Vén màn thua lỗ tại PVC: Bất thường những khoản tạm ứng khủng

Thứ năm, 15/09/2016, 09:13
Về việc thua lỗ tại PVC, theo thông tin PV Tiền Phong nhận được, ngay sau khi ông Trịnh Xuân Thanh về Bộ Công Thương được vài tháng, ban lãnh đạo mới của PVC đã có một báo cáo rất chi tiết liên quan đến làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể liên quan đến thực hiện quản lý tài chính rất lỏng lẻo tại nhiều đơn vị thành viên thuộc tổng công ty này.

Theo đó, hàng trăm tỷ đồng đã được nhiều đơn vị của PVC chi tiêu, tạm ứng sai nguyên tắc, thậm chí quyết toán khống với nhiều khoản chi sau này trở thành nợ khó đòi tại các đơn vị.

Được biết, theo số liệu kiểm tra tại Ban điều hành Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và được ghi nhận đến thời điểm 30/6/2013, ngoài việc cho tạm ứng cá nhân thừa hơn 645 triệu đồng so với thanh toán thực tế, sự dễ dãi trong thanh toán đã khiến đơn vị sau này phải gánh khoản nợ khó đòi do các đơn vị không thanh toán lại lên tới hơn 79,98 tỷ đồng.

Số tiền hơn 79,98 tỷ đồng này sau đó được giải thích là do nguyên nhân chủ quan tạm ứng cho nhà thầu vượt so với khối lượng thực hiện của nhà thầu và không có bảo lãnh theo điều khoản hợp đồng. Đặc biệt, khoản công nợ khó đòi của riêng công ty  Đầu tư xây lắp dầu khí IMICO lên tới 76,74 tỷ đồng.

Tại Ban điều hành dự án Nhà máy sản xuất Ethanol cũng có tình trạng một số cá nhân được cho tạm ứng cá nhân hàng trăm triệu đồng. Trong đó có 6 cá nhân vay số tiền hơn 1 tỷ đồng không thu hồi được.

Đáng chú ý, tại Công ty con của PVC là công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa cũng có những khoản tạm ứng vượt hợp đồng hàng chục tỷ đồng cùng những khoản nợ khó đòi nhiều tỷ đồng. Cụ thể, công ty này đã thanh toán trước và thanh toán thừa cả trăm tỷ đồng cho nhiều khách hàng như Công ty CP khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa (16,35 tỷ đồng);

Tổng công ty Đầu tư và Xây dựng thương mại Anh Phát (trong đó tổng giá trị ứng quá và thanh toán cả phần giữ lại chờ quyết toán lên tới hơn 87,9 tỷ đồng). Cuộc kiểm tra về sau của ban lãnh đạo mới của PVC xác định riêng trong tháng 9/2010 phần thanh toán và tạm ứng vượt hợp đồng cho Tổng công ty Anh Phát lên tới hơn 62,2 tỷ đồng.

Một số khoản tạm ứng cho các cá nhân ở Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa  cũng được phát hiện có nội dung không rõ ràng. Trong đó nhiều nhất là khoản tạm ứng cho Ban quản lý các dự án PVC-TH tại Nghi Sơn có số dư lên tới hơn 12,7 tỷ đồng và đến hết tháng 6/2013 vẫn không được hoàn trả và sau đó bị xếp vào diện nợ khó đòi.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn