Đứng trước nhu cầu mua sắm có nhiều thay đổi, các siêu thị, đại siêu thị truyền thống buộc phải đa dạng hóa kênh bán hàng của mình: Vừa trực tiếp (offline) vừa trực tuyến (online).
“Nếu không chấp nhận bỏ kiểu làm ăn cũ, bắt kịp với nhu cầu mới thì chúng tôi sẽ làm khách hàng thất vọng và quay lưng. Hiện có rất nhiều khách hàng không muốn chỉ mua hàng trên một phương tiện duy nhất.
Họ muốn mua trực tuyến, mua tại siêu thị, tại cửa hàng hay trên các sàn thương mại điện tử... Vì vậy việc có mặt và phủ khắp ở tất cả kênh tiếp cận khách hàng là điều vô cùng quan trọng” - đại diện một nhà bán lẻ nói.
Bán hàng đa kênh
Theo một khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Kantar World Panel vừa được công bố, 69% người tiêu dùng ở Việt Nam đòi hỏi những trải nghiệm mua sắm tiện lợi hơn so với truyền thống, để tiết kiệm thêm thời gian cho cuộc sống cá nhân.
Không chỉ vậy, khi mua hàng trực tuyến, khách hàng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn gấp 3-4 lần so với mức trung bình vì họ không cần phải mang tất cả hàng hóa lên xe để chở về như trước đây.
Người tiêu dùng đang chọn mua các sản phẩm trên máy đặt hàng Co.op link. |
Nhận thấy thương mại điện tử là xu hướng mua sắm tất yếu, Saigon Co.op đã thiết lập lộ trình phát triển các công cụ tiếp thị điện tử phù hợp với từng phân khúc khách hàng và cho từng mô hình bán lẻ của mình. Qua đó tiếp tục mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, đặc biệt là phân khúc khách hàng trẻ.
“Ví dụ chúng tôi phát triển fanpage riêng cho hệ thống Co.opmart và đã thu hút hàng triệu khách hàng tham gia tương tác. Với kênh bán hàng qua truyền hình cũng được chúng tôi 'nối dài' bằng trang web, để hàng Việt đến nhanh và gần hơn với người tiêu dùng hiện đại’ - ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Saigon Co.op, thông tin.
Tương tự, ông Moon Jong Sung, Giám đốc cấp cao Bộ phận tiếp thị và quản lý hàng hóa Công ty TNHH Thương mại Điện tử Lotte Việt Nam, nhận định tỷ lệ người dùng Internet để mua sắm tăng lên từng ngày. Đây là thuận lợi rất lớn cho thị trường hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến phát triển.
Ông Sung nói: “Thông qua mua sắm ngành hàng tiêu dùng nhanh bằng kênh thương mại điện tử, khách hàng sẽ được trải nghiệm mua sắm chủ động, linh hoạt, tiết kiệm thời gian và tiện lợi. Ngoài ra, chúng tôi còn áp dụng các chính sách hậu mãi, khuyến mãi dành riêng cho thương mại điện tử, để khuyến khích và thay đổi dần thói quen mua sắm của khách hàng”.
Một số nhà bán lẻ khác cũng cho hay khác với trước đây, hiện nay người tiêu dùng hiện diện khắp nơi trên mạng. Từ diễn đàn, mạng xã hội, trang web bán hàng trực tuyến đến phần mềm ứng dụng di động… Do đó các doanh nghiệp bán lẻ đang tích cực phát triển nền tảng bán hàng đa kênh để lôi kéo khách hàng.
Thích ngồi tại nhà mua hàng
Một nghiên cứu về ngành bán lẻ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2020 được Nielsen Việt Nam công bố mới đây, đã chỉ ra các mô hình kinh doanh sẽ có sự chuyển biến lớn và công nghệ được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ hình thức bán lẻ. Mảng bán lẻ trực tuyến sẽ phát triển mạnh trong vòng 4-5 năm tới.
Đáng chú ý, các ngành hàng đang có tỷ lệ lớn người tiêu dùng mong muốn được mua sắm trực tuyến là vé máy bay, tour du lịch, trò chơi điện tử, quần áo, điện thoại… Thậm chí nhiều bà nội trợ có xu hướng mua mắm, muối, dầu ăn, cà pháo, rau muống… qua online.
Ông Philip Zerillo, khoa MBA thuộc ĐH Quản trị Singapore (SMU), chuyên gia cố vấn cho các tập đoàn đa quốc gia, cho rằng Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng, dân số trẻ và họ sẵn sàng tiếp thu các công nghệ mới. Hiện nay thị trường bán lẻ thế giới đang thay đổi nhanh, người tiêu dùng không như trước đây đi siêu thị mua rồi mang về mà còn thông qua Internet.
“Do đó, nhà bán lẻ cần có cả sản phẩm online và offline. Sự hiện diện sản phẩm ở hai kênh này sẽ giúp nhà bán lẻ Việt cạnh tranh và tăng trưởng” - ông Philip Zerillo khuyến cáo.
Đặc biệt nhiều chuyên gia nhận định xu hướng mua sắm trên ứng dụng di động đang có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành thương mại điện tử Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp nào thiếu kênh bán hàng này sẽ bị thua kém các đối thủ cạnh tranh.
Miếng bánh 8 tỷ đô
Một số nghiên cứu cho thấy quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam chỉ mới bằng khoảng 1% của Mỹ, 4% của Nhật Bản và một nửa của Thái Lan. Tuy vậy, các dự báo cho biết doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 8 tỷ đôla vào năm 2025, nhờ vào các yếu tố như lượng người dùng điện thoại thông minh cao, kinh tế phát triển nhanh và dân số trẻ.
Tuy nhiều tiềm năng nhưng ngành thương mại điện tử Việt Nam đang gặp không ít trở ngại. Một trong các trở ngại lớn nhất là niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa bán lẻ trực tuyến chưa thật sự cao.
Mặt khác, nhiều người tiêu dùng chưa quen thanh toán trực tuyến mà vẫn quen mua hàng theo hình thức nhận hàng trước, trả tiền sau. Điều này đã khiến cho doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn trong việc thực hiện thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Hiện Việt Nam có hơn 40 triệu người sử dụng Internet, trong đó có hơn 30 triệu người sử dụng Facebook. Số lượt tìm kiếm thông tin trước khi quyết định mua sắm bằng thiết bị di động đã vượt qua máy tính. Doanh thu từ việc mua sắm bằng thiết bị di động của các trang thương mại điện tử lớn đã vượt quá con số 30%.
Theo Zing