Những chiếc xe chở quá tải trên đường phố Sóc Trăng. |
Lại đúng quy trình
Ngay sau khi 3 cán bộ Thanh tra Giao thông Cần Thơ bị bắt vì nhận hối lộ, PV đến Sở GTVT Cần Thơ để tìm hiểu. Ông Nguyễn Minh Duy - Đội trưởng Đội Văn phòng, Thanh tra Sở GTVT thành phố Cần Thơ cho biết, việc bổ nhiệm cán bộ tại đơn vị này được làm đúng theo quy trình, đó là lấy ý kiến từ cơ sở, đánh giá quá trình công tác, xét năng lực sau đó mới xin ý kiến lãnh đạo xem xét ra quyết định.
“Điển hình như 3 cán bộ thanh tra là đội trưởng và đội phó vừa bị bắt cũng được Chánh Thanh tra Sở GTVT bổ nhiệm sau khi xem xét quy trình lấy ý kiến từ cơ sở” - ông Duy nói. Về năng lực, đạo đức của những người này, ông Duy cho biết: “Trước giờ, anh em làm việc tốt, đáp ứng chuyên môn và nhu cầu công việc. Hơn nữa chưa nghe ai phản ánh gì về đạo đức cả”.
Một cán bộ thanh tra giao thông tỉnh Sóc Trăng cho biết, lãnh đạo thường lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân về đội ngũ các thanh tra viên. “Nếu dư luận bàn tán, nghi ngờ về một cá nhân nào đó thì ngay lập tức sẽ kiểm tra, xác minh, chấn chỉnh hoặc điều chuyển công tác ngay. Nhiều năm qua, đội ngũ thanh tra của chúng tôi chưa có dư luận gì, chưa một cá nhân nào bị kỷ luật, dù ở mức thấp nhất”- ông nói.
Mặt khác, ông thừa nhận tình trạng nương tay và “nhận sự cảm ơn” của các thanh tra giao thông: “Nhiều cá nhân, doanh nghiệp khi có phương tiện vi phạm bị anh em xử lý thì thường gọi điện thoại xin xỏ, năn nỉ cho qua hoặc xử nhẹ nên nhiều anh em nể tình mà nhẹ tay.
Sau đó, người ta gặp mình, nói lời cảm ơn, tổ chức bữa cơm thân mật, mời nhau ly rượu, lon bia thôi chứ không hề có chuyện phong bì gì cả”. Mặc dù vậy, ông xác nhận: “Tôi ở trong ngành trên 20 năm, chưa có một thanh tra viên nào bị xử lý kỷ luật”.
Cũng sau sự kiện các cán bộ thanh tra giao thông Cần Thơ “tra tay vào còng”, lãnh đạo Sở GTVT Cà Mau tiến hành họp với lực lượng Thanh tra giao thông của tỉnh này để chấn chỉnh, nhắc nhở, cảnh cáo nhằm ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở GTVT, sở dĩ phải chấn chỉnh là vì: “Anh em tuần tra, kiểm soát khắp nơi trên địa bàn, rất khó kiểm tra. Tuy chưa phát hiện tiêu cực, chưa phát hiện quả tang để xử lý cán bộ nhưng đã có thông tin phản ánh, tiêu cực”. Ông cũng cho biết, Sở đã công bố đường dây nóng Thanh tra giao thông Cà Mau để tiếp nhận thông tin và xử lý tiêu cực đúng quy định.
Tiến thân bằng khai man hồ sơ
Ông Phạm Thanh Bình, Đội phó Đội Thanh tra giao thông huyện Hòn Đất (Kiên Giang) từng ở trong quân ngũ và đóng tại Kiên Giang. Tuy nhiên, do khai man lý lịch (tự nhận là con liệt sỹ, nhưng thực tế không phải), việc vỡ lở, năm 2002 Bình bị buộc phải xuất ngũ.
Về địa phương, Bình tham gia Hội cựu chiến binh xã Lình Huỳnh (huyện Hòn Đất), sau đó ký hợp đồng lái xe cho Sở GTVT Kiên Giang. Trong thời gian lái xe cho Sở GTVT, Bình đã tự bỏ tiền ra học Đại học Luật từ xa.
Năm 2013, ông Bình nộp đơn dự thi công chức vào Sở GTVT. Khi công bố kết quả, ông Bình không có tên trong danh sách trúng tuyển. Tuy nhiên, không hiểu sao, Bình vẫn trở thành công chức của Sở này, khiến dư luận bất bình. Ông Lê Việt Bắc – Phó Giám đốc Sở GTVT Kiên Giang lý giải:
Năm 2013 có 32 thí sinh tham gia dự thi vào Sở GTVT, trong khi chỉ tiêu UBND tỉnh phân bổ chỉ có 6 người. Ban đầu Bình không có trong danh sách trúng tuyển. Tuy nhiên, sau kỳ thi, xét nhu cầu, Sở thấy cần phải có thêm một công chức nữa nên đã xin Sở Nội vụ, và được đồng ý.
Khi xét điểm thi tuyển, ông Bình đứng thứ 7 từ trên xuống nên từ thi trượt trở thành… trúng tuyển. “Xin thêm một suất biên chế là do nhu cầu, chứ quen biết, nể nang gì đâu”- ông Bắc nói.
Khi được hỏi, số lượng biên chế tuyển dụng hằng năm của các Sở, ngành đều phải thông qua HĐND tỉnh, bằng cách nào ông Bình có thể trở thành công chức chỉ sau khoảng 1 tháng thi trượt?
Ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chánh văn phòng , đồng thời là thành viên Ủy ban kiểm tra của Sở này giải thích: “Lúc đó chỉ tiêu biên chế chung của Sở (đã được thông qua HĐND) vẫn còn và Sở đã xin thêm một biên chế nữa bổ sung cho thanh tra giao thông.
Không những thế, ông Bình còn được bổ nhiệm chức vụ Đội phó Đội Thanh tra giao thông huyện Hòn Đất. Trong đơn tố cáo ông Bình gửi báo Tiền Phong, những người đứng đơn đặt câu hỏi: Tại sao một người khai man lý lịch nghiêm trọng như ông Bình không những không bị xử lý kỷ luật về Đảng mà còn được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo? Ông Đặng Văn Tuân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất cho biết, khi còn công tác tại xã, ông Bình từng được đề xuất vào vị trí Phó Chủ tịch UBND xã Lình Huỳnh nhưng do vướng lý lịch nên huyện không đồng ý.
Không riêng Đội phó Thanh tra huyện Hòn Đất, nguyên Chánh thanh tra Sở GTVT Sóc Trăng, ông Nguyễn Thanh Tòng cũng được xác định khai man lý lịch. Năm 1975, ông Tòng xin vào công tác trong lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an thị xã Sóc Trăng. Sau một thời gian, khi phát hiện ông Tòng khai man lý lịch, đơn vị cho thôi việc.
Từ năm 1984 đến 1993, ông Tòng lần lượt công tác tại Đội quản lý nhà đất, Phòng TC-LĐ-TB&XH thị xã Sóc Trăng rồi sau đó là Sở GTVT Sóc Trăng.
Trong lý lịch công chức, ông Tòng khai công tác liên tục để hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội, nhưng thực tế ông Tòng bị gián đoạn công tác liên tục. Qua xác minh, cơ quan chức năng kết luận: Về lý lịch Đảng và hồ sơ cán bộ, công chức, ông Tòng kê khai mốc thời gian không khớp.
Dù khai man lý lịch, không có bằng cấp chuyên môn nhưng năm 2005, ông Tòng vẫn được bổ nhiệm và giữ chức vụ Chánh Thanh tra Sở GTVT, rồi làm Trưởng Ban ATGT tỉnh Sóc Trăng cho đến khi về hưu.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở GTVT, sở dĩ phải chấn chỉnh là vì: “Anh em tuần tra, kiểm soát khắp nơi trên địa bàn, rất khó kiểm tra. Tuy chưa phát hiện tiêu cực, chưa phát hiện quả tang để xử lý cán bộ nhưng đã có thông tin phản ánh, tiêu cực”. |
Theo Tiền Phong