Thế nhưng, điều đó trái ngược ở Trung Quốc và đôi lúc người đứng đằng sau hoạt động ngân hàng ngầm là một phụ nữ 60 tuổi.
Trong tuần này, phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đã triệt phá mạng lưới ngân hàng ngầm với tổng số tiền trị giá khoảng 30,2 tỉ USD. Đây là con số đáng kinh ngạc nhưng các nhà phân tích nói rằng khoản tiền này chỉ là phần nổi của tảng băng.
Nói về ngân hàng ngầm, giáo sư trường ĐH Bắc Kinh Michael Pettis mô tả nó như “các hoạt động tài chính tồn tại bên ngoài các ngành ngân hàng chính thức”.
Hình thức giao dịch cơ bản của ngân hàng ngầm bao gồm tiệm cầm đồ hay những người đàn ông đứng trên phố đề nghị những tài khoản thẻ tín dụng sẵn có với mức thanh toán cắt cổ, các chương trình đầu tư hấp dẫn nhưng đầy rủi ro. Nó cũng bao gồm các sản phẩm quản lý tài sản không được kiểm soát do các tổ chức tài chính hợp pháp cung ứng.
Trong tháng 11-2015, cảnh sát Trung Quốc triệt phá mạng lưới tín dụng đen lớn nhất nước với tổng giá trị giao dịch bất hợp pháp lên tới 64 tỉ USD. |
Trên thực tế, cho vay không chính thức luôn luôn tồn tại trong nền kinh tế của Trung Quốc. Thế nhưng ngân hàng ngầm thực sự bùng nổ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008-2009. Chính quyền Trung Quốc làm ngơ vào thời điểm đó bởi chúng được cho là giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Trong số những người bị bắt trong cuộc triệt phá mạng lưới ngân hàng ngầm Trung Quốc thời gian gần đây có một phụ nữ họ Tôn. Mặc dù nhiều phương tiện truyền thông không đề cập đến tuổi của người này nhưng Nhật báo Thượng Hải cho biết bà ta đã 60.
Bà này cầm đầu một băng đảng địa phương, chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng ngầm cho khoảng 100 khách hàng. Những người tìm đến bà thường muốn mua bất động sản ở nước ngoài hoặc trả tiền cho con em du học. Cảnh sát cho biết đây là hoạt động ngân hàng bất hợp pháp lớn nhất ở Thượng Hải trong nhiều năm qua.
Về cách thức, khách hàng gửi tiền nhân dân tệ cho bà. Sau đó bà và tay chân chuyển một số tiền tương đương bằng ngoại tệ vào các tài khoản nước ngoài của họ hoặc bất cứ nơi nào khác cần chuyển tiền thông qua một kênh kiều hối, vốn hoạt động bên ngoài mạng lưới ngân hàng chính thức.
Theo đài BBC (Anh) ngày 18-8, nhiều người chọn ngân hàng ngầm vì có lợi nhuận cao hơn nhiều dẫu rủi ro cao vì nó không được kiểm soát. Đó là chưa kể đến những quan chức tham nhũng muốn chuyển tiền của họ ra nước ngoài. Hơn nữa, các cư dân đại lục chỉ có thể đổi 50.000 USD giá trị ngoại tệ mỗi năm, điều này sẽ gây khó nếu ai đó mua hàng có giá trị lớn ở nước ngoài.
Hiện tại, chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát chặt chẽ các cá nhân và tổ chức cố gắng tuồn tiền vì lo ngại dòng vốn chảy ra khỏi nước này và sự suy yếu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Theo NLĐ