Chồng Thu Minh hứa trả nợ cho một doanh nghiệp gỗ

Thứ năm, 25/08/2016, 08:52
Câu chuyện tranh chấp với công ty Global Home của ông Otto De Jager được đại diện nhiều doanh nghiệp gỗ đưa ra mổ xẻ khi bàn về những rủi ro trong ngành này.

Tại tọa đàm về Quản trị rủi ro trong mua bán quốc tế do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức, Phó chủ tịch Hội - Huỳnh Văn Hạnh cho biết, vào lúc 13h - trước buổi toạ đàm diễn ra, ông Otto De Jager đã xuất hiện và làm việc với ông để trao đổi về tranh chấp với các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam. Theo đó, ông Otto đã cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến quá trình làm ăn với Công ty Gia Hân, Cửu Long, Vinafor Đà Nẵng... để Hội xem xét.

Đồng thời, ông Otto cũng cho biết, đã làm việc xong với phía Vinafor Đà Nẵng về khoản nợ 240.000 USD. Sau khi bàn bạc và thỏa thuận, hai bên đã đi tới quyết định cuối cùng là Global Home chấp nhận thanh toán cho Vinafor Đà Nẵng một nửa số tiền nợ và tiếp tục cùng nhau hợp tác.

“Chúng tôi cũng đã liên lạc với lãnh đạo của Vinafor Đà Nẵng và họ cũng cho biết đã đạt được thỏa thuận, đồng thời tiếp tục hợp tác làm ăn cùng Global Home. Với doanh nghiệp Cửu Long, sau khi nhận được đơn của doanh nghiệp này và trao đổi với Global Home, ông Otto xác nhận có sự việc trên và sẽ giải quyết với công ty một cách thỏa đáng”, ông Hạnh nói và cho biết thêm, riêng với Gia Hân, ông Otto cho rằng việc công ty này gây áp lực với ông và đặc biệt là với ca sĩ Thu Minh là chưa đúng. Ngoài ra, ông khẳng định có đầy đủ bằng chứng để chứng minh Gia Hân sai.

Văn phòng đại diện của Global Home tại TP.HCM.

Về phía Công ty TNHH Gia Hân, tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Ngọc, đại diện đơn vị cho biết, trên thực tế công ty của ông Otto đã lợi dụng lòng tin của Gia Hân. Việc Gia Hân tố công ty của ông Otto trước báo chí và cơ quan quản lý là cách để giúp doanh nghiệp Việt hiểu rõ hơn về một đối tác và tránh những rủi ro sau này mà chính công ty ông đang vấp phải.

Là người hỗ trợ pháp lý cho Gia Hân, luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng dẫn chứng, đa phần doanh nghiệp Việt còn làm việc dựa vào niềm tin nên ít khi xem xét và hiểu biết nhiều về hợp đồng ký với đối tác. Cụ thể, trong hợp đồng của Gia Hân ký với Global Home, hình thức thanh toán là FOB, giải quyết tranh chấp là cơ quan tài phán Hong Kong, luật áp dụng trong hợp đồng là ở Anh, mà doanh nghiệp này không biết rằng để giải quyết tại cơ quan tài phán Hong Kong thì chi phí khá đắt đỏ.

Chỉ riêng tiền thuê luật sư cũng mất 1.000-2.000 USD một giờ, chưa kể doanh nghiệp phải đi qua đi lại để kiện. Hệ quả là doanh nghiệp dễ bị thiệt hại kép, chưa đòi được nợ đã phải chi gấp đôi số tiền nợ. Điều này khiến các công ty nước ngoài nắm được "thóp" để lợi dụng.

Thứ hai, khi làm việc cùng nhau, Gia Hân có nhận được tiền cọc 10.000 USD từ Global Home nhưng trên thực tế, cứ hàng chuyển đi là lại có đơn hàng mới ngay nhưng phải 30-37 ngày công ty mới nhận được tiền trả. Tuy nhiên, số tiền trả không hết hoàn toàn mà luôn giữ lại một phần để gối đầu theo tỷ lệ 40/60.

Khi bị đối tác đòi tiền thì phía Global Home gửi email trả lời sẽ họp để thương thảo, nhưng 3 tiếng sau lại gửi một email cho rằng Gia Hân không trả lời mail nên hủy gặp mặt. Thực tế, đây là cách mà Global Home đang áp dụng với nhiều doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, luật quốc tế chưa có điều khoản nào quy định thời gian trả lời như cách mà Global Home đưa ra

Ngoài ra, theo điều tra của ông Truyền, trong thời gian từ 2012 đến 2014, Global Home có nhiều bất thường khi thay đổi trụ sở ở nước ngoài hơn 30 lần, thường xuyên thay đổi pháp nhân, có những thời điểm Global Home do một người khác đứng tên chứ không phải ông Otto. Công ty này lúc đầu đặt tại một tỉnh lẻ của Cezch, vài năm sau đặt ở thủ đô Praha. Khi ở Praha, theo thông tin công khai của tòa án Praha thì ông Otto cũng chỉ giữ 1% cổ phần.

Trong khi đó, khi làm việc với doanh nghiệp này, Gia Hân quá sơ hở khi không hề biết gì về giấy phép kinh doanh của đối tác. Có thời điểm ông Otto không phải là người có quyền điều hành, nhưng trong hợp đồng ký với doanh nghiệp có ghi chức danh tổng giám đốc. Hiện toàn bộ những thông tin trên, ông Truyền đang chuyển qua cho cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét để đánh giá.

Các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm về rủi ro khi làm ăn với đối tác ngoại.

Về phía Công ty cổ phần Cửu Long, Phó giám đốc Phan Tiến Đam cũng cho biết, vì làm ăn khó khăn, nên khi được Global Home đặt quan hệ làm ăn, công ty đồng ý ngay. Tháng 7/2013, Global Home có đến thăm công ty và đặt hàng, có khả năng giao được bao nhiêu thì cứ đăng ký và hợp đồng gửi cho công ty này giống hệt với Gia Hân.

Vì tin tưởng nên công ty giao cho Global Home được 15 container. Sau đó vì ngân hàng thay đổi chính sách nên công ty đã đề nghị Global Home hỗ trợ và đơn vị này đồng ý cho giao hàng chậm, nhưng đến đơn hàng trị giá 119.000 USD thì phía Global Home gửi mail nói rằng phạt giao hàng chậm lên tới 122.000 USD.

"Ông Otto cho rằng sau khi tính tiền phạt và tiền đặt cọc của Global Home, Cửu Long nợ Global Home hơn 140 nghìn USD, trừ đi số tiền Global Home còn nợ Cửu Long là 100 nghìn USD thì lúc này Công ty Cửu Long lại nợ Global Home hơn 38 nghìn USD và yêu cầu phía Cửu Long phải giao hàng cho đến khi hết nợ thì mới tiếp tục thanh toán", ông Đam nói, đồng thời cho rằng, nếu trừ tiền cọc và tiền phạt thì Global Home vẫn nợ Cửu Long trên 100.000 USD. Sau vụ việc này thì Cửu Long đã ngưng hợp tác với Global Home. Còn số tiền mà Global Home nợ công ty tới nay vẫn chưa thanh toán.

Theo luật sư Truyền, hiện ông đã nhận được 20 đơn tố giác của doanh nghiệp cùng chung cảnh ngộ với Gia Hân. Còn về phía Hawa, ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết, 2 tuần nữa sẽ có câu trả lời chính thức về việc hợp tác làm ăn giữa Global Home với một số doanh nghiệp gỗ như Gia Hân, Việt Mỹ, Cửu Long.

Ông Nguyễn Liêm, đại diện Công ty Lâm Việt - đơn vị từng xảy ra tranh chấp với một doanh nghiệp Australia cho rằng, doanh nghiệp Việt cần xem xét kỹ hồ sơ đối tác trước khi hợp tác. Nếu cảm thấy chưa tin tưởng thì cũng chỉ nên dành 30% công suất của nhà máy cho khách hàng chủ chốt. Không "gom trứng vào một rổ" để tránh rủi ro, khi họ có vấn đề lấn cấn về tiền bạc thì doanh nghiệp cũng không quá lệ thuộc, không phải cố làm tiếp vì sợ buông ra thì không biết làm gì.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích