Trong gần 5 ngày mở cửa, từ sáng đến khuya, không lúc nào cửa hàng Zaza tại TP.HCM ngơi khách.
Vì lượng khách quá đông, trong khi số lượng phòng thử và quầy tính tiền có hạn, nên nhiều khách hàng đã rơi vào tình trạng chán nản khi phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ. Nhiều khách hàng không đủ kiên nhẫn đành bỏ lại những món đồ yêu thích đã chọn được.
Một số ý kiến cho rằng họ cảm thấy khó chịu khi khâu thử đồ và thanh toán quá chậm. Ví dụ, với 5 món đồ cầm trên tay, người mua hàng phải chờ nhân viên gỡ từng móc đồ và xếp lại để đem vào phòng thử. Hành động này vô hình trung tiêu tốn rất nhiều thời gian của người mua.
Bên cạnh đó, cửa hàng còn không quy định số đồ được thử hay đánh số món đồ, dẫn đến nhiều trường hợp nhầm lẫn đồ của khách.
Nếu so sánh khâu quản lý của cửa hàng Zara Việt Nam với các nước khác, có thể thấy nhiều điểm bất hợp lý, điển hình là việc thanh toán thiếu chuyên nghiệp.
Ở nước ngoài, nhân viên thường thanh toán hết mới tiến hành đóng gói, trong khi ở Việt Nam, chu trình lại được tiến hành theo trình tự ngược lại. Điều này không khỏi tránh được một vài sai sót như tình trạng thẻ cào bị lỗi, hay khách không mang đủ tiền mặt.
Người mua xếp hàng chờ thử đồ tại cửa hàng Zara. |
Có thể biện minh cho sai sót này do tình trạng quá tải trong những ngày đầu khai trương. Tuy nhiên, mang danh thương hiệu lớn với hơn 2.000 cửa hàng trên toàn thế giới, đáng ra các nhà điều hành Zara phải lường trước hiệu ứng tích cực mà họ có thể mang lại tại thị trường mới nổi như Việt Nam.
Tình trạng quá tải trên hoàn toàn có thể khắc phục được nếu các nhà quản lý cắt cử nhân viên bảo vệ đứng phía ngoài cửa hàng để duy trì mức khách vừa phải, như các cửa hàng khác tại Singapore hay Hong Kong.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố bị khách hàng chê là việc trưng bày sản phẩm lộn xộn không theo quy tắc nào.
Với mặt bằng bao trùm cả 2 gian lớn của trung tâm thương mại Vincom, TP.HCM, khách hàng khó khăn trong việc tìm món đồ đặc thù.
Tuy vậy, nhân viên tại đây cũng không hỗ trợ khách trong việc tìm kiếm món đồ ưng í, họ liên tục lắc đầu trước những câu hỏi của người mua. Việc không nắm rõ vị trí hàng hoá khiến nhiều người có suy nghĩ nhân viên chỉ biết đứng quan sát mà không có vai trò nào khác.
Bên cạnh đó, việc tiếp đón quá đông khách hàng cùng lúc đã khiến cửa hàng nhanh chóng trở thành bãi chiến trường với vô số món đồ bị vứt ngổn ngang. Điều này vô tình đã giảm đi phần nào vẻ sang trọng và gọn ghẽ của một cửa hàng Zara truyền thống.
Phương án rất đơn giản để tránh tình trạng hỗn loạn trên chính là phân phối từng loại trang phục theo khu vực chức năng và phong cách. Với việc sắp xếp trên, khách hàng sẽ rất dễ dàng tìm được món đồ thời trang ưa thích mà không phải đi lại nhiều vòng hay lựa chọn quá nhiều.
Trong khi nhân viên nam có bộ dạng rất lịch thiệp và trang trọng với cả cây suit đen và áo polo, thì nhân viên nữ của Zara lại mặc chiếc áo rộng thùng thình mang dáng dấp của áo bà ba, cùng chiếc quần culottes và giày sneaker không hề liên quan.
Trong khi đó, trang phục nhân viên nữ Zara tại các nước khác như Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan, Mỹ, Đức hay Australia... đều được thiết kế đồng tông với nhân viên nam như suit đồng màu đen hay xanh navy.
Được biết, mẫu trang phục suit đen - xanh của nhân viên Zara ở các nước khác chính là dụng ý từ các nhà điều hành, để mang lại cảm giác sang trọng và chuyên nghiệp cho cửa hàng. Màu đen cũng tiệp với các chi tiết trang trí, từ đó làm tôn lên những mẫu trang phục được trưng bày bên trong.
Chính vì thế, không quá lời khi nhận xét chiếc áo xanh nhạt với phần tà dài thượt cùng chiếc quần rộng thùng thình không hề tôn dáng này chính là mẫu đồng phục xấu nhất trong hệ thống cửa hàng Zara trên toàn thế giới.
Cuối cùng, dù mở cửa hàng ở Sài Gòn, vùng đất có thời tiết oi bức, nóng ẩm điển hình, Zara lại trưng bày rất nhiều mẫu trang phục thu đông.
Vì thế, kiểu dáng dài kín đáo và chất liệu dày ấm áp của những chiếc áo trench coat hay áo cổ lọ tay dài được bày bán ngập tràn trong cửa hàng khiến người mua bối rối.
Cửa hàng Zara tại Việt Nam được trưng bày với rất nhiều mẫu trang phục thu đông không phù hợp. |
Ghé thăm cửa hàng Zara tại TP.HCM hôm 10/9, ca sĩ Nam Cường cho biết những ngày này đến mua hàng ở Zara rất đông nên việc lựa chọn đồ cũng không được thoải mái. Anh cũng thẳng thắn nhận xét việc đưa quá nhiều mẫu trang phục thu đông về Việt Nam của Zara là bước tính toán không phù hợp.
"Vì Cường vừa từ New York về nên nhận thấy một số sản phẩm mới ở Mỹ cũng có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiều mẫu mã nhưng khó chọn vì Sài Gòn thời tiết nóng nên khi dạo một vòng, Cường thấy những trang phục ở đây dành cho mùa thu và mùa đông. Mà người Sài Gòn lại khó mua những trang phục này”, anh nói.
Tuy vậy, anh cũng đánh giá việc các sản phẩm Zara được ra mắt tại Việt Nam với giá cả hợp lý là tín hiệu vui cho những ai yêu dòng thời trang này. “Ít nhất, mọi người không phải đi nước bạn mới mua được hàng mới với giá cao hơn hay phải đặt hàng online", nam ca sĩ chia sẻ.
Theo Zing