Được sự đồng ý của cô Kimberly Kay Hoang, tác giả quyển "Mua bán dục vọng: quyền năng tại Châu Á, suy tàn tại Châu Âu và hình thức tiền tệ ngầm của nghề mại dâm toàn cầu", Zing.vn trích dịch một số nội dung từ quyển sách để giới thiệu rõ hơn về hành trình 5 năm hoá thân, xâm nhập và nghiên cứu về thế giới mại dâm ngầm ở TP.HCM của cô.
Quán bar S.S. chuyên phục vụ đối tượng là đàn ông phương Tây sống và làm việc tại Việt Nam. Nơi này luôn rộng mở tiếp đón các vị khách, nhưng rõ ràng là không gian do đàn ông thống trị.
Nhiều lần, khi phụ nữ vô tình mở cửa quán, họ quay ra ngay lập tức như vừa bắt gặp những hành động rất riêng tư diễn ra bên trong.
Khách tại bar S.S. chủ yếu là đàn ông da trắng đến từ Mỹ, Tây Âu hoặc Australia. Thời gian hoạt động nhộn nhịp nhất là từ 16h đến 19h, các ngày từ thứ 2 đến thứ 7. Nhiều vị khách cũng đến đây sau 20h và thường ở lại đến quá nửa đêm.
Không như ở Khong Sao bar, khách tại S.S. không gọi các loại rượu thượng hạng mà chỉ gọi bia thông thường hoặc đồ uống pha chế, giá trung bình của hóa đơn khoảng 15 USD cho 3-4 ly nước.
Cô Lilly, chủ bar S.S. là một trong những người đầu tiên kinh doanh loại hình bar chuyên phục vụ đối tượng là các ông Tây vào năm 2008; nhằm khai thác hoàn cảnh là rất nhiều người rời Mỹ, châu Âu sau khủng hoảng tài chính và sang Việt Nam nhằm xây dựng lại sự nghiệp của họ.
Cuộc sống "dễ thở" của tiếp viên
Ban đầu, Lilly chọn khoảng 20 cô gái sống trong khu phố gần nhà hoặc ở cùng quê để làm tiếp viên trong bar, mức lương gần 100 USD/tháng (vào thời điểm nghiên cứu).
Để thúc đẩy việc bán rượu, Lilly hào phóng chi đến 50% lợi nhuận cho các tiếp viên dựa trên số lượng bia mà khách tiêu thụ. Nhiều chủ quán bar khác không trả lương cho nhân viên, mà họ khuyến khích các cô cố gắng lấy tiền boa của khách hoặc kiếm tiền từ bán dâm.
Cũng không như tại Khong Sao bar, tiếp viên ở S.S. không nhất định bắt buộc phải uống cùng khách.
“Tôi không ép các cô ấy uống, vì tôi không muốn họ bị say và có thể làm tổn hại bản thân. Cơ thể bạn thay đổi rất nhiều nếu thường say xỉn. Bạn sẽ già rất nhanh, đó là thiệt hại đầu tiên trong ngành này”, Lilly giải thích.
Trung bình, mỗi tiếp viên ở bar S.S. có thể kiếm được khoảng 300 USD/tháng. Con số không hẳn cao, nhưng cũng đủ giúp các cô có thể từ chối nếu khách đề nghị qua đêm.
Tuy nhiên, những cô gái này khá sáng tạo trong việc “moi tiền” từ khách. Họ có thể tính tiền từ việc phụ giúp những việc vặt cho khách như đi cùng khách để ăn tối sau giờ làm, đi du lịch với khách.
Sau nhiều tháng xây dựng quan hệ, các cô có thể vòi vĩnh để được tặng trang sức đắt tiền, nước hoa, rồi đi bán lại…
Dù không cô nào ở bar S.S. thừa nhận họ là gái mại dâm, các cô nói chuyện rất cởi mở về việc “tận dụng” bạn trai như thế nào. Các cô không trực tiếp khơi gợi chuyện bán dâm, nhưng luôn nhận được tiền sau khi phục vụ khách “hết mình”.
Thỉnh thoảng, các cô cũng dựng nên những câu chuyện thương tâm để lấy lòng khách như ba mẹ bệnh nặng hoặc mắc nợ số tiền quá lớn. Khi đã có mối quan hệ tương đối vững chắc với một vị khách quen, mỗi cô có thể kiếm được từ 300 - 700 USD/tháng.
"Việt Nam không còn nằm trong Thế giới Thứ 3"
Khách Tây không gặp gỡ và tiếp xúc đối tác trong các không gian để giải trí như quán bar hoặc karaoke, nhưng không có nghĩa là họ không tham gia vào ngành mại dâm. Mục đích và mối quan hệ giữa họ với các cô tiếp viên liên quan đến một hình thức kinh tế khác.
Tại thị trường này, các “ông Tây” tiến tới mối quan hệ với những cô gái người Việt nhằm xóa đi cảm giác về sự suy tàn của cái gọi là quyền lực phương Tây.
Một đêm tháng 11/2009, ba người đàn ông là Alan, Derek và Neil bước vào quán S.S. gọi thức uống.
Tôi đã giới thiệu mình là một nhà nghiên cứu từ Mỹ đang tìm hiểu hoạt động ở các quán bar tại Việt Nam. Sau khi nghe như vậy, các vị khách cũng chia sẻ họ khoảng giữa 40 tuổi và đến Việt Nam để làm ăn.
3 vị khách làm việc tại một công ty đầu tư trụ sở tại Mỹ, chuyên nhắm vào những thị trường mới nổi.
Họ đã từng có các dự án ở Thái Lan, Indonesia, và đây là những lần thăm dò đầu tiên vào thị trường Việt Nam. Alan đã kể nhiều về khác biệt văn hóa và những quy luật ngầm trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.
Đối với những vị khách như Alan, mối quan hệ với một cô gái mại dâm địa phương có ý nghĩa xã hội khác biệt rất lớn, so với những vị đại gia dựa vào các cô gái để móc nối hợp đồng với các nhà đầu tư châu Á.
Khi họ xây dựng quan hệ với các cô gái, là để trốn thoát khỏi những căng thẳng hàng ngày từ công việc, và khơi gợi quyền lực trong cảm xúc cá nhân, để né tránh thực tế là ảnh hưởng phương Tây đang lung lay.
Bên trong một quán bar mà cô Kimberly Kay Hoang từng xâm nhập để làm việc. |
Cùng được gọi chung là “khách Tây”, nhưng khách tại bar S.S. rất khác và tỏ ra am hiểu tình hình hơn du khách “Tây ba lô”. Họ hiểu được sự chuyển dịch của kinh tế toàn cầu và tin rằng Việt Nam, cụ thể là TP.HCM, không còn trong nhóm nước “Thế giới thứ 3”.
Michael, một nhà tư vấn công nghệ thông tin, cho rằng những khách ở các quán bar bình dân cấp thấp hơn cho rằng Việt Nam vẫn còn là nước nghèo và không năng động.
“Nhưng thực sự quốc gia này năng động và tăng trưởng nhanh. Tốc độ thay đổi diễn ra rất nhanh, và những ông Tây ba lô không thể theo kịp”, Michael nói.
Những nghiên cứu về mại dâm toàn cầu trước đây thường có chung nhận định rằng các đối tượng doanh nhân làm việc ở nước ngoài thường nắm vị trí hàng đầu trong mọi nền kinh tế địa phương.
Giả định này bỏ qua cách mà những người nước ngoài phải nỗ lực thích ứng với văn hóa địa phương để thể hiện phong độ của họ qua các mức độ thành công.
Từng thất bại ở New York, Hong Kong và Thượng Hải
Khi nói chuyện sâu với những vị khách ở bar S.S., họ đều chia sẻ với tôi cảm giác về sự chênh lệch so với bạn bè làm việc tại các thành phố toàn cầu khác. Daniel, một vị khách khoảng 30 tuổi, nói: “Sẽ không ai thừa nhận với cô, nhưng chúng tôi đều biết cả.
