Luật sư công ty Gia Hân “tố” mánh lới của chồng Thu Minh và bí ẩn Global Home

Thứ năm, 25/08/2016, 09:45
Vị luật sư đại diện công ty Gia Hân lần đầu tiên tố các “mánh lới” của chồng ca sĩ Thu Minh, ông Otto De Jagger và những bí ẩn của pháp nhân Global Home.

Quyết theo tận cùng

Chiều 24.8, tại cuộc gặp gỡ của Hiệp hội chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) với báo chí và nhiều DN gỗ, đại diện công ty Gia Hân tiếp tục “tố” bị ông Otto “gài” bằng các hợp đồng lắt léo. Theo thống kê của Gia Hân, số tiền Global Home đang nợ phải thanh toán là 493 nghìn USD của hơn 100 đơn hàng nhưng ông Otto từ chối trả vì cho rằng lỗi của Gia Hân.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, bảo vệ quyền lợi cho Gia Hân cho biết: “Có một điểm đáng lưu ý là Otto gửi mail lúc 5 giờ sáng gửi yêu cầu gặp Gia Hân làm việc và 3 tiếng sau gửi tiếp mail khác thông báo do Gia Hân không xác nhận mail nên hủy. Đây sẽ là một luận chứng mà trọng tài quốc tế sẽ nhận định phía DN Việt thiếu hợp tác.Tìm hiểu của chúng tôi, Otto sử dụng chiêu thức này với rất nhiều DN”.

Quang cảnh buổi họp của Hawa

Theo vị luật sư này, ông cũng đã tìm hiểu thông tin ở nhiều cơ quan tại Châu Âu, cho thấy: Pháp nhân Global Home thay đổi vốn và trụ sở đến 30 lần chỉ trong vòng 2 năm. Công ty này trước đây có trụ sở đặt tận vùng ven biên giới giữa Séc và Áo, sau đó mới chuyển về Hà Lan.

Từ năm 207-2012, ông Otto chuyển toàn bộ vốn trong công ty cho một vị bác sĩ. Hiện nay, ông này chỉ nắm 1% vốn tại Global Home. “Có lúc ông Otto rút sạch vốn nhưng vẫn ký hợp đồng với các DN gỗ. Chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ tài liệu chứng cứ cho các cơ quan chức năng”- ông Truyền nói thêm.

Theo ông, hơn 20 DN tại Việt Nam dính rắc rối với Global Home, trong đó có khoảng 15 DN bị neo hàng. Việc Gia Hân theo đuổi vụ kiện là không đơn giản. Vì hợp đồng ghi  rõ cơ quan tài phán là trọng tài tại Hong Kong, lại xử theo luật Anh. Có phán quyết rồi, thi hành ở đâu lại là vấn đề khác.Việc thi hành phán quyết quốc tế tại Việt Nam là vô cùng hy hữu.

Nếu theo đuổi vụ kiện, phí luật sư tại Hong Kong vào khoảng 2.000-2.500 USD/giờ. Chỉ riêng việc xem hồ sơ đã tốn khoảng 30 giờ. Theo đuổi có phán quyết có khi mất 6 tháng đến 1 năm.“Gia Hân chấp nhận mất tiền các đơn hàng bị nợ rồi. Chúng tôi quyết tâm làm để DN Việt có bài học. Bản thân tôi sẵn sàng hỗ trợ hết sức” - ông Truyền nói.

Thêm DN “tham chiến”

Tại buổi gặp gỡ, thêm một DN khẳng định sẽ “sát cánh” cùng Gia Hân. Đại diện DN Cửu Long, đóng tại Hà Nội kể:  DN này làm ăn với Global Home từ  tháng 7/2013. Ngay sau khi quen biết, đại diện Global Home lập tức đến thăm nhà máy và đặt hàng. Điểm đặc biệt là Global Home cho Cửu Long đăng ký luôn số lượng, muốn giao bao nhiêu container/tháng tự đăng ký.

Sau khi đặt cọc, phía Cửu Long đã giao tiếp nối tổng cộng 15 container, nhận được từ Global Home 60 nghìn USD. Phía Global Home còn nợ 119 nghìn USD. Sau đó, do công nhân đình công nên Cửu Long giao hàng chậm. Dù đã nhiều lần trình bày nhưng vẫn nhận được thông báo của Global Home về việc phạt 122 nghìn USD do lỗi giao hàng chậm.

Sau nhiều lần đàm phán, Otto đồng ý giảm tiền phạt về đúng số tiền nợ, đôi bên chấm dứt nợ nần nhau và kết thúc làm ăn.“Sau cuộc làm ăn với Global Home chúng tôi gần như phá sản. Khi biết họ hành xử với nhiều DN cùng cách như vậy, chúng tôi quyết định “tham chiến”, quyết theo đuổi đến cùng” - đại diện DN Cửu Long nói.

Ông Nguyễn Liêm, giám đốc DN Lâm Việt: Nhiều ngày qua dư luận nói Gia Hân dại, sao bị như vậy mà không dừng giao dịch? Dừng sao được mỗi container 200 nghìn USD nằm ngoài biển, tương đương số đó nằm ở các nước chưa thu được tiền, tương đương số đó nằm ở xưởng.

Đây cũng là bài học lớn. DN gỗ đặc trưng nhỏ, có hợp đồng thì mừng quá, dồn toàn lực làm.Nên dành lại 30%, đừng dồn lực vào một khách. Để lỡ có rủi ro thì còn đơn hàng mà làm, còn có đường lui.

LS Phạm Ngọc Hưng, PCT Hiệp hội DN TP.HCM kể: “Có DN đưa cho tôi  xem hợp đồng hơn trăm trang toàn tiếng Anh. Tôi hỏi giám đốc DN hiểu gì không, vị này trả lời không hiểu gì hết trơn. Tôi phải nhờ dịch hơn 10 triệu đồng, dịch xong mới thấy đối tác ngoại gài chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Thậm chí trong định nghĩa họ cũng đưa ra định nghĩa có lợi cho họ. DN mình thấy đơn hàng thì mừng quá, quên hết. Đã đến lúc DN cần có nhân sự pháp lý. Làm ăn lớn, hợp đồng vài trăm nghìn USD thì kể cả ăn trưa cũng phải có luật sư đi cùng”.

Đại diện DN gỗ Happy thì cho rằng, DN gỗ quá nhỏ và yếu để đàm phán với đối tác ngoại. Nhưng vẫn có quyền tham quan, thẩm định đối tác kỹ càng rồi mới làm ăn. Thà mất vài nghìn USD còn hơn là mất nhiều gấp hàng trăm lần.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn