Miliket và những thách thức trong cuộc chiến mì gói

Thứ hai, 22/08/2016, 11:12
Được xem là thương hiệu độc chiếm thị trường mì gói thập niên 70-80 của thế kỷ trước, đến nay Miliket phải đối mặt với không ít thách thức khi thị phần ngày càng bị thu hẹp, tăng trưởng gần như chững lại. 

Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket (đơn vị đang sở hữu nhãn hiệu mì ăn liền Colusa - Miliket) tiền thân là Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Colusa và Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket được sáp nhập lại.Hiện đơn vị này một thành viên của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Có mặt trên thị trường từ trước năm 1975, mì tôm Colusa - Miliketkhi đó được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích và gần như độc chiếm thị trườngvào năm 1970-1980. Nói đến mì gói vào thời điểm đó, nhiều người vẫn nhớ đến gói mì với đặc trưng bao bì bằng giấy kraft và hình ảnh hai con tôm. Từ sự ưa thích đó, mì gói còn được nhiều người tiêu dùng thường gọi là mì tôm. Đến nay, dù thị trường có hàng trăm thương hiệu mì ăn liền khác nhau thì nhiều người vẫn có thói quen gọi mặt hàng này theo cách đó.

miliket-va-nhung-thach-thuc-trong-cuoc-chien-mi-goi

Hình ảnh quen thuộc của mì ăn liền Miliket.

Sau hàng chục năm xuất hiện trên thị trường, với chiến lược tập trung vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, Miliket vẫn ghi nhận những kết quả kinh doanh khả quan. Từ nhiều năm nay, công ty cũng quyết tâm giữ nguyên mẫu mã, bao bì để tạo dấu ấn riêng.

Ngoài ra, bên cạnh sản phẩm mì ăn liền truyền thống, công ty cũng cung cấp ra thị trường 60 mặt hàng thực phẩm chế biến các loại như: miến, bún, phở, hủ tiếu, cháo ăn liền và các mặt hàng gia vị như nước tương, tương ớt, bột canh, nước chấm thực vật… Từ năm 2011 đến nay, doanh thu của Miliket thường dao động quanh mức trên dưới 500 tỷ đồng. Với mức lãi sau thuế khoảng dao động từ 26-41 tỷ một năm thì lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của Miliket đạt 5.000-7.000 đồng, cổ tức khoảng 25-35% là con số khá hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về khẩu vị cũng như việc ra đời của hàng chục tên tuổi khác trên thị trường, từ nhiều năm nay Miliket phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 doanh nghiệp mì ăn liền với hàng trăm mặt hàng. Thị trường cũng có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính hùng hậu và nhiều kinh nghiệm quốc tế, khiến thị phần của Miliket nhanh chóng bị thu hẹp,chỉ dao động quanh mức 2-4%.

Tương tự, theo Euromonitor, thị phần mì gói năm 2014 của Miliket chỉ chiếm khoảng 3%, bằng hơn một nửa của Vifon và cũng thấp hơn Sagon Vewong – một tên tuổi mới trên thị trường. Nếu so với 3 đại gia khác đang chiếm tổng cộng hơn 70% thị phần là Acecook, Masan Consumer, Asia Foods thì con số này càng trở nên nhỏ bé.Doanh thu, sản lượng, lợi nhuận của công ty trong khoảng 2 năm gần đây (2014, 2015) cũng có chiều hướng sụt giảm và không đạt kế hoạch đề ra.

Một trong những thách thức lớn nhất mà Miliket đang gặp phải là khó tăng trưởng trong khi các đối thủ ngày càng lớn mạnh. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ đạt vỏn vẹn 26,7 tỷ đồng, chưa bằng 2 phần 3 năm trước đó.

Năm 2015, chỉ tiêu này của công ty này đạt gần 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức hồi đầu năm nay, ban lãnh đạo công ty cũng nhận định, con số này tăngchủ yếu do giá nguyên liệu giảm và việc cắt giảm các chi phí chứ không phải do sản lượng, doanh thu tăng. Thậm chí sản lượng và doanh thu còn giảm khiến thị phần của công ty cũng không được mở rộng.

Ban lãnh đạo công ty cũng nhận định tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 sẽ còn nhiều khó khăn, các đơn vị lớn cùng ngành hàng sẽ có sự cạnh tranh lớn để giành thị phần. Do đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được ban lãnh đạo công ty đề ra khá khiêm tốn với 28 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức thực hiện của năm 2015.Ban lãnh đạo Miliket cũng đề xuất tìm và lựa chọn các đối tác chiến lược để hợp tác, liên doanh, liên kết nhằm mở rộng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường, tăng sản lượng.

Một trong những "điểm yếu" khác được ban lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận đó là chiến lược quảng bá, tiếp thị sản phẩm.Theo một chuyên gia truyền thông, không thể phủ nhận vai trò của quảng cáo, marketing đối với tất cả các loại hàng hóa, đặc biệt là trong ngành hàng tiêu dùng. Do đó, những thương hiệu có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng chi tiền để quảng bá liên tục sẽ dễ dàng gia tăng thị phần.Trong khi đó, với Miliket, người tiêu dùng hiếm khi thấy hình ảnh của nhà sản xuất này xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hội đồng quản trịColusa – Miliketcũng xác định năm 2016 sẽ thực hiện đẩy mạnh hơn nữa trong phát triển thị trường, tập trung làm công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng nhằm tăng sản lượng, doanh số.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), sản lượng tiêu thụ mì gói của Việt Nam đang có chiều hướng giảm sút 3 năm liền và chưa có dấu hiệu dừng lại, từ mức 5,2 tỷ gói vào năm 2013 xuống còn 4,8 tỷ gói năm 2015. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia tài chính cho rằng cuộc chiến sẽ không dễ dàng với Miliket khi các đối thủ lớn sẽ tìm mọi cách để giành giật thị phần.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn