Hằng năm cứ vào dịp kỷ niệm đất nước độc lập 15-8, hàng ngàn người dân Ấn Độ rủ nhau lên mái nhà hay các bãi đất cao để thả diều.
Tuy nhiên, dịp thả diều năm nay lại trở thành một sự kiện chết chóc khi tại thủ đô New Deldi có tới hai trẻ em và một người lớn thiệt mạng vì bị dây diều cước nhập từ Trung Quốc cứa cổ. Ngoài ra còn nhiều người bị thương, theo báo Indian Express (Ấn Độ).
Nhuộm màu cho dây diều. |
Đây là loại dây diều cước, được sơn bao phủ bên ngoài bằng một vật liệu khiến nó trở nên khó nhìn thấy, chẳng hạn bột kính hay bột gốm sấy khô. Loại dây diều này phần lớn nhập từ Trung Quốc nhưng có một số được Ấn Độ sản xuất.
Vì những tai nạn này, ngày 17-8, chính quyền New Delhi đã ra lệnh cấm lưu hành loại dây diều cước. Người sản xuất, bán, dự trữ loại dây cước dành cho diều này sẽ bị phạt tù tới năm năm và phạt triền 100.000 rupee (1.500 USD).
Nhiều năm nay các nhà hoạt động môi trường đã kiến nghị chính quyền New Delhi cấm sử dụng các loại dây cứng, có rủi ro sát thương để thả diều.
Vì sắc bén, loại dây diều này có thể dễ dàng cắt đứt các dây diều khác trên bầu trời, mang lại chiến thắng cho chủ diều trong các cuộc đấu diều - vốn rất được ưa chuộng ở Ấn Độ.
Một cửa hàng bán diều tại New Delhi (Ấn Độ). |
Trong hai năm qua khắp Ấn Độ đã có 15 người thiệt mạng vì bị dây diều cứa, chưa kể hàng ngàn con chim chết và bị thương vì dây diều cứa, theo Indian Express.
Mumbai là địa phương đầu tiên ở Ấn Độ cấm dây diều cước từ năm 2009, sau đó đến nhiều địa phương khác. Thủ đô New Delhi là địa phương mới nhất ra lệnh cấm.
Một số nước như Nam Phi, Mỹ, Brazil, Chile cũng ưa thích hoạt động thả diều. Nhưng vì nguy hiểm Chile đã ra lệnh cấm dùng dây diều cứng này từ năm 2013.
Theo PLO