"Cháy hàng" trên sàn OTC
Như một thông lệ, với cổ phiếu được đánh giá là triển vọng thì cứ mỗi lần doanh nghiệp công bố thông tin niêm yết, lập tức mã cổ phiếu đó trên sàn giao dịch phi tập trung (OTC) sẽ được giới đầu tư săn đón, giá cổ phiếu tăng chóng mặt. Trường hợp này cũng xảy ra với CTCP Rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Trên bảng thống kê tin mua - tin bán cổ phần Sabeco trên sàn OTC cho thấy, trong tháng 9, giao dịch Sabeco đã sôi động lên trông thấy. Các tin đặt mua tới tấp ngay từ đầu tháng 9 với khối lượng tăng dần. Có tới gần 50 tin đặt mua cổ phiếu này, khối lượng từ vài nghìn cổ phiếu đến 500 nghìn cổ phiếu. Ngay cả ngày Chủ nhật (25/9) nhưng cũng đã có tới 11 tin chào mua cổ phiếu này được công bố.
Tuy nhiên, bên bán lại "ém hàng" và không muốn "nhả" nhất là khi số lượng cổ phần Sabeco lưu hành không nhiều vì Nhà nước vẫn đang sở hữu xấp xỉ 90% vốn tại doanh nghiệp này. Vỏn vẹn chỉ có 4 tin rao bán từ đầu tháng 9 đến nay, khối lượng dưới 300 nghìn đơn vị và mức giá giao động từ 80.000 đồng đến 95.000 đồng.
Lực cầu đối với cổ phiếu Sabeco tăng mạnh với định giá của nhà đầu tư đối với cổ phiếu này cao ngất ngưởng. |
Nếu như cách đây vài tháng, trên sàn OTC, cổ phiếu Sabeco được giao dịch quanh vùng giá 80.000 đồng/cổ phiếu thì nay với nhu cầu mua lớn, giá đặt mua cho Sabeco đã lên ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu. Có những nhà đầu tư tỏ ra rất tha thiết để sở hữu cổ phiếu này nên đã ra giá 110.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá đặt mua từ mức 100.000 đồng trở lên phổ biến từ ngày 19/9 đến nay nhưng sau đó không có tin bán được đưa ra.
Còn nhớ, hồi 2009 - 2010, cổ phiếu Sabeco mới chỉ được giao dịch ở vùng giá 30.000 đồng nhưng những úp mở về thoái tiếp vốn Nhà nước và niêm yết, tất nhiên cộng cả yếu tố dẫn dắt thị trường bia của doanh nghiệp đã khiến giá cổ phiếu này tăng lên vùng giá 80.000 đồng. Đặc biệt, có lúc giá cổ phiếu này được đẩy lên tới 285.000 đồng vào tháng 9/2014; trên 290.000 đồng vào tháng 11/2015.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra cuối tháng 8, trao đổi với PV, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện vẫn đang là cơ quan chủ quản của Sabeco cho biết, việc thoái vốn khỏi Sabeco và Habeco sẽ được thực hiện từ ngay trong năm 2016 này sau khi đã niêm yết cả hai doanh nghiệp trên trên thị trường chính thức.
Cụ thể, tại Sabeco do doanh nghiệp này có quy mô lớn nên Bộ Công Thương đề nghị sẽ chia lộ trình thoái vốn làm 2 đợt: Đợt 1 thoái 53,59% trong năm 2016 dự kiến thu về 24.000 tỷ đồng; 36% cổ phần còn của Nhà nước tại doanh nghiệp này sẽ được thoái hết trong năm 2017, ước thu về 16.000 tỷ đồng, sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, hoạt động thoái vốn sẽ được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh, các luật chống độc quyền và các quy định khác.
Sau gần 1 thập kỷ chờ đợi, giới đầu tư cũng sẽ chứng kiến Sabeco niêm yết trên sàn chứng khoán |
"Miếng mồi béo bở" trên thị trường bia
Động thái mới nhất mà PV cập nhật được là Sabeco đã chính thức có công văn gửi lên Bộ Công Thương đề xuất chấp thuận niêm yết trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSX). Như vậy chỉ còn hơn 3 tháng từ nay đến hết năm để Sabeco vừa niêm yết vừa hoàn tất các thủ tục khác nhằm tổ chức thoái đợt 1 với tỉ lệ 53,59% vốn Nhà nước.
Về mức giá đấu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ thuê tư vấn để xác định giá, thực hiện đấu giá công khai theo thông lệ quốc tế. Giá bán sẽ được xác định thông qua tư vấn độc lập (có thể là các nhà tư vấn nước ngoài), giá niêm yết trên sàn chứng khoán. Các nhà đầu tư không phân biệt trong nước hay ngoài nước đều có thể tham gia đấu giá. Trước đó, trong đợt IPO vào 2008, giá trúng bình quân của cổ phiếu Sabeco thời điểm đó cũng đã lên tới 70.000 đồng, bằng với giá khởi điểm.
Trong số những nhà sản xuất bia lớn đang “xếp hàng” để có thể bước chân vào thị trường bia đầy tiềm năng ở Việt Nam có thể kể tới như: Thai Beverage và Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken và