Du lịch 'hấp hối' sau thảm họa cá chết

Thứ năm, 18/08/2016, 09:13
Sự cố môi trường Formosa khiến cá chết hàng loạt dọc bờ biển các tỉnh Bắc miền Trung giữa tháng 4, kéo theo hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng, trong đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ngư dân và những người làm du lịch.
Những nhà hàng vắng bóng thực khách.

Vắng lặng như thời chiến!

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, Quảng Bình hiện có 286 khách sạn, nhà nghỉ; hơn 3.200 nhà hàng, với tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng; thu hút trên 10.000 lao động chuyên nghiệp tại các nhà hàng, khách sạn và 36.000 lao động ăn theo. Năm 2015, du lịch Quảng Bình thu hút hơn 3 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Năm 2016, du lịch Quảng Bình hứa hẹn một năm bùng nổ và bội thu. Điều này căn cứ vào thực tế khách du lịch đến Quảng Bình trong quý I và kế hoạch đặt trước trong quý II, III. Tuy nhiên, hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bờ biển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch.

Ngay trong tháng 4/2016, lượng khách du lịch đến Quảng Bình đã giảm bất thường, các đơn vị đối tác liên tục hủy các tour và dịch vụ đặt trước, trong nửa cuối tháng 4 chỉ còn 50%, trung bình 4 tháng cao điểm chỉ đạt 10-20% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Hoàng Giang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quảng Bình cho biết, tại hội nghị giữa nhiệm kỳ vừa mới diễn ra của hội, hầu hết các báo cáo đều ảm đạm do liên quan đến cá chết, không một ngành nghề kinh doanh nào là không bị ảnh hưởng. Đặc biệt, những doanh nghiệp làm du lịch, họ gần như kiệt sức, nhưng cho đến nay chưa hề nhận được sự hỗ trợ nào từ Chính phủ.

“Tôi vẫn thường xuyên đạp xe lòng vòng dọc biển vào buổi tối, thấy mà xót xa. Dọc biển, một thời nhộn nhịp, sầm uất là thế, nay không khí vắng lặng như thời chiến, thi thoảng mới bắt gặp một hai phòng của các khách sạn sáng đèn. Nếu tình trạng này kéo dài một hai năm nữa thì không ít doanh nghiệp du lịch phá sản” – ông Giang nói.

Những khoảng trống khó lấp đầy

Bà Võ Phương Anh, Giám đốc Cty Du lịch Trường Thịnh, sở hữu nhiều resort, hang động nổi tiếng, là cánh chim đầu đàn của ngành du lịch Quảng Bình, xót xa nói: “Sự cố môi trường vừa qua thực sự quá bất ngờ, đã giáng một đòn chí tử vào những người làm du lịch. Không chỉ chúng tôi mà các đơn vị làm du lịch khác cũng đang kiệt quệ. Hàng trăm, hàng nghìn lao động trong ngành du lịch và gia đình của họ bị đảo lộn cuộc sống”.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình nói: “Lâu nay, du khách vẫn thường khen ngợi Quảng Bình, chỉ cần nửa bước lên rừng, nửa bước xuống biển. Đến Quảng Bình, trong một ngày họ có thể thăm thú, trải nghiệm cả hai loại hình du lịch rừng và biển.

Nói về hang động của Quảng Bình thì độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam; nói về biển thì sạch, đẹp, hoang sơ; còn hải sản thì ngon nức tiếng. Nhưng nay, rừng còn đó, mà biển thì đã “chết”, nói nôm na là du lịch Quảng Bình đã bị cụt mất một chân”.

Theo ông Kỳ, thông thường du khách đến Quảng Bình, ngày thăm thú hang động, chiều về tắm biển, thưởng thức hải sản, đêm nghỉ ngơi ở các khách sạn ven biển. Nay lợi thế “hai trong một” đó không còn, tạo ra những khoảng trống khó lấp đầy. Đơn cử, lâu nay cơ sở hạ tầng như nhà hàng, khách sạn hầu hết tập trung ở vùng ven biển, vùng rừng thưa thớt.

Sau thảm họa cá chết, du khách không muốn về biển, các nhà hàng khách sạn ven biển ế ẩm, còn vùng rừng thì thiếu thốn, quá tải, không đủ đáp ứng nhu cầu du khách. Hơn 2/3 du khách đến Quảng Bình thời gian gần đây, sau khi tham quan hang động, họ chạy thẳng về các địa phương khác.

“Một trong những khoảng trống nguy hiểm đối với du lịch Quảng Bình, là hơn 50% lao động được đào tạo bài bản, có tay nghề, có kinh nghiệm trong ngành du lịch đã bị mất việc làm. Họ phải vào các tỉnh miền Nam tìm việc, hay đi làm phụ nề kiếm ăn. Nếu sau này, môi trường biển sạch trở lại, du lịch biển ấm lên thì nhân lực du lịch thiếu trầm trọng, lại phải tốn công, tốn của đào tạo lại từ đầu” – ông Kỳ nói.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Cty TNHH DV- DL OSAKA cho biết: Thấy du lịch Quảng Bình khởi sắc, bao nhiêu vốn liếng chắt chiu lâu nay, cùng vốn vay ngân hàng, Cty dồn hết xây dựng khách sạn để đón khách về tắm biển. Ngày khai trương khách sạn cũng là ngày cá chết dạt vào bờ biển Quảng Bình. “35 tỷ đồng vứt vào đó, giờ không biết làm sao. Anh em đã nỗ lực hết mình nhưng chẳng có khách, ngân hàng cứ đến tháng là thu tiền lãi. Thật sự là một thảm họa” – ông Hùng nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn