Trong đợt xét tuyển vào đại học năm 2016, ba nữ sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt trường công an vì lý lịch là em Nguyễn Như Quỳnh, Tô Thị Đệ (Lạng Sơn) và Trần Hương Ly (Nghệ An).
Trong đó, Như Quỳnh (đạt 30,5 điểm, nguyện vọng thi vào Học viện An ninh Nhân dân) đã viết đơn cứu xét gửi Chủ tịch nước và Bộ trưởng Công an. Một nữ sinh khác ở Lạng Sơn là Tô Thị Đệ (20 tuổi, xã Tú Đoạn, Lộc Bình) đạt 30 điểm nhưng không đủ điều kiện chính trị đỗ Học viện Cảnh sát Nhân dân, đã gửi tâm thư tới Bộ trưởng Công an và Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Công an.
Dư luận có ý kiến trái chiều về hai bức thư này, nhiều người cảm thông, nhiều người khác cho rằng các em và gia đình nên tuân thủ những quy định riêng của ngành.
Nhà báo, đại tá Nguyễn Tuấn, Báo Công An Nhân Dân đã viết thư đăng trên Facebook cá nhân như một lời tâm sự gửi tới 2 thí sinh. Bức thư nhận được gần 6.000 lượt like cùng hàng nghìn chia sẻ, hàng trăm bình luận.
Được sự đồng ý của tác giả, Zing.vn xin giới thiệu thư của đại tá Nguyễn Tuấn:
Hãy vứt tâm thư và ngẩng cao đầu
Chục năm nay, thi tuyển vào các trường Công an Nhân dân bỗng trở thành “cơn sốt” của các bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Tôi không tin các bạn thật sự đã hiểu và yêu nghề này. Có chăng chỉ là những phác họa hình ảnh người chiến sĩ công an từ sách vở, phim ảnh một cách mờ nhạt. Một số bạn thật sự có năng khiếu, thích tìm tòi, khám phá, ưa mạo hiểm, phiêu lưu, sẵn sàng đối mặt cái ác và bảo vệ cái thiện…, song số này không nhiều.
Đa phần cha mẹ định hướng và thuyết phục thi vào trường công an vì mấy năm học ở trường được bao cấp toàn bộ, ra trường lại có việc làm ngay, chế độ lương không cao nhưng ổn định… Có lẽ, đây là mục đích lớn nhất mà nhiều bạn trẻ mơ ước vào ngành.
Bài viết của đại tá Nguyễn Tuấn nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ảnh chụp màn hình. |
Với cháu Quỳnh, tôi chỉ muốn nói với cháu rằng, bao nhiêu năm nay, tuyển chọn vào ngành công an luôn có những điều kiện khắt khe nhất định. Trong gần chục tiêu chuẩn bắt buộc thì tiêu chuẩn về chính trị là quan trọng nhất. Thậm chí, có người khi đã vào ngành công an nhưng qua thẩm tra xác minh lý lịch thấy không đủ điều kiện hoặc tự họ vi phạm những quy định của ngành vẫn buộc họ phải rời quân ngũ.
Bất cứ một cuộc chơi nào cũng có luật của nó và người nào muốn tham gia đều phải có nghĩa vụ tuân thủ. Còn khi đã không đủ điều kiện tham gia thì đứng sang một bên nhường lối cho người khác. Chuyện đó là đương nhiên mà cháu.
Vì thế, thay vì viết tâm thư, cháu hãy dũng cảm bước sang một con đường khác. Cháu và gia đình cháu quá hiểu điều này và tôi nghĩ rằng, đó là một quyết định tự trọng, không van xin, đừng cầu mong sự thương hại từ người khác.
Người tổn thương nhất trong việc này chính là cha cháu. Cháu càng buồn chán, tuyệt vọng bao nhiêu thì cha cháu sẽ đau khổ, dằn vặt bấy nhiêu bởi lỗi lầm của quá khứ. Không ai muốn thành người xấu nhưng trong một hoàn cảnh nhất định, tại một thời điểm nhất định, vô tình ai đó đã bước chân vào con đường phạm tội.
Điều quan trọng là họ đứng dậy từ chính nơi đã vấp ngã, thành người tử tế, có ích cho xã hội. Cùng với quyết định rẽ sang ngả khác, cháu hãy cảm ơn và yêu kính cha nhiều hơn bởi tôi luôn cho rằng, để nuôi dạy một đứa trẻ từ khi đỏ hỏn đến lúc trưởng thành, những người cha, người mẹ xứng đáng là những con người vĩ đại.
Vậy cháu sẽ chọn ngả rẽ nào khi không đủ tiêu chuẩn vào ngành công an? Với số điểm 30,5 của cháu, cháu có quyền nộp hồ sơ vào hầu hết các học viện, trường đại học và chắc chắn sẽ đỗ vào khoa lấy điểm cao nhất. Cả một tương lai rộng mở đến với cháu và cháu sẽ phát huy tốt nhất những năng lực, sở trường của mình ở những mái trường đó.
Với nhiều bạn khác, cơ hội không nhiều, còn với cháu, khi một cánh cửa khép lại, hàng trăm cánh cửa khác đã mở ra, và cháu có quyền bước vào một trong những cánh cửa mở rộng đó.
Cũng phải nói thêm về số điểm thi của cháu. Vì được cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên nên cháu đã có tổng điểm kỷ lục như thế. Đó là chính sách quá ưu ái với những học sinh có hoàn cảnh như cháu bởi trong cuộc chạy đua vào các trường đại học, chỉ cần kém 0,25 điểm là đã trượt vỏ chuối.
Điểm xét tuyển cao nhất trong các trường công an là 29,75 (với nữ, khối C, ngành điều tra trinh sát, Học viện An ninh Nhân dân) thì bạn nào học cực giỏi nhưng chỉ đạt 29,5 điểm vẫn trượt đấy thôi. Nói vậy để thấy 3,5 điểm cộng thêm với cháu quý giá đến mức nào.
"Người tổn thương nhất trong việc này chính là cha cháu. Cháu càng buồn chán, tuyệt vọng bao nhiêu thì cha cháu sẽ đau khổ, dằn vặt bấy nhiêu, bởi lỗi lầm của quá khứ. Không ai muốn thành người xấu nhưng trong một hoàn cảnh nhất định, tại một thời điểm nhất định, vô tình ai đó đã bước chân vào con đường phạm tội".
Có một chuyện nhỏ tôi muốn kể cho cháu. Tôi cũng từng là sinh viên của Đại học Cảnh sát Nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát Nhân dân). Ngày đó, nguyện vọng của tôi là một trường khác, nhưng cha tôi đã buộc tôi phải thi vào trường công an. Đến năm thứ ba, tôi vào chuyên khoa Cảnh sát Kinh tế, một khoa "hot" nhất lúc bấy giờ. Suốt 5 năm học, nếu ai hỏi tôi có yêu trường không, có thích khoa “VIP” đó không, tôi sẽ trả lời là không.
Và khi ra trường, nguyện vọng của tôi là được về làm việc trong một cơ quan nghiên cứu, viết lách theo đúng sở trường của mình. Có lẽ, đến thời điểm này, trong các khóa của Học viện Cảnh sát Nhân dân, số người đâm đầu làm báo như tôi cực hiếm. Còn bạn bè chiến hữu trong khoa, họ rất thành đạt, kinh tế vững vàng và hầu như giữ vị trí lãnh đạo từ Bộ xuống các tỉnh, thành.
Sau này, khi có điều kiện đặt chân tới mọi miền đất nước, tôi hiểu và yêu mến hơn về công việc của những người chiến sĩ công an. Tình yêu đó ngấm dần vào máu, lớn dần theo thời gian và được tôi thể hiện trên những trang viết của mình.
Trong cuộc đời làm báo, tôi cũng có những thành công nho nhỏ và chắc chắn đến giờ phút này, khi đã qua một chặng đường khá dài, tôi không hề ân hận về quyết định của mình.
Cháu Quỳnh quý mến. Điều cuối cùng tôi muốn nói với cháu rằng, học trường nào rồi cũng đâu quan trọng. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người rốt cuộc mình là người thế nào và làm được những gì. Đó chính là ngọn lửa, tự mình sưởi ấm mình và cho mình đủ niềm tin để đi qua những ghềnh thác của kiếp người. Cứ vui lên cháu nhé!
Liên quan những tâm thư của các thí sinh không được xét tuyển vào trường công an vì lý lịch, có hai luồng dư luận.
Một số người cho rằng, việc xét tiêu chuẩn chính trị, gia cảnh làm mất đi cơ hội của nhiều thí sinh, trong khi quy định "cha làm con chịu" đã lỗi thời.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác nêu quan điểm không nên đặc cách vì sẽ tạo tiền lệ, phá vỡ quy định của ngành công an.
Theo Zing