Bộ Công Thương vừa có báo cáo chính thức trình Thủ tướng về Thông tư 20. Theo đó, Bộ Công Thương đồng ý bãi bỏ hoàn toàn thông tư 20, nhưng lại kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành những quy định tương đương về bảo hành, bảo dưỡng.
Cụ thể, mỗi chiếc xe mới bán ra đều phải kèm theo cam kết bảo hành, bảo dưỡng cho người tiêu dùng tại cơ sở do chính hãng thành lập, cơ sở được chính hãng ủy quyền hoặc cơ sở được Bộ GTVT xác nhận là đủ điều kiện. Nếu không có cam kết này, xe sẽ không được đăng ký lưu hành.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại, hàng nghìn cửa hàng sửa chữa ôtô, gara ôtô tư nhân hiện nay có nguy cơ phải đóng cửa.
GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Bizlive |
Trao đổi với Zing.vn, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng không cần phải quy định thế. Theo ông Mại, chủ xe bảo dưỡng ở đâu cũng được, miễn là 6 tháng mang xe đi đăng kiểm một lần.
“Cục Đăng kiểm có trách nhiệm kiểm tra xem xe có đảm bảo an toàn khi vận hành hay không. Cả nước hiện có tới 3 – 4 triệu chiếc ôtô, một vài cơ sở chính hãng bảo dưỡng sao xuể?”, GS.TS Nguyễn Mại nói.
Khẳng định việc bảo hành, bảo dưỡng xe là rất cần thiết, nhưng GS.TS Nguyễn Mại nhấn mạnh, cơ quan cấp phép cho xe lưu hành là Cục Đăng kiểm chứ không phải cơ sở do chính hãng thành lập, cơ sở được chính hãng ủy quyền hoặc cơ sở được Bộ GTVT xác nhận là đủ điều kiện.
“Quy định như thế không khả thi. Tôi hiểu tâm lý của người ban hành văn bản quy phạm pháp luật là bao giờ họ cũng muốn khẳng định họ làm thế là đúng. Nhưng rõ ràng thông tư trên đã vi phạm nhiều luật như Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, xu thế hội nhập, Luật tự do hóa về lưu thông mọi hàng hóa…”, ông Nguyễn Mại khẳng định.
GS.TS Nguyễn Mại cho hay nhiều doanh nghiệp đã phá sản vì Thông tư 20. Ảnh minh họa: Lê Hiếu. |
Ủng hộ quan điểm bỏ thông tư 20, GS.TS Nguyễn Mại phân tích, thông tư này gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nhập khẩu xe ôtô vì không phải là “đại diện chính hãng”.
“Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vì không chính hãng nên không được nhập khẩu ôtô nữa. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã phá sản, số khác thu hẹp hoạt động”, GS.TS Nguyễn Mại dẫn chứng.
Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn cho rằng chính hãng là cần thiết vì sẽ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, GS.TS Nguyễn Mại nêu quan điểm, sự an toàn không phải do ủy quyền chính hãng là có được.
Theo GS.TS Nguyễn Mại, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu do người ta uống rượu, vi phạm, ngủ gật… Thực tế cũng không có báo cáo nào cho thấy thông tư 20 giúp giảm tai nạn giao thông.
“An toàn không phải do thông tư 20 mà chính là do cơ quan đăng kiểm. Cục Đăng kiểm phải kiểm tra xem thông số kỹ thuật của xe có đảm bảo an toàn hay không”, GS.TS Nguyễn Mại nói thêm.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, không có chuyện thuế thu được nhiều hơn nhờ thông tư 20 dù mua xe chính hãng bao giờ cũng đắt hơn xe nhập qua đường tiểu ngạch.
“Bộ Tài chính cũng đã công bố không có chuyện bỏ thông tư 20 thì ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Trong hội nhập kinh tế quốc tế có lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất vẫn là lợi ích của người dân”, ông nhấn mạnh.
Giữa lúc nhiều doanh nghiệp phá sản vì thông tư 20, GS.TS Nguyễn Mại thông tin, cách đây khoảng 2 tuần, “ông lớn” Trường Hải (Công ty cổ phần ôtô Trường Hải –THACO, pv) thậm chí còn đề xuất đưa kinh doanh ôtô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
“Họ đề xuất thế vì họ chỉ nghĩ tới lợi ích của cá nhân họ, doanh nghiệp của họ trong khi Chính phủ đang làm việc công khai hóa, minh bạch hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”, GS.TS Nguyễn Mại nói.
Vị GS này thông tin, hiện có khoảng 3.200 điều kiện kinh doanh. Chính phủ định loại bỏ hết, chỉ giữ lại 262 – 265 điều kiện kinh doanh. Thêm điều kiện kinh doanh nào là thêm thủ tục hành chính phiền hà cho doanh nghiệp.
“Kinh doanh ôtô giờ đã hết đường chạy rồi vì không có ông nào được phép lưu hành nếu không qua cơ quan đăng kiểm. Đã có hàng rào đó rồi, vậy cần gì phải ra các điều kiện khác nữa?!”, GS.TS Nguyễn Mại đặt vấn đề.
Theo Zing