Từ BigC “đuổi” Thế giới Di động, nhìn chuyện Vingroup làm siêu thị

Thứ hai, 19/09/2016, 11:15
Việc xây dựng một mô hình liên kết để người Việt có thể tự chủ trong kinh doanh là bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp ngoại.

Cuối tuần trước, thông tin 22 cửa hàng của Thế giới Di động nằm trong chuỗi hệ thống của BigC phải đóng cửa khiến không ít người bất ngờ. Thế nhưng, với những người trong lĩnh vực bán lẻ, siêu thị thì không có gì ngạc nhiên bởi những yêu cầu mà BigC đưa ra sau khi hãng này về tay nhà bán lẻ Thái Lan Central Group.

Không những là ông chủ sở hữu mới của BigC, Central Group còn là cổ đông lớn nắm giữ tới 49% cổ phần của Nguyễn Kim – một cái tên không còn xa lạ trên thị trường điện máy Việt Nam. Nếu như trước đây, quan hệ giữa các DN này là thuê – cho thuê cửa hàng để vận hành mô hình shop in shop, thì nay mối quan hệ giữa BigC và Nguyễn Kim có thể được hiểu là “gà cùng một mẹ”.

"Đau" vì loại khỏi cuộc chơi

Bởi vậy, việc yêu cầu Thế giới Di động rút khỏi hệ thống của mình là sự tất yếu khi mà Nguyễn Kim bán những sản phẩm giống với Thế giới Di động. Những xung đột về lợi ích kinh doanh là điều mà Central Group có thể thấy rõ nếu như cùng để vận hành hai hệ thống này trong một mặt bằng bán lẻ tại BigC.

Tuy nhiên, không phải chỉ riêng Thế giới Di động bị rút khỏi cuộc chơi tại hệ thống BigC, mà trước đó câu chuyện hàng loạt các nhà cung cấp phải ngậm ngùi rời khỏi các kệ hàng của BigC đã diễn ra. Không ít doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cung cấp hàng cho hệ thống này đã phải lên tiếng kêu cứu khi BigC đưa ra những yêu cầu như nâng mức chiết khấu… khiến DN không thể chen chân được vào chuỗi siêu thị.

Không phủ nhận, sự đổ bộ mạnh mẽ của các nhà bán lẻ Thái Lan đã tác động đến thị trường bán lẻ cũng như hệ thống sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi đại diện Bộ Công Thương cho rằng việc BigC về tay người Thái và đưa ra những yêu cầu trên đối với các nhà sản xuất, cũng không tác động nhiều đến thị trường.

Bằng chứng là, BigC mặc dù là hệ thống siêu thị lớn, sở hữu 33 điểm bán nhưng thị phần của BigC khá nhỏ trên thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam. Do đó, dù BigC về tay người Thái và thay đổi những cơ chế kinh doanh, hợp tác thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chung.

Ngay cả Thế giới Di động cũng khẳng định, việc phải dừng vận hành 22 cửa hàng tại hệ thống BigC cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Cũng bởi, tỷ trọng đóng góp của 22 cửa hàng này khá nhỏ so với 1.000 cửa hàng bên ngoài mà Thế giới Di động đang vận hành.

Không tác động nhiều đến doanh nghiệp Việt Nam, nhưng theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia thì việc một nhà bán lẻ nước ngoài đặt ra những yêu cầu khiến cho DN Việt Nam phải rút khỏi hệ thống đã đặt ra bài toán cho chính DN Việt trong việc tự xây dựng chuỗi liên kết của riêng mình.

Nhìn từ câu chuyện mà Tập đoàn Vingroup nhảy vào lĩnh vực bán lẻ và cái cách mà họ đã làm khi xây dựng hệ thống phân phối, liên kết với nhà sản xuất, rõ ràng người Việt cần xây dựng những mô hình như vậy. Sự tự chủ trong liên kết, tự chủ trong phát triển mạng lưới của chính DN Việt Nam để khai thác và tận dụng những cơ hội của thị trường, chứ không phải chỉ để cho người Thái hay vào khai thác và đẩy DN Việt Nam ra khỏi cuộc chơi.

Nhảy vào thị trường bán lẻ trong vòng gần 2 năm, phát triển mạng lưới với hàng trăm siêu thị trên cả nước, lần đầu tiên Vingroup đã xây dựng một mô hình liên kết với các nhà sản xuất Việt Nam. Khó có thể tin, Vingroup đưa ra chính sách hạ mức chiết khấu về 0% cho một số sản phẩm giữa lúc không ít nhà bán lẻ như BigC tăng chiết khấu.

Cần có mô hình liên kết tự chủ DN trong nước

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Việt Nam cung cấp hàng cho siêu thị, từ trước đến nay luôn bị phụ thuộc vào nhà phân phối, chấp thuận theo những yêu cầu và điều khoản mà hãng đưa ra, thì nay đã có thể đưa hàng vào hệ thống với chính sách tốt và còn nhận được nhiều ưu đãi như hỗ trợ vốn, công nghệ, phát triển sản phẩm…

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài, cho rằng nếu như trước đây mô hình liên kết và tạo thành chuỗi giá trị mới chỉ được các DN FDI xây dựng với nhau, thì nay đã bắt đầu có sự lan tỏa trong chính các DN Việt Nam. Điều này cho thấy, các DN Việt Nam đã có sự trưởng thành nhất định và đang ngày càng tạo được vị trí trên thị trường.

“Một sự khác biệt lớn là nếu như các tập đoàn nước ngoài ở Việt Nam đi lên từ sản xuất công nghiệp, thì các tập đoàn lớn ở Việt Nam đi lên từ đất đai, từ những ngành xây dựng nên DN Việt Nam không nhờ vả được nhiều lắm từ những ông chủ đi lên như vậy” – GS. Mại nói.

Do đó, việc xuất hiện những mô hình như của Vingroup, nhảy vào siêu thị và làm vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết có ý nghĩa quan trọng. Bởi theo GS. Mại, khi các nhà bán lẻ Thái Lan mua Metro và BigC, họ đưa rào cản lớn chiết khấu khiến DN Việt Nam không vào được, thì Vingroup lại đưa ra mô hình liên kết với 1.000 sản phẩm và nhà phân phối, chiết khấu 0%, được đầu tư vào công nghệ làm sản phẩm sạch, cung ứng và làm siêu thị.

“Đó là mô hình mới nhưng hi vọng là thành công, mang lợi ích cho đối tượng người nông dân, sản xuất theo hướng là công nghệ và chất lượng. Việc tạo nên sự kết nối cho DN giúp chi phí giảm, người tiêu dùng có giá cả phải chăng, sản phẩm chất lượng” – GS. Mại nói.

Theo ông Mại, DN Việt Nam có thể làm được chuyện liên kết và Vingroup là ví dụ điển hình. Ngoài ra, hiện nay trong lĩnh vực dệt may có rất nhiều DN quan tâm đến chuỗi giá trị trong ngành, từ dệt nhuộm, may mặc trong từng sản phẩm… để có thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích