mưa.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, những dự án này phần lớn là thiếu vốn do khủng hoảng kinh tế. UBND tỉnh cũng đã giao nhiều sở ngành rà soát để tìm phương án khắc phục, trong đó cũng có thể thu hồi, giao lại cho nhà đầu tư khác.
Theo VNE