Nhiều dấu hiệu cho thấy không nên đưa vốn vào vàng |
Nhìn tổng quát, trong 8 tháng đầu năm, giá vàng, chứng khoán tăng cao nhất; tiết kiệm, giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, giá bất động sản tăng nhẹ, còn giá USD lại giảm.
Tuy nhiên, diễn biến trong quá khứ là việc đã diễn ra. Giá cả thường có “sóng”, có đỉnh và có đáy, biết đâu quá khứ là đỉnh, nhưng tương lai lại là đáy và ngược lại. Do vậy, cần phải lượng đoán các yếu tố tác động trong thời gian tới.
Đi vào phân tích cụ thể từng kênh đầu tư trên cơ sở kết hợp cả diễn biến đã qua và những yếu tố tác động trong thời gian tới, có thể dự đoán xu hướng giá cả trên các kênh rõ hơn.
Thứ nhất, về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây vừa phản ánh kết quả đầu tư vào sản xuất kinh doanh, vừa là thước đo lãi suất trên các kênh đầu tư khác có “thực dương” hay không? CPI sau 8 tháng tuy tăng cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, nhưng được dự báo có khả năng thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm (dưới 5%) và thấp xa so với tăng trưởng kinh tế (với 3 kịch bản 6,28%; 6,5% và 6,7%). Đầu tư vào sản xuất, kinh doanh không dễ.
Thứ hai là vàng, sau 8 tháng tăng khá cao. Nhưng chỉ có người nào mua ở đáy trước đây (dưới 34 triệu đồng/lượng) và bán ở đỉnh (khi ở mức trên 39 triệu đồng/lượng) mới có lãi. Nếu tính bình quân 8 tháng tăng 3,3%. Trên thế giới, giá vàng tính bằng USD, trong khi xu hướng USD lên giá, nên giá vàng có thể giảm xuống. Ở trong nước, lạm phát không cao, tỷ giá VND/USD ổn định; chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không còn cao hơn như trước. Các diễn biến đó là dấu hiệu cho thấy không nên đưa vốn vào vàng.
Thứ ba là USD. Trên thế giới, giá USD có xu hướng tăng do tăng trưởng kinh tế Mỹ phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhiều quốc gia hạ giá đồng nội tệ và đẩy mạnh mua USD, nhất là Trung Quốc. Ở trong nước có những yếu tố tác động làm giảm sức ép tăng tỷ giá. Cán cân thương mại và cán cân thanh toán thặng dư; lượng ngoại tệ vào Việt Nam đạt quy mô lớn và tăng lên từ các nguồn (FDI thực hiện, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, đầu tư gián tiếp…), tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn cao như trước, lãi suất tiền gửi bằng USD bằng 0... Tổng hợp các tác động trên, người viết khuyến cáo không nên đầu tư vào USD.
Thứ tư là kênh tiết kiệm. Đây là kênh đầu tư truyền thống, thích hợp và quen thuộc với nhiều đối tượng. Bảo đảm an toàn vì có lãi suất danh nghĩa; từ mấy chục tháng nay có lãi suất thực dương (lớn hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng). Điều này lý giải một phần tại sao tốc độ tăng tiền gửi cao hơn tốc độ tăng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, góp phần giảm sức ép thanh khoản của hệ thống...
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư thì lãi suất tiết kiệm không hấp dẫn (bởi đầu tư họ còn phải vay với lãi suất cao hơn mấy phần trăm để thu được lãi suất lớn hơn); chỉ khi họ chưa tìm được hoặc chờ cơ hội đầu tư thì mới “tạm trú” vào tiết kiệm. Như vậy, đối với những người không biết đầu tư vào đâu, hoặc sợ rủi ro khi đầu tư vào các kênh đầu tư khác thì nên gửi tiết kiệm. Vấn đề đặt ra là cần tăng quyền lực cho bảo hiểm tiền gửi và nâng mức bảo hiểm rủi ro.
Thứ năm là kênh chứng khoán. Chứng khoán đã tăng điểm năm thứ 5 liên tiếp, với tốc độ khá cao. Tuy nhiên, đây là thị trường cao cấp, đòi hỏi có trình độ hiểu biết hoạt động của các công ty niêm yết, kỹ thuật đầu tư, sự minh bạch của thị trường và tác động của các tin đồn...
Trong khi các yếu tố này hiện có những hạn chế, bất cập, lại thường có tính đám đông, rất khó đoán định được “đỉnh”, “đáy” và khả năng khó tăng liên tiếp trong năm thứ 6 tới đây. Mặc dù cả thị trường không tăng điểm, nhưng vẫn có sóng, do vậy, có thể chọn các công ty này để đầu tư, nhưng cần chọn khoảng 2-3 mã, thông qua thống kê lịch sử để biết chu kỳ lên “đỉnh” hoặc xuống “đáy” để chọn phiên bán.
Cuối cùng là kênh bất động sản, được dự đoán sẽ bước vào cơn sốt thứ 4 vào cuối năm 2015 và năm 2016. Tuy nhiên, thị trường này chỉ ấm lên (năm 2015 có tốc độ tăng cao gấp rưỡi tốc độ tăng CPI) chứ không sốt; thậm chí tốc độ tăng giá 8 tháng năm nay còn thấp hơn CPI, ở địa bàn Hà Nội một số sản phẩm còn bị giảm.
Nguyên nhân chủ yếu do cung tăng cao hơn cầu; tín dụng vẫn tập trung nhiều hơn vào phía cung hơn là phía cầu, làm cho tiêu thụ chậm và nợ xấu ngân hàng giải quyết chậm… Tuy nhiên, mỗi năm dân số cả nước tăng gần 1 triệu người, với mức bình quân nhân khẩu hiện tại sẽ khiến cho nhu cầu tăng 22 triệu m2, chưa kể việc cải thiện, tách hộ, số trung lưu tăng.
Như vậy, diễn biến trong 8 tháng qua cho thấy, giá vàng tăng cao nhất, tiếp đến là chứng khoán, gửi tiết kiệm đều cao hơn CPI, còn bất động sản thấp hơn CPI, riêng giá USD còn bị giảm. Người dân có tiền nhàn rỗi căn cứ thực tế này để cân nhắc kênh đầu tư nhằm sinh lợi đồng tiền.
Theo Báo Đầu Tư