|
Tháng này, các nhà tạo mẫu hàng đầu thế giới sẽ đổ về thành phố New York (Mỹ), London (Anh) và Milan (Ý) để giới thiệu các mẫu thiết kế mới nhất. Trên hàng ghế đầu các show diễn thời trang, ngoài người nổi tiếng và ngôi sao truyền hình thực tế, sẽ có mặt người mua hàng đến từ các nhà bán lẻ danh tiếng. Họ điểm mặt xu hướng mà họ muốn nhân rộng, để rồi sau vài tuần, chúng ta có sẵn nhiều mẫu quần áo bày bán trên khu mua sắm.
Dù ngành “thời trang ăn liền” (fast fashion) có thể nhân rộng thế giới từng chỉ của riêng một nhóm người, nó để lại chi phí lớn cả về mặt con người lẫn môi trường. Doanh nhân Maxine Bedat cho rằng chi phí kể trên là quá lớn. Ba năm trước, bà cùng Soraya Darabi đồng sáng lập hãng bán lẻ trực tuyến Zady. Ý tưởng đơn giản nhưng mục tiêu mang tính cách mạng: trang mạng bán quần áo và phụ kiện vừa mang tính đạo đức, vừa có tính thời trang với mức giá phải chăng, theo trang web World Economic Forum.
Bà Bedat cho hay: “Phụ nữ được bảo rằng họ phải liên tục mua đồ mới chỉ để cảm thấy phù hợp. Cùng lúc, may mặc là ngành tuyển dụng phụ nữ nhiều nhất trên thế giới, song điều gây sốc là 98% những người này không nhận được mức lương đủ sống”.
Khi được hỏi vì sao các mẫu thiết kế chúng ta nhìn thấy trên sàn diễn thời trang trong tháng này lập tức có mặt trong cửa hàng trên phố chỉ vài tuần sau với giá thấp hơn hẳn, Bedat cho biết để tạo ra quần áo rẻ, các nhà sản xuất quay sang dùng polyester, vật liệu bắt nguồn từ nhà máy lọc dầu: “Hơn một nửa số quần áo của chúng ta làm từ chất liệu này”. Các sợi polyester được kéo và nhuộm trước khi đem đi dệt. Có từng nhóm công nhân thực hiện các công đoạn cắt, khâu và đính vải. Sau đó, sản phẩm được vận chuyển đến nơi lưu trữ hoặc phân phối, rồi tiếp thị đến tay người dùng.
“Hãy tưởng tượng tất cả lao động cần thiết để làm ra một cái quần, cái áo nhưng chiếc áo sơ mi của bạn cuối cùng vẫn chỉ có giá 10 USD. Cách duy nhất để làm được điều này là nhân công làm ra chúng không được trả đủ tiền để trang trải nhu cầu cơ bản. Đó chính xác là những gì đang xảy ra. Trong khi Mỹ mất 80% công việc ngành sản xuất may mặc, việc làm lương cao trên đang được nhiều người ở góc khác trên thế giới thực hiện với mức lương thiếu thốn”, bà Bedat nói.
Thế giới hiện có quần áo giá rẻ, ít việc làm và một ngành công nghiệp không quan tâm đến người lao động. Nhiều người uống cà phê được thương mại công bằng, ăn trứng hữu cơ song khi nhắc đến quần áo, đó là câu chuyện hoàn toàn khác. Dù may mặc là ngành công nghiệp lớn 1.700 tỉ USD, nó vẫn chỉ là ngành mà phụ nữ quan tâm. Đây là lý do vì sao không nhiều người bận tâm đến mặt trái của “thời trang ăn liền”.
Theo Thanh Niên