Có thể nêu ra đây trường hợp của Aixtron, một công ty công nghệ cao của Đức. Sau khi một khách hàng có máu mặt hủy đơn hàng khổng lồ vào phút chót, cổ phiếu Aixtron đã tụt thê thảm.
Nhiều tháng sau đó, khi cổ phiếu của Aixtron vẫn ở ngưỡng thấp, một "ông lớn" Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận mua lại công ty này. Khách hàng từng hủy đơn hàng vào phút chót kia là công ty đặt trụ sở tại Trung Quốc.
Đó là chiêu bài đang được nhiều nhà đầu tư Trung Quốc sử dụng. Ban đầu họ sẽ cố "dìm hàng con mồi" rồi sau đó mua lại với giá rẻ bèo. Giới quan sát phương Tây không loại trừ khả năng có sự thao túng của chính quyền trong các phi vụ kiểu này.
Từ lâu, giới đầu tư quốc tế đã lo ngại về mối quan hệ giữa khách hàng, người mua và chính phủ Trung Quốc. Mối liên kết đó đã xóa nhòa ranh giới giữa công ty tư nhân và chính sách công nghiệp lâu dài của nước này.
Aixtron là ví dụ điển hình cho thấy sự nhúng tay của chính phủ vào những thỏa thuận kinh tế đơn thuần. Giới lãnh đạo Trung Quốc từng nói rõ quan điểm của họ về việc sử dụng vốn nhà nước mua lại các công ty, tập đoàn công nghệ nước ngoài rồi biến nó thành của nhà.
Rất nhiều vụ thâu tóm trong quá khứ đã thể hiện rõ quan điểm này. Điều đó dấy lên lo ngại về sự nhập nhèm trong đầu tư tư nhân và thâu tóm của nhà nước.
Aixtron là một trong những công ty châu Âu nổi tiếng với các công nghệ đột phá. Từ lâu, chính phủ Trung Quốc đã muốn có trong tay công ty này.
Nhiều công ty công nghệ cao của Đức bị Trung Quốc mua đứt. |
Từng là dự án khởi nghiệp tách ra từ trường đại học, Aixtron tuyển mộ hàng trăm kỹ sư tay nghề cao và có lịch sử phát triển hàng thập kỷ trong việc tạo ra các công cụ công nghệ cao cho ngành bán dẫn.
Hệ thống của Aixtron có thể tạo ra các lớp hóa học có độ dày ở mức nguyên tử. Nơi đây cũng tạo ra loại tinh thể cần thiết để sản xuất chip và đi-ốt phát quang (LED).
Năm 2015, Aixtron nhận được đơn đặt hàng khổng lồ của Công ty San’an Optoelectronics có trụ sở tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì San’an Optoelectronics đã hủy đơn hàng vào phút chót khiến Aixtron như đứng trên bờ vực thẳm.
Đương nhiên, cổ phiếu Aixtron sau đó đã rơi vào cảnh hỗn loạn. Cuối cùng, cực chẳng đã Aixtron đã phải "bán mình" cho Fujian Grand Chip, một quỹ đầu tư Trung Quốc vào tháng 5 vừa qua.
Được biết, 51% cổ phần kiểm soát của Fujian Grand Chip là của doanh nhân Liu Zhendong, người có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Phần còn lại thuộc về Xiamen Bohao, một quỹ đầu tư chính phủ địa phương có liên quan tới công ty San’an Optoelectronics ở trên.
Mua lại các công ty công nghệ cao, Trung Quốc dễ dàng thu thập bí quyết công nghệ mà những công ty này đã mất nhiều năm gây dựng. |
Báo cáo tài chính cho thấy, tính tới cuối năm 2014, San’an Optoelectronics nợ Xiamen Bohao 45 triệu USD. Một năm sau đó, Xiamen Bohao sở hữu số cổ phần tương ứng 36 triệu USD của San’an Optoelectronics.
Những liên kết này cho thấy sự phụ thuộc của các công ty Trung Quốc với quyết sách của chính phủ nước này trong các thương vụ đầu tư công nghệ cao quốc tế.
Mục đích của chính sách công nghiệp Trung Quốc là thay thế các lãnh đạo công nghệ nước ngoài trong trung hạn, không chỉ tại Trung Quốc và còn trên phạm vi thị trường xuất khẩu toàn cầu.
Từ lâu, giới quan chức châu Âu và Mỹ đã bày tỏ lo ngại về những chiêu trò trong đấu thầu quốc tế có liên quan tới công ty Trung Quốc.
Các công ty này đang thách thức những quy chuẩn có ở châu Âu hàng thế kỷ qua. Họ vung tiền để làm yếu nhiều doanh nghiệp châu Âu như hãng sản xuất xe hơi Volvo của Thụy Điển, hãng sản xuất lốp xe Pirelli của Ý, tập đoàn khai thác khu nghỉ dưỡng Club Med của Pháp và các cảng biển ở Piraeus, Hy Lạp.
Thế nhưng theo khảo sát của Rhodium Group và Mercator Institute, chủ yếu tiền đầu tư trong hai năm qua dồn cho các công ty sở hữu công nghệ quan trọng hoặc các thương hiệu đình đám.
Trung Quốc đang vung tiền thao túng khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu tới Mỹ, Pháp, Đức... |
Số tiền mà giới đầu tư Trung Quốc chi cho các phi vụ thâu tóm đó đạt mức kỷ lục – 22,4 tỷ USD chỉ trong hai năm qua.
Các công ty công nghệ cao của Đức là mục tiêu hàng đầu. Đã có rất nhiều lo ngại khi đơn vị thắng thầu là người Trung Quốc. Ngoài Aixtron, số phận của công ty robot Kuka nổi tiếng trong ngành công nghiệp xe hơi của Đức cũng thuộc về chủ Trung Quốc.
Tại Mỹ, các lo ngại cũng không kém, đặc biệt là thương vụ mua lại công ty sản xuất chip. Các nhà làm luật nước này đã từ chối một thương vụ thâu tóm của San’an Optoelectronics tại đây. Ngoài ra, Ủy ban Đầu tư thuộc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đang xem xét hồ sơ đấu thầu Aixtron để rút ra những bài học cần thiết.
Tổng thống Pháp François Hollande đã cảnh cáo tập đoàn khách sạn Jin Jiang của Trung Quốc trong vụ mua lại phần lớn cổ phần của chuỗi khách sạn Accor, Pháp. Và mới tháng trước, Thủ tướng Anh Theresa May đã hoãn thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì có yếu tố Trung Quốc trong đó (mặc dù đã được bật đèn xanh trước đó).
Việc Trung Quốc thôn tính các công ty công nghệ cao trên thế giới đang khiến nhiều người lo ngại. |
Tại Đức, thương vụ người Trung Quốc mua lại Kuka đã khiến giới chính trị gia nước này phải cau mày nhiều lần. Họ bày tỏ lo ngại cho tương lai phát triển kinh tế đất nước với thực tế Trung Quốc đã trở thành "đối tác thôn tính" lớn nhất của Đức trong năm 2016.
Mặc dù các công ty của Đức vượt xa đối thủ Trung Quốc và các nước khác về quy trình chất lượng và công nghệ, nhưng nếu Trung Quốc cứ chơi bài mua đứt các "hạt nhân công nghệ" như kiểu này thì chẳng mấy chốc họ sẽ qua mặt cả Đức.
Người dân Đức cũng chia sẻ những lo ngại tương tự. Họ nói rằng người Trung Quốc sẽ chỉ chăm chăm lấy bằng được bí quyết công nghệ chứ không quan tâm tới việc vận hành các công ty mua lại ra sao.
Theo Zing