Ông đã thành công trong việc điều hành Apple - một trong các thương hiệu đại diện cho nước Mỹ. Cảm giác đó ra sao?
Với tôi, Steve Jobs mãi là tượng đài không thể thay thế. Thành công có được ngày hôm nay không phải chỉ mình tôi gây dựng. Ngày đầu đảm đương vị trí CEO, tôi thực sự nghĩ Steve sẽ còn làm việc trong một thời gian dài nữa với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, sức khỏe không cho phép Steve làm điều đó. Vì vậy, quyết tâm gây dựng Apple trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Việc trở thành CEO khác hoàn toàn với tưởng tượng của tôi. Khách hàng thực sự có tình cảm với công ty khi gửi hàng tá email cho tôi mỗi ngày. Tích cực, tiêu cực, bày tỏ quan điểm cá nhân... Ý nghĩa và cảm động hơn cả, có người đã viết thư cảm ơn vì nhờ FaceTime mà họ có thể được ở gần bên người thân trước khi họ lâm chung.
Trong số các CEO, dường như ông là người thẳng thắn nhất mỗi khi đề cập đến các vấn đề xã hội. Ông có nghĩ rằng các công ty khác cũng cần khơi dậy nhận thức của người dùng về biến đổi khí hậu cũng như quyền dân sự?
Mỗi người cần có quan điểm riêng về một vấn đề nhất định dù đôi khi họ chỉ im lặng. Mục tiêu của Apple là biến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn thông qua các sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, bạn không thể chỉ ngồi một chỗ và cầu mong lượng khí thải của thế giới giảm đi được. Mọi tầng lớp, cá nhân, tổ chức đều phải chung tay trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu và bảo vệ quyền con người.
Với cương vị là CEO của Apple, rõ ràng tôi không thể đứng ngoài trong những cuộc thảo luận này.
Ông suy nghĩ gì về cuộc chiến giữa Apple và FBI?
Chúng tôi biết cuộc đối đầu sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Mọi bằng chứng đều chống lại Apple.
Câu hỏi đặt ra là chúng tôi có thể tạo ra một công cụ giúp mở khóa điện thoại hay không? Nếu câu trả lời là có thì liệu có nên không? Apple phải chọn lựa giữa an ninh quốc gia và bảo mật thông tin cá nhân cho khách hàng. Nếu đồng ý với FBI, chúng tôi sẽ đẩy hàng trăm triệu người vào nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm. Dù rất khó để đưa ra quyết định, song mọi thứ đã quá rõ ràng.
Ông đã khẳng định nhiều lần về sự riêng tư trở thành một phần giá trị của Apple. Bản thân ông được biết đến như một người rất kín tiếng về đời tư. Quá trình trưởng thành có ảnh hưởng đến đường lối điều hành Apple của ông không?
Không phải bàn cãi nhiều. Quá trình trưởng thành và tiếp nhận giáo dục đều ảnh hưởng đến sự phát triển về nhận thức của chúng ta.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, riêng tư là quyền tự do có từ những ngày đầu của nước Mỹ. Tùy theo mức độ mà bạn có quyền tự do ngôn luận cũng như tự do báo chí.
Mọi người đều tò mò về sự phát triển của Apple. Sẽ là ôtô hay TV thông minh đây? Công nghệ thực tế ảo và trí thông minh nhân tạo thì sao? Công ty có thể đảm đương được hết chứ?
Khác với những công ty khác, chúng tôi không chia nhỏ các bộ phận, cũng như không có người đứng đầu của những bộ phận này.
Điều khách hàng cần là trải nghiệm liền mạch và xuyên suốt. Họ muốn tiếp tục công việc dang dở trên iPad bằng điện thoại iPhone nếu phải di chuyển. Khi ở nhà, họ có thể dùng MacBook. Tất cả đều phải thống nhất và đồng bộ.
Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi phải đoàn kết với nhau trong tất cả các khâu. Mọi người cần tôn trọng lẫn nhau, coi nhau như những người thân trong gia đình.
Có khi nào những sai lầm quá khứ giúp ông rút ra bài học cho hiện tại và tương lai chưa?
Apple Maps từng là một trong những sai lầm không đáng có của Apple. Hiện tại, mọi chuyện đã khác song chúng tôi đã phải cố gắng rất nhiều để xây dựng lại ứng dụng từ đầu.
Các công ty, tập đoàn lớn thường né tránh những thất bại mà họ gặp phải vì lý do danh tiếng cũng như giá trị của công ty. Song tôi cho rằng thất bại cũng là một cách học. Nếu không trung thực nhận lỗi, nhân viên và khách hàng tốt sẽ lần lượt bỏ lại bạn mà ra đi.
Công ty đã có kế hoạch nào cho việc bổ nhiệm CEO tiếp theo chưa?
Tôi thường ngồi lại làm việc với Hội đồng quản trị sau mỗi cuộc họp. Vai trò của chúng tôi là lựa chọn những ứng cử viên tuyệt vời nhất trong nội bộ công ty để đảm đương chức vụ này.
Trong thời gian điều hành công ty, ông đã thực hiện nhiều thương vụ, bao gồm việc mua lại Beats với giá 3 tỷ USD. Điều này có cần thiết?
Apple có thực sự cần những công ty này? Câu trả lời là không. Tuy nhiên, thứ Apple cần là những con người tài năng, sở hữu trí tuệ đáng nể đằng sau chúng. Thực tế đã chứng minh điều này khi Apple mua lại từ 15 đến 20 công ty mỗi năm trong 4 năm qua.
Chúng tôi thừa khả năng thực hiện những thương vụ như Beats, thậm chí lớn hơn trên cả hai góc độ quản lý nhân sự và tài chính. Tuy nhiên điều đó chỉ xảy ra nếu có lợi cho chiến lược của công ty. Điều Apple hướng tới không chỉ là lợi nhuận.
Apple có ý định phát triển nội dung của dịch vụ không?
Có. Chúng tôi đang sản xuất các chương trình radio cho Beats. Ngoài ra, Apple còn hợp tác với Taylor Swift với “Planet of the Apps”, tập trung chủ yếu vào sản xuất nội dung của các video âm nhạc… Có thể nói, chúng tôi đang rất hứng thú với hướng đi mới mẻ này.
Apple đã chuẩn bị gì trước phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ về cáo buộc trốn thuế? Trump hay Clinton sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Apple?
Tôi nghĩ chính phủ mới sẽ có những cải cách về thuế doanh nghiệp trong năm tiếp theo dù đảng nào cầm quyền. Luật pháp Mỹ quy định các công ty đa quốc gia như Apple có thể chuyển doanh thu về nước hoặc giữ tại nước ngoài.
Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz - người từng nhận giải Nobel về kinh tế đã chỉ trích Apple trên tờ Bloomberg. Ông gọi Apple là kẻ gian lận (tại Ireland). Ông nghĩ sao về bình luận này?
Thực sự thì tôi chưa từng nghe về nó. Nhưng bất kỳ ai nói những điều tương tự, có lẽ họ không hiểu rõ hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Hãy để tôi giải thích: lợi nhuận của Apple tại lãnh thổ nước ngoài có thể giữ tại quốc gia đó hoặc mang về nước (theo luật định). Nếu mang về nước, chúng tôi phải chịu 40% tiền thuế, trong đó 35% cho liên bang và 5% cho bang chúng tôi đóng trụ sở.
Đây không phải là câu chuyện hợp pháp hay bất hợp pháp. Luật thuế đã quy định và chúng tôi chỉ thực hiện nó. Cũng đừng bàn sang việc yêu nước hay không yêu nước ở đây.
Thực tế, Apple là một trong những công ty đóng góp tiền thuế lớn nhất cho quốc gia với trên 30% lợi nhuận. Chúng tôi không phải là kẻ láu cá tìm cách lách luật như mọi người vẫn thường nói.
Apple bán được nhiều sản phẩm ở bất cứ đâu và thực sự công ty muốn mang dòng tiền của mình về nước, nhưng luật thuế cần có những thay đổi, ưu đãi cho những công ty như Apple.
Vậy bao giờ dòng tiền của Apple từ nước ngoài sẽ “hồi hương”?
Tôi tin rằng các nhà lập pháp và chính phủ sẽ có cải cách theo hướng quan tâm đến các doanh nghiệp như chúng tôi. Tôi không nghĩ rằng mình phải đưa ra quyết định ở thời điểm này, nhưng tôi hy vọng nó sẽ đến vào năm sau.
Ngoài ra, Apple cũng đang đợi phán quyết của tòa án EU về hàng tỷ USD tiền thuế bị cáo buộc là đã trốn thuế? Ông có cảm thấy dường như Apple bị chèn ép ở châu Âu?
“Nhập gia tùy tục”, chúng tôi phải chấp nhận những gì pháp luật EU ban hành. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng sẽ có một phiên xử công bằng tại đây.
Hãy nói về tương lai của Apple, công ty đang đầu tư vào trí thông minh nhân tạo và nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Liệu nỗ lực của Apple có thể bắt kịp những công ty như Facebook, Google hay Amazon?
Phải chăng trong câu hỏi của mình, cô có hàm ý rằng chúng tôi đang tụt lại phía sau?
Hãy nhìn lại năm 2011, Apple đã giới thiệu trợ lý ảo Siri. Theo thời gian, Siri đang có những cải tiến giúp cho người dùng cảm thấy hài lòng hơn.
Với iOS 10, chúng tôi đã mở hàm API của Siri cho các nhà phát triển bên thứ 3. Người dùng có thể dễ dàng đặt xe Uber hay Lyft cũng như hàng loạt các thay đổi khác. Khả năng học hỏi của Siri cũng sẽ tăng cùng với khả năng tiên đoán dựa trên thói quen và sở thích của từng khách hàng.
Vậy còn tăng cường thực tế ảo?
Tôi nghĩ AR là điều thú vị và sẽ trở thành công nghệ cốt lõi của tương lai. Apple đang nghiên cứu nhiều thứ mà hiện tại tôi vẫn chưa thể tiết lộ.
Có một số báo cáo nói về dự án Project Titan (Apple Car), về nhân sự được tuyển dụng, về những thử nghiệm của công ty. Khác với tin đồn về iPhone, dường như thông tin về dự án này chỉ là những mảnh ghép rời rạc. Ông có thể chia sẻ điều gì về nó không?
Ở thời điểm này, tôi không thể trả lời câu hỏi này.
Apple chi khá nhiều tiền cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Một nhà phân tích cho rằng số tiền mà công ty chi vào R&D lớn hơn 14 hãng xe lớn nhất thế giới cộng lại?
Tôi không muốn trả lời câu hỏi này bởi vì nó sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những dự án của Apple. Nhưng quả thực công ty đang dành khá nhiều ngân sách và nhân sự vào R&D.
Sau cùng thì ông đã làm được những gì sau quãng thời gian 5 năm giữ cương vị CEO và có khi nào ông cảm thấy bế tắc?
Suy cho cùng, tôi đã có được một trong những công việc tốt nhất thế giới. Quỹ thời gian hạn hẹp chỉ xoay quanh 3 vấn đề: con người, các kế hoạch phát triển và cách thức để vận hành chúng. Việc của tôi là cân bằng chúng một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng con người là yếu tố quan trọng và cần quan tâm nhiều nhất. Nếu không xử lý đúng cách và kịp thời, mọi chuyện sẽ đổ bể bất chấp những cố gắng còn lại.
Theo Zing