|
Apple 2.0 tuy khô khan, nhưng lại hoạt động rất hiệu quả |
Dưới thời đại cố Giám đốc điều hành Steve Jobs, Apple được ví như công ty công nghệ sẽ cứu rỗi toàn bộ nhân loại. Khi đó, mọi sản phẩm của Apple ra đời đều có một lý do: lay chuyển thế giới. Không chỉ giới truyền thông, mà cả người dùng cũng tung hô Apple.
Thế nhưng, dưới bàn tay nhào nặn của CEO Tim Cook, Apple đã khác, không còn là phiên bản như trước kia. Thay vào đó, Apple 2.0 trở nên thực dụng và khô khan hơn, thậm chí là kiệm lời. Tại sao vậy? Apple đang rơi vào thế bí, hay còn chiến lược nào khác?
Kinh doanh kiểu Apple 2.0
Không thể phủ nhận, trước thời điểm iPhone 7 được ra mắt, áp lực dành cho Apple lẫn CEO Tim Cook là rất lớn. Tạp chí Forbes uy tín thậm chí còn đưa ra đánh giá: CEO Tim Cook đáng nhận điểm C - vì khả năng lãnh đạo thậm tệ của mình.
Về cơ bản, những lời nhận xét như vậy không hề mới. Tim Cook không phải Steve Jobs, và hơn hết, cách điều hành của CEO này được ví như một cỗ máy công nghiệp, hơn là nơi để người ta sáng tạo, cũng như truyền cảm hứng, động lực cho nhân viên.
Lối suy nghĩa của CEO Tim Cook rất khác so với người tiền nhiệm của mình. Cái ông quan tâm là doanh thu, lợi nhuận hơn là những lời xì xào bàn tán của nhân viên. Thực tế đã chứng minh, doanh thu của Apple hiện tại đã cao gấp 4 lần thời điểm 2010.
Nếu coi Steve Jobs là bậc thầy truyền cảm hứng với việc thuyết phục hàng triệu người dùng trên thế giới mua máy nghe nhạc cầm tay hay máy tính mang thương hiệu "trái táo", thì Tim Cook đúng là bậc thầy kinh doanh chính hiệu, với biệt tài kinh doanh siêu phàm.
Cứ tưởng tượng, ở thời điểm Apple luôn phải “ôm” lượng hàng tồn trị giá tới 400 triệu USD mỗi năm, Tim Cook - vua của các chuỗi cung ứng đã một tay phù phép lượng hàng đó xuống 78 triệu USD. Rõ ràng, hiệu quả từ cách kinh doanh của CEO Tim Cook là có.
Hứa ít đi, làm nhiều hơn
Bên cạnh tài thao lược các chuỗi cung ứng, CEO Tim Cook còn giữ riêng cho mình một triết lý kinh doanh: hãy để người dùng kỳ vọng vào sản phẩm ở mức thấp nhất và làm bất ngờ họ ở những phút chót. Như iPhone 7 vừa được Apple ra mắt là một ví dụ.
Dưới con mắt của các chuyên gia, iPhone 7 trong năm nay được dự đoán là một sản phẩm nhàm chán, không thay đổi nhiều về ngoại hình, tính năng ít ỏi và hơn hết iPhone mới sẽ gây thất vọng. Tất cả kỳ vọng đều được Apple đẩy xuống mức thấp nhất.
Thực tế có diễn ra như vậy? Câu trả lời là không. Rốt cuộc iPhone 7 vẫn được người dùng tung hô vì đã ra thêm màu sắc mới, chống được nước và hơn hết là bỏ đi phiên bản bộ nhớ 16 GB ít ỏi. Chiến lược của CEO Tim Cook vẫn được cho là đang đúng.
Khi tất cả đặt kỳ vọng ở mức thấp nhất, Apple chỉ cần tung ra một sản phẩm có vẻ mới là họ đã thành công. Bất ngờ Apple đem tới cho người dùng không phải là một sản phẩm hoàn hảo, mà là một sản phẩm “may mắn” đạt trên mức kỳ vọng.
Trong suốt thời gian nắm quyền điều hành Apple, Tim Cook luôn coi mình là công ty “cửa dưới”, dự báo xấu, kỳ vọng thấp để rồi khiến người khác phải bất ngờ. Đây có thể là cách kinh doanh hiệu quả, nhưng với iFan, họ chưa bao giờ thực sự hài lòng về Apple 2.0.
Theo Thanh Niên