Đã đến ngày thứ 5 kể từ khi cửa hàng đầu tiên của Zara chính thức được mở cửa tại TP.HCM, nhưng không vì thế mà lượng khách đến đây giảm sút. Hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, hàng loạt hoá đơn dài như “tờ sớ” và tình trạng cháy hàng đã đủ nói lên sức hút mà cái tên Zara mang lại.
Hiện tượng này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc vì sao giới trẻ Việt lại “mất ăn mất ngủ” vì Zara như vậy? Đây là tín hiệu đáng mừng cho thời trang nước nhà, hay chỉ đơn là là cơn sốt nhất thời?
Với mức giá trung bình từ 8 đến 100 USD (khoảng 180.000 đến 2.200.000 VNĐ), có thể nói những sản phẩm của Zara khá hợp lý với mức thu nhập trung bình của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi so sánh với những “thiên đường mua sắm” như Thái Lan, Singapore, Hong Kong hay Nhật Bản, mức giá này còn thấp hơn nhiều. Một chiếc áo khoác bomber ở Vincom Lê Thánh Tôn được bày bán với giá 999.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với giá 1 triệu đồng tại Pháp, 1,1 triệu đồng tại Hong Kong hay 1,3 triệu đồng tại Thái Lan.
Tương tự, giá của một chân váy ballet tại Việt Nam chỉ nằm ở mức 999.000 đồng, trong khi trên trang web của Zara Thái Lan, chiếc váy được “đội” lên với giá 1,3 triệu đồng.
Một mẫu váy của Zara được bán với giá 999.000 VNĐ tại Việt Nam. |
Ngoài ra, mặt bằng giá cả của Zara cũng "dễ thở" hơn nhiều so với các thương hiệu nước ngoài khác tại Việt Nam như Mango, Topshop hay Fcuk. Điển hình, một mẫu jumpsuit ở Topshop có giá từ 1,2 đến 2,2 triệu đồng, thì ở Zara, thiết kế tương tự có giá dao động từ 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng.
Thậm chí, mức giá này còn rẻ hơn nhiều so với các thương hiệu Việt Nam. Điển hình là sơ mi nam của Zara chỉ được bán với giá từ 30 đến 50 USD (khoảng 669.000 đồng đến 1,1 triệu đồng), còn rẻ hơn so với những thương hiệu Việt Nam như Việt Tiến, An Phước hay Mattana (có giá trung bình từ 600.000 đồng đến 1,6 triệu đồng).
Zara vốn nổi tiếng với việc “mượn” ý tưởng thiết kế từ các thương hiệu lớn để tạo ra dòng sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn và giá thành thấp hơn. Chính vì thế, các sản phẩm của Zara luôn là sự tổng hợp của nhiều phong cách thời trang khác nhau như bụi bặm của Gap, sang chảnh của Prada, hay mang âm hưởng hoàng gia của Gucci.
Nếu bỏ qua yếu tố sở hữu trí tuệ, những sản phẩm của Zara chính là sự lựa chọn hoàn hảo đối với phần đông khách hàng. Những sản phẩm của Zara không giới hạn trong bất cứ phong cách hay độ tuổi nào. Dù là nhân viên văn phòng, doanh nhân hay giới nghệ sĩ, bất cứ ai cũng có thể tìm được món đồ ưa thích ở cửa hàng của Zara.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của Zara cũng được đánh giá cao bởi chất lượng. Nếu được bảo quản cẩn thận, một mẫu áo khoác của Zara có thể được sử dụng trong quãng thời gian dài lên đến 10 năm (đối với áo khoác da), hay 5 năm (áo khoác bomber).
Zara là cái tên không hề xa lạ đối với những người yêu thời trang trên toàn thế giới. Dù mang mác “hàng hiệu bình dân”, Zara vẫn là cái tên uy tín được nhiều người lựa chọn, từ các ngôi sao nổi tiếng, giới văn phòng hay sinh viên đại học.
Ở Mỹ hay các nước châu Âu, không khó để bắt gặp một mẫu trang phục của Zara xuất hiện trên đường phố hay thậm chí là thảm đỏ. Với kiểu dáng đa dạng, mẫu mã đẹp, hợp thời trang và mang đậm tính “đường phố cao cấp” (high street), Zara là cái tên được rất nhiều người tin dùng, trong đó có cả Gigi Hadid, Kendall Jenner, Miranda Kerr hay công nương Anh.
Chiếc áo khoác da màu hồng mà Gigi Hadid diện đến từ Zara với giá 70 USD (khoảng 1,5 triệu VNĐ). |
Chính vì thế, ngay từ khi về đến Việt Nam, Zara ngay lập tức được nhiều người chú ý. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để có được những sản phẩm chất lượng, do một thương hiệu nổi tiếng và uy tín như Zara làm ra.
Cái giá để trả cho thương hiệu này chính là dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, cảm giác dễ chịu khi mua sắm trong không gian rộng rãi, thoáng đãng, sự lựa chọn đa dạng và có chính sách đổi trả rõ ràng. Đây chính là những giá trị lớn lao mà rất nhiều thương hiệu khác, cả trong và ngoài nước, vẫn chưa làm được.
Trước khi cửa hàng đầu tiên chính thức được khai trương tại TP.HCM, nhiều người Việt Nam đã có thói quen đặt mua online các sản phẩm Zara. Tuy vậy, những ai từng mua đồ trực tuyến đều rất thấu hiểu tình trạng oái ăm khi sản phẩm không giống như hình mẫu, hay đồ đẹp nhưng lại không mặc vừa.
Sở dĩ có tình trạng này vì những người mẫu được nhãn hàng chọn lựa đều sở hữu ngoại hình cao, gầy, rất dễ “lên đồ”. Trong khi đó, vóc dáng người Việt Nam trung bình lại thấp và nặng cân hơn. Do đó, khi mua đồ online, có rất nhiều người sẽ không khỏi tiếc nuối vì tốn tiền đặt mua, tốn thời gian chờ đợi nhưng lại không thể mặc vừa.
Những người mẫu của Zara thường có ngoại hình cao, gầy và rất dễ "lên đồ". |
Một bộ trang phục đẹp, bên cạnh kiểu dáng và màu sắc, còn có yếu tố rất quan trọng là chất liệu – thứ không thể được cảm nhận chỉ qua vài bức ảnh trên trang web. Chính vì thế mà không hiếm trường hợp đồ mua về, mặc vừa nhưng lại không thể sử dụng được vì vải quá mỏng, quá dày hay làm người mặc khó chịu vì dễ nhăn.
Với việc khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM, các tín đồ thời trang giờ đây đã có thể tận tay lựa chọn kiểu dáng, màu sắc và chất liệu của trang phục ưa thích. Họ cũng không phải rơi vào tình trạng tiếc rẻ khi không mặc vừa một bộ trang phục vì đã có thể thử quần áo ngay tại cửa hàng. “Cơn ác mộng” mua đồ online cũng chấm dứt từ đây.
Bên cạnh các tín đồ thời trang, cửa hàng mới của Zara còn thu hút khá nhiều người đến vì tâm lý tò mò, dạo chơi hay thậm chí là chụp ảnh, check-in Facebook. Theo chia sẻ của Nguyễn Minh Dũng, cậu cùng bạn gái tranh thủ hai ngày cuối tuần đến Zara nhưng không mua gì mà chủ yếu ngắm đồ, ngắm cửa hàng mới và chụp ảnh selfie.
Cậu giải thích vì cửa hàng Zara mới có cách bày biện, sắp đặt rất đẹp, chụp từ ngoài vào khá ổn. “Mình tò mò không biết giá Zara Việt Nam có 'đội' cao hơn so với giá Zara Thái Lan, Hong Kong, Singapore không. Chưa kể lượn lờ quanh đây có thể gặp được người nổi tiếng để xin check-in 'ké' nữa”, Minh Dũng hài hước nói.
Bạn trẻ Việt Nam chụp hình trước cửa hàng Zara. |
Có thể nói, Zara đã hoàn toàn nắm bắt tâm lý của khách hàng, khi bày biện cửa hàng đẹp, sang trọng tại một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thành phố. Đây cũng là chiến lược kinh doanh quen thuộc của thương hiệu Tây Ban Nha, để khách hàng có cảm giác mình là người “thượng lưu” khi mua sắm.
Như vậy, với sản phẩm chất lượng cùng chiến lược kinh doanh thông minh, một lần nữa Zara chứng minh vị thế hàng đầu trong dòng thời trang “hàng hiệu bình dân” tại Việt Nam.
Vẫn còn quá sớm để kết luận đây là tín hiệu tốt hay đáng lo ngại đối với thị trường thời trang nước nhà. Tuy vậy, phản hồi tích cực từ giới trẻ Việt với Zara rất có thể sẽ là động lực với các hãng thời trang cao cấp có giá "bình dân" đầu tư tại Việt Nam trong tương lai.
Theo Zing