Nhà xưởng bên trong nhà máy Ethanol Phú Thọ để hoang lạnh. |
Bài 1: Nặng gánh nợ nần
Sau khi tiếp quản vị trí của ông Trịnh Xuân Thanh một thời gian ngắn và phải đối mặt với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh bết bát tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), người đại diện vốn của PVN tại PVC đã phải làm báo cáo đề nghị tập đoàn cho phép phá sản những đơn vị con làm ăn thua lỗ triền miên để giảm nhẹ gánh nặng nợ nần.
Lỗ và lỗ
Trở lại thời điểm tháng 8/2013, ít tháng sau khi ông Trịnh Xuân Thanh rời khỏi PVC, PVN đã có Công văn số 123/DKVN-HĐTV yêu cầu lãnh đạo mới của đơn vị báo cáo về tình hình kinh doanh. Hơn một tháng sau khi nhận yêu cầu, trong báo cáo gửi PVN hồi tháng 9/2013, người đại diện vốn tại tập đoàn đã có một báo cáo “màu xám” về nhiều vấn đề liên quan đến kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ của PVC trong năm 2012 và các năm trước đó.
Báo cáo cho thấy, tính đến hết tháng 6/2013, tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của PVC cực kỳ khó khăn. Tổng doanh thu của riêng công ty mẹ chỉ vỏn vẹn hơn 510 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/6/2013 lên tới hơn 4.212 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế hợp nhất của toàn công ty lên tới 3.274 tỷ đồng.
Tại công ty mẹ, lỗ do hoạt động tài chính lên tới hơn 1.766 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng hơn 882 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả của PVC tại thời điểm này lên tới hơn 8.992 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngân hàng lên tới 1.504 tỷ đồng.
Tính toán của PVC tại thời điểm đó cũng cho thấy, đến cuối năm 2013, số lỗ của tổng công ty này được dự báo sẽ tăng thêm rất mạnh với số tiền khoảng 870 tỷ đồng. Việc gặp khó khăn trong thu hồi các khoản PVC vay ủy thác của PVN (với số tiền lên hơn 293 tỷ đồng) được dùng để cho các đơn vị khác vay lại cũng là một vấn đề được nêu trong bức tranh tài chính chung của tổng công ty này. Thậm chí, đơn vị này cũng dự báo, một số khoản chi phí khác chưa tính toán được số liệu cụ thể cũng sẽ là gánh nặng với đơn vị trong thời gian tới.
Từ huy hoàng đến tụt dốc không phanh
Lãnh đạo kế nhiệm Trịnh Xuân Thanh tại PVC, sau này là ông Bùi Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐQT trong báo cáo cho biết, khi tiếp quản, tổng công ty có bộ máy khá lớn với khoảng 9.000 lao động, 5 ban điều hành, 15 công ty con (với 5.189 người), 8 công ty liên kết và 17 công ty tài chính.
Điểm đáng lưu ý là đến tận thời điểm cuối năm 2008 (thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh còn là Tổng giám đốc, sau đó đến năm 2009 mới làm Chủ tịch HĐQT), PVC vẫn chỉ là một doanh nghiệp nhỏ của ngành dầu khí với vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
Sau đó, quy mô của PVC đã tăng đột biến khi được PVN góp vốn bằng tiền mặt và cổ phần của tập đoàn tại các công ty thành viên để tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng nhằm đưa PVC thành đơn vị đảm nhiệm toàn bộ công việc thi công xây lắp các công trình dầu khí trên bờ.
Thực tế sau đó, PVC đã được đảm nhiệm nhiều dự án có quy mô hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng như: Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Lọc dầu Nghi Sơn… Trong vài năm sau đó, PVC nhanh chóng trở thành một trong những tổng công ty mạnh của PVN.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu chỉ tập trung vào hoạt động xây lắp để phục vụ cho các dự án của PVN thì PVC “sống khá khỏe”. Việc có quá nhiều tiền, quá nhiều dự án và sau đó lãnh đạo PVC bắt đầu rót vốn vào các công ty tài chính và dồn quá nhiều tiền vào lĩnh vực bất động sản khiến tổng công ty này sau đó phải trả giá khi thị trường bất động sản thoái trào với nhiều dự án đình trệ.
Bắt đầu từ năm 2011, một số công ty thành viên của PVC báo cáo bị lỗ. Đến năm 2012 và 2013, hàng chục công ty con, công ty liên kết của PVC báo cáo lỗ lớn và chỉ trong khoảng 2 năm, PVC đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 3.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của tổng công ty từ 4.000 tỷ giảm xuống còn hơn 134,7 tỷ đồng.
Tình trạng thua lỗ nghiêm trọng đến mức lãnh đạo mới của PVC phải cầu cứu PVN với khẳng định nếu không có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ tập đoàn, tổng công ty sẽ không có khả năng hoạt động liên tục, dẫn đến nguy cơ phá sản cao.
“Việc thua lỗ do có nhiều sai lầm về chiến lược. Dù hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con nhưng công ty mẹ không tập trung nâng cao năng lực quản trị và năng lực thi công xây lắp, phát triển đội ngũ chuyên gia và công nhân tay nghề cao mà chỉ tập trung đầu tư tài chính, thu phí quản lý từ các dự án, công trình được giao. Vì vậy, công ty không có yếu tố phát triển bền vững, hoàn toàn dựa vào các công ty con, công ty liên kết”, báo cáo của PVC thừa nhận.
Một điểm khác khiến PVC phải trả giá chính là hầu hết các công ty con của PVC không tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của công ty mẹ. Các công ty này cũng không xây dựng bộ máy quản trị, chiến lược kinh doanh trong tổng thể toàn tổng công ty. Vì thế nên không hề có sự đóng góp cho công ty mẹ, kể cả cổ tức, mà còn phát sinh thêm nghĩa vụ pháp lý, tài chính, ảnh hưởng đến uy tín công ty mẹ, gây thua lỗ về tài chính cho công ty mẹ.
Để gỡ khó khăn, ban lãnh đạo PVC sau thời ông Trịnh Xuân Thanh đã phải kiến nghị tập đoàn cho phép giải thể, phá sản đối với những công ty không còn vốn chủ sở hữu, những công ty không có khả năng hoạt động liên tục. Đồng thời lãnh đạo PVC cũng xin được tiếp tục triển khai các dự án của tập đoàn để có cơ hội vượt qua khó khăn.
Ông Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC năm 2009. Đến năm 2013 (thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh rời PVC về làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương), tổng công ty này rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Tính đến thời điểm 31/12/2012, tổng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ PVC là 3.370,6 tỷ đồng tại 41 công ty. Trong 15 công ty con, có tới 10 công ty báo lỗ, chỉ có 5 công ty kinh doanh có lợi nhuận; 4/8 công ty liên doanh, liên kết bị lỗ lớn... |
Theo Tiền Phong