Những người đàn ông đang làm việc tại Việt Nam là vì họ không thể cạnh tranh nổi ở New York (Mỹ), Hong Kong hay Thượng Hải (Trung Quốc). Chúng tôi đến đây với hy vọng cầu may, mong rằng thị trường này sẽ tăng trưởng nhanh như dự đoán".
Một vị khách tên Bernard chen ngang: “Một chuyên viên ngân hàng sẽ chuyển việc dễ hơn từ New York sang bất kỳ nơi nào ở châu Á, nhưng để đi ngược lại từ châu Á sang London hay New York thì rất khó.
Thị trường ở đây nhỏ, và quỹ mà tôi quản lý còn chưa bằng 1% tổng số đầu tư của công ty tôi. Thỉnh thoảng tôi rất căng thẳng với suy nghĩ rằng: ‘Nếu không thể thành công ở đây thì sẽ không thể thành công ở một thị trường lớn hơn’”.
Một nửa những vị khách mà tôi phỏng vấn đều thất nghiệp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Họ tỏ ra bi quan về cơ hội việc làm và hôn nhân ở những quốc gia phát triển. Jesse, một chuyên viên đầu tư ngân hàng từ New York, kể:
“Tôi đã từng có công việc hái ra tiền ở phố Wall, mua một căn hộ xinh xắn ở Manhattan sống cùng vợ. Chúng tôi đã dự định có con, nhưng rồi tôi mất việc và vợ tôi phải đảm nhận gánh nặng”.
Sau khoảng 3 tháng thất nghiệp, Jesse bắt đầu cãi vã với vợ. Anh cho rằng khó mà quay lại được thành công như trước đây. “Một nhân viên tuyển dụng mời tôi đến Việt Nam để phát triển thị trường ở đây. Tôi nhận việc này, và sau đó vợ tôi đệ đơn ly hôn. Tôi mất tất cả: hôn nhân, công việc và vợ”.
Do vậy, đối với Jesse, đến Việt Nam là một nỗ lực xây dựng lại đẳng cấp và phong độ, bằng cách tận dụng vị thế là công dân từ một quốc gia hạng Nhất tại một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Đây là điều khả dĩ, vì những kỹ năng của anh vẫn là điều rất được trọng dụng tại Việt Nam trong bối cảnh nước này đang định hình vai trò trong nền kinh tế toàn cầu.
Sân chơi của các ông già nghỉ hưu
Anthony, 58 tuổi đến từ Arizona, thì giải thích "thị trường" châu Á với những anh bạn trẻ phương Tây khác, "Vài anh bạn nói tôi là tới châu Á giống như tới Disneyland cho mấy ông nghỉ hưu. Phụ nữ ở đây da sẫm hơn, đẹp, gầy hơn và có thân hình ngon hơn. Anh không cần phải vất vả để kiếm được sex."
Những ông Tây lớn tuổi như Anthony tới quán S.S. không chỉ là để tiếp cận phụ nữ mà còn vì họ coi Việt Nam như "sân chơi của các ông già nghỉ hưu" nơi họ có thể thỏa mãn nhu cầu kiếm các cô gái sẫm da, mảnh dẻ và rẻ tiền.
Phần lớn khách Tây tới đây là những người từ 50-75 tuổi, phần lớn mong muốn một cuộc hôn nhân truyền thống mà đàn ông thì cung cấp tài chính còn phụ nữ thì chăm lo gia đình. Nhưng nhiều người không còn đủ sức duy trì mối quan hệ kiểu này ở Mỹ.
Trong cuộc nói chuyện dài, Jason, người đàn ông ngoài 60 tuổi đến từ Montana (Mỹ), nói với tôi, "Tôi lớn lên ở Mỹ khi phụ nữ còn ở nhà và chăm lo gia đình còn đàn ông làm việc. Vợ chồng tôi sống hạnh phúc trong nhiều năm. Khi cô ấy mất cách đây hai năm, thế giới tôi tan vỡ hết."
"Tôi không biết nấu nướng, lau chùi, hay tự chăm sóc. Tôi rất trầm cảm. Tôi cần người vợ...để chăm sóc tôi.
Ở châu Á...một số phụ nữ vẫn còn duy trì những giá trị truyền thống ấy và tôi có thể chăm lo cho họ bằng tiền hưu của mình," Jason nói.
Ảnh minh họa |
Việt Nam cũng mở ra cơ hội và cánh cửa cho những người như Jesse hoặc Keenan, chuyên viên tại một công ty đầu tư. “Tôi và khoảng 350 nhân viên tại ngân hàng Goldman Sachs mất việc vào năm 2008.
Khi đó tôi trong nhóm nhân viên mới và ở cấp thấp nhất nên dĩ nhiên tôi thuộc nhóm đối tượng bị loại. Tôi đã không thể tìm việc ở New York trong 6 tháng. Tôi đã tiêu gần hết khoản tiền tiết kiệm, rồi tôi tìm cơ hội ở Hong Kong và Singapore”.
Keenan kể anh gần như “rỗng túi” cho đến khi được mời về làm việc tại Việt Nam. “Tấm bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh và kinh nghiệm từng làm việc ở Goldman Sachs giúp tôi có cơ hội tại một công ty địa phương.
Tôi được tham gia vào những dự án liên kết đầu tư lớn về công nghệ và truyền thông tại Việt Nam, gọi vốn thông qua thị trường cổ phiếu quốc tế. Công việc này thật sự rất tuyệt”.
Tận dụng kỹ năng và kinh nghiệm từ Mỹ
Với những vị khách như Keenan, chuyển đến Việt Nam là cách duy nhất để họ tận dụng những bằng cấp và kinh nghiệm từ quốc gia hạng Nhất, tuy không còn giá trị lớn ở thị trường Mỹ nhưng rất cần thiết ở một thị trường đang phát triển như Việt Nam.
“Thị trường phương Tây sẽ không sớm hồi phục, do vậy cần phải đến những thị trường mới nổi ở châu Á là nơi dòng tiền đang dồi dào”, Dalton, chuyên viên ngân hàng 38 tuổi nói.
Tuy nhiên, đến Việt Nam đồng nghĩa với việc các ông khách Tây phải biết điều chỉnh lòng tự tôn của họ. Bởi lẽ, một mặt họ là người không có triển vọng hay cơ hội tại những thị trường khác, mặt khác họ cần phải thích ứng với những thách thức tại công việc mới.
Phần lớn những người mà tôi phỏng vấn chấp nhận các vị trí bậc trung trong công ty mà tổng giám đốc hoặc quản lý là những người Việt. Họ cũng phải làm quen với phong cách giao tiếp ở Việt Nam là các vấn đề không cứ phải nói thẳng ra với nhau.
Do vậy, tìm đến quán bar và kết thân với những cô gái, tán tỉnh, đùa giỡn nhau, là cách để các vị khách Tây này học thêm tiếng Việt, học thêm về những phong cách giao tiếp văn hóa mới.
Hơn hết, bar S.S. mang lại cơ hội để họ khẳng định lại phong độ đàn ông bị suy giảm hoặc mất đi sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
“Phong độ” ở đây được hiểu là sức hút đối với phụ nữ. Một vị khách từng nói với tôi rằng: “Việt Nam là nơi rất tuyệt cho đàn ông da trắng.
Nếu như ở quê nhà, cô ở mức 8 (trên thang điểm 10) và tôi ở mức 3; thì tại Việt Nam tôi ở mức 8 còn cô ở mức 2. Mọi cô gái xinh đẹp ở đây đều quấn lấy tôi”.
Nguyệt, một tiếp viên tại S.S. nói: “Chúng tôi phải học cách kiên nhẫn. Những người đàn ông đến đây với cảm giác rằng tất cả các cô gái đều khao khát có họ.
Để khiến họ cảm thấy như vậy, bạn phải đùa giỡn với họ. Bạn có thể ngủ với những người đàn ông khác, nhưng không được để họ biết”.
Theo Soha