1.800 USD/kg, Mỹ ồ ạt khai thác sâm rừng bán cho Trung Quốc

Thứ bảy, 17/09/2016, 11:18
Người tiêu dùng ở Hong Kong và Bắc Kinh đang trả giá cao cho nhân sâm mọc hoang ở Mỹ, thúc đẩy tình trạng khai thác ồ ạt trong những cánh rừng.

Tại ngoại ô Boone, bang North Carolina, Mỹ, Travis Cornett biến trang trại thôn quê của ông thành một pháo đài. Người đàn ông 39 tuổi này đặt nhiều camera an ninh trên mảnh đất rộng gần 50.000m2 - tọa lạc trên một rừng thông dốc và gắn biển cảnh báo màu đỏ trên thân cây dọc theo khu đất với nội dung "Những người xâm phạm sẽ bị truy tố".

Ngoài ra, Cornett cũng thủ sẵn một khẩu Ruger 0,22 và Kalashnikov nhằm đuổi những kẻ xâm nhập trái phép. Thứ mà ông đang bảo vệ chính là nhân sâm.

Bỏ việc để trồng sâm

Theo Foreign Policy, năm 1995, sâm rừng có giá gần 900 USD/kg. Con số này tăng gấp đôi trong thập kỷ tiếp theo và lên tới 2.200 USD/kg vào thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007.

Sâm là sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều nước châu Á. Ảnh: Reuters.

Khi đó, Cornett có một công việc ổn định tại công ty xây dựng gần Boone. Mọi chuyện thay đổi khi thị trường nhà ở lao dốc. Với kinh nghiệm đào sâm từ nhỏ cùng mức giá trên trời, ông quyết định dấn thân vào công việc mới.

Suốt vụ thu hoạch năm 2007, ông tìm thấy hơn 18kg nhân sâm. Tuy nhiên, sản vật này ngày càng khó tìm. Sau đó, Cornett quyết định trồng những cây nhân sâm của riêng mình, không phải tại trang trại công nghiệp mà trong rừng. Ông mua hạt giống và bắt đầu kế hoạch. Đó là bước đột phá đầu tiên của loại “nhân sâm mô phỏng hoang dã”.

Ban đầu, ông không quá lo về những tên trộm sâm - rất phổ biến tại Boone. Giống cây mà ông trồng trông giống với dâu dại. Nhưng khi trưởng thành, chúng bắt đầu xuất hiện các đặc điểm nổi bật. Cornett cho biết, tuổi đời của rễ sâm càng cao thì càng có giá, lên tới hàng trăm USD mỗi kg.

Cuối cùng, lo lắng của Cornett đã xảy ra. Đó là một buổi chiều tháng 9/2013, những người hàng xóm nhìn thấy một người đàn ông lôi thôi lảng vảng quanh mảnh đất của Cornett. Khi nhận được tin, ông lập tức đến chỗ trồng sâm và phạt bớt thân cây. Cornett tin rằng hành động này có thể bảo vệ rễ sâm khỏi kẻ trộm.

Tuy nhiên, một tuần sau, nghi phạm quay lại. Gã tiến vào khu đất của Cornett và mang theo một ba lô. Khi phát hiện, ông lập tức lái xe đến ngọn đồi và gặp David Presnell ở đó. Bất chấp lời cầu xin, ông gọi cho cảnh sát và gã bỏ chạy. Sau đó, cảnh sát tìm thấy Presnell cùng nhiều rễ sâm phơi khô trong nhà hắn. Giới chức nghi ngờ đó không phải vụ đột nhập đầu tiên.

Tháng 12/2014, Presnell trở thành người đầu tiên ở bang North Carolina bị kết án vì tội trộm sâm trên đất tư nhân với 30 tháng tù treo. Gã cũng không phải người duy nhất thực hiện hành động này trong khu đất của Cornett.

Những người trồng sâm như Cornett và trộm sâm như Presnell có cùng một mục đích: thị trường nhân sâm toàn cầu trị giá hơn 2 tỷ USD.

Thần dược chữa bách bệnh

Nhân sâm được sử dụng như một loại thảo dược bổ sung sức khỏe, một vị thuốc lâu đời trong y học cổ truyền Trung Quốc, sản phẩm phổ biến ở Hàn Quốc và ngày càng được người dân ở các quốc gia như Singapore và Malaysia ưa chuộng

Mọi người cho rằng tuổi sâm càng lớn, chất lượng càng cao. Ảnh: World Traditional Medicine

Tài liệu đầu tiên về loài cây này được viết cách đây khoảng 1.800 năm tại Trung Quốc. Theo đó, sâm được coi là thuốc bổ, có thể kéo dài tuổi thọ và chữa bách bệnh. Các nhà nghiên cứu hiện đại phát hiện các hợp chất trong nhân sâm có thể giảm viêm, giảm mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư và giúp điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, công dụng của loại cây này không kỳ diệu như dân gian truyền tụng.

Quá trình sinh trưởng của cây khá dài. Vào mùa thu, hạt cây gieo vào đất khi những quả sâm đã chín nhưng phải mất 2 năm mới nảy mầm và hơn một năm để mọc cành lá. Sâm rừng có thể sống đến 50 năm, đôi khi lâu hơn. Qua thời gian, rễ sâm mọc dài và thơm hơn. Mọi người tin rằng, nhân sâm càng già, chất lượng càng tốt.

Ngày nay, hầu hết nhân sâm được trồng hàng loạt trong những trang trại lớn, phun thuốc trừ sâu và nằm dưới bóng mát của những túp lều. Nhân sâm mọc hoang, thường xuất hiện trong các khu rừng ôn đới, có chất lượng và mức giá cao hơn.

Sau nhiều thế kỷ khai thác ồ ạt, sâm rừng trở thành hàng hiếm. Tại Đông Á, nó gần như "tuyệt chủng". Chính phủ của một số quốc gia cấm buôn bán trong khi tại Mỹ, hoạt động này vẫn còn hợp pháp. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, mật độ nhân sâm mọc hoang tại đây cũng giảm mạnh trong thập kỷ qua.

Tình trạng giảm cung tăng cầu khiến giá sâm rừng tại Mỹ tăng đột biến. Năm 2014, nước này xuất khẩu hợp pháp 37 tấn với giá bán buôn trung bình khoảng 1.800 USD/kg đối với loại sấy khô - gấp 15 lần so với sâm trồng - và thị trường chủ yếu là Trung Quốc, nơi tầng lớp trung lưu đang phát triển và sẵn sàng trả giá cao.

Theo quy định, người thu hoạch sẽ bán sâm cho các đại lý địa phương do chính phủ chỉ định. Nó là mặt hàng đem lại thu nhập cho người dân tại 6/10 hạt có thu nhập hộ gia đình trung bình thấp nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, sâm rừng có thể sớm cạn kiệt.

Những tác động như nạn khai thác tràn lan, phá rừng hay biến đổi khí hậu đang đẩy nhanh tình trạng. Chính quyền các bang cùng một số nhà khoa học đã tiến hành nhiều biện pháp khắc phục tình trạng nhưng chỉ như muối bỏ biển. Nhiều người suy đoán để bảo vệ loài cây này, Mỹ có thể tiến đến cấm hoàn toàn xuất khẩu sâm rừng. Tuy nhiên, động thái này có thể tạo ra tình trạng bán tại chợ đen với giá gấp 2-3 lần hiện tại.

Theo Zing

Các tin cũ hơn