Trên trang website của Công ty Global Home thông tin chỉ có văn phòng đại diện đặt tại ba nước gồm Việt Nam, Mỹ và Ireland, bên cạnh trụ sở chính đặt tại Cộng hòa Czech.
Theo nhiều phản ánh của doanh nghiệp đã cung cấp hàng cho Công ty Global Home – nơi mà chồng ca sỹ Thu Minh, ông Otto De Jager làm Tổng giám đốc, một trong những điều khoản quy định trong hợp đồng là khi có tranh chấp xảy ra thì việc giải quyết vụ việc sẽ tại tòa án ở Hồng Kông (Trung Quốc).
Giải quyết tranh chấp tại nước thứ ba: Ngay từ đầu Global Home đã lựa chọn phần lợi cho mình, đẩy bất lợi cho DN Việt Nam?
Đây rõ ràng là một điều khoản bất lợi cho các nhà sản xuất, cung cấp gỗ của Việt Nam khi làm ăn với Công ty Global Home mà ông Otto làm quản lý. Bởi việc theo đuổi vụ kiện bên ngoài lãnh thổ không chỉ yêu cầu các DN Việt Nam vừa phải có đủ nguồn lực về tài chính, mà còn phải am hiểu luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VietGo – một đơn vị tư vấn xuất khẩu, trên thực tế Globa Home chỉ có văn phòng đại diện tại ba nước gồm Mỹ, Việt Nam và Ireland. Có nghĩa, việc không có văn phòng đại diện tại Hồng Kông (Trung Quốc) nhưng vẫn chọn nước này làm nơi giải quyết tranh chấp, cho thấy nhiều điều.
Theo đó, Công ty Global Home và ông Otto có thể không tin tưởng vào pháp luật Việt Nam trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Do đó, việc lựa chọn Hồng Kông để làm nơi giải quyết tranh chấp có thể đảm bảo cho công ty này có nhiều lợi thế hơn về mặt pháp lý. Đây là công ty có yếu tố nước ngoài, hoạt động ở nhiều nước, nên khi có tranh chấp xảy ra công ty này hoàn toàn có thể chủ động, trong khi DN Việt Nam thì chịu bị động.
Theo ông Việt, trong giao thương xuất nhập khẩu với Việt Nam thì nhiều DN nước ngoài cũng chọn việc giải quyết tranh chấp tại nước thứ ba. Thông thường, đó sẽ là Hồng Kông (Trung Quốc) hoặc Singapore là những nước có nền pháp luật khá tốt và hỗ trợ cho họ thuận lợi để giải quyết tranh chấp. Do đó, Global Home đã lựa chọn Hồng Kông (Trung Quốc) làm nơi giải quyết tranh chấp tức là công ty này đã nắm lợi thế cho mình ngay từ đầu.
Trao đổi với chúng tôi, LS. Ngô Văn Hiệp – Trưởng văn phòng Luật sư Hiệp và Liên doanh, cũng cho biết trong trường hợp nhà sản xuất Việt Nam bán hàng cho DN nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, hai bên sẽ được phép cùng đồng ý thỏa thuận giải quyết khi có tranh chấp tại tòa án nước ngoài, là một nước thứ ba mà hai bên cùng lựa chọn và đồng ý trong hợp đồng thương mại.
Ông Hiệp cho rằng thông thường trong trường hợp như vậy thì hai bên sẽ giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế hơn là tòa án. “Cơ quan tài phán đó có thể là ở Việt Nam hoặc là cơ quan ở nước ngoài, là trọng tài hoặc tòa án. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận là giải quyết tại nước ngoài. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận ấy vô hiệu, tòa án Việt Nam sẽ tham gia giải quyết, còn nếu thỏa thuận có hiệu lực thì cứ thực hiện theo thỏa thuận” – LS. Hiệp nói.
Đồng quan điểm, LS. Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Công ty Luật BASICO, cũng cho rằng trong trường hợp này chỉ khi thỏa thuận này bị vô hiệu, cơ quan chức năng tại Việt Nam mới có thẩm quyền giải quyết.
Theo đó, LS. Đức cho biết việc giải quyết tranh chấp bị vô hiệu khi mà thỏa thuận trái với quy định pháp luật của nước đấy, dẫn tới không xác định được cơ quan nào là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, về vấn đề này LS. Đức cho rằng rất khó có thể xác định vì quy định ở nước ngoài khác với Việt Nam.
Tuy nhiên, với trường hợp phản ánh của một số DN gỗ tố cáo chồng ca sỹ Thu Minh là lừa đảo, quỵt nợ và họ cho rằng có bằng chứng rõ ràng, thì mặc dù có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Hồng Kông (Trung Quốc), nhưng DN Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện ông Otto ra cơ quan pháp luật của Việt Nam.
Vẫn có thể khởi kiện tại Việt Nam khi có dấu hiệu hình sự
Bởi theo ông Hiệp, đây là hai vấn đề pháp lý khác hẳn nhau. Theo đó, đối với tranh chấp thương mại thì các bên được phép thỏa thuận tại cơ quan tài phán ở Việt Nam hoặc nước ngoài, mà cụ thể ở đây là giải quyết tại cơ quan tài phán ở Hồng Kông (Trung Quốc).
Còn trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì DN Việt Nam hoàn toàn có thể kiện ra công an bởi vấn đề này liên quan đến hình sự. Và như vậy, trong trường hợp này thì những thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại không có hiệu lực.
“Đối với hình sự thì không có chuyện thỏa thuận công an ở đâu giải quyết mà vi phạm pháp luật ở chỗ nào thì chỗ đấy giải quyết. Có nghĩa là nếu như công ty nước ngoài vi phạm pháp luật hình sự ở Việt Nam thì cơ quan Việt Nam, cụ thể là cơ quan công an giải quyết mà không thể thỏa thuận. Tuy nhiên, với điều kiện là DN Việt Nam phải phát hiện và thấy rõ DN nước ngoài có dấu hiệu vi phạm” – ông Hiệp nói.
Theo đó, LS. Hiệp khẳng định lại rằng hình sự thì không thể có chuyện thỏa thuận và công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam cũng không thể đưa ra và dẫn chiếu điều khoản là đã có thỏa thuận và giải quyết tranh chấp ở cơ quan tài phán tại Hồng Kông được.
Đồng quan điểm, LS. Trương Thanh Đức, cũng cho rằng DN hoàn toàn có thể khởi kiện nếu như khẳng định là có dấu hiệu về tội phạm hình sự. Cụ thể, ở đây là tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và khi có dấu hiệu tội phạm, có người tố cáo thì cơ quan chức măng mới khởi tố, vào điều tra, truy tố, xét xử.
Song LS. Đức cũng lưu ý: "Việc khởi kiện phải dựa trên cơ sở có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng, nếu không DN Việt Nam sẽ chịu thiệt hại rất lớn. Tuy nhiên, những quan hệ kinh doanh như thế rất khó phân định rõ, lại liên quan đến nước ngoài nên rất khó để cơ quan công an đưa ra khởi tố vụ án".
Như vậy, mặc dù đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán nước ngoài, nhưng các DN Việt Nam đã cung cấp gỗ cho chồng ca sỹ Thu Minh hoàn toàn có thể khởi kiện ông Otto tại Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia luật cũng khuyến cáo là việc khởi kiện cần được thực hiện trên cơ sở có bằng chứng rõ ràng, bởi nếu không chứng minh được thì cũng có thể bị DN đối tác “kiện ngược” là vu khống thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Theo Trí Thức Trẻ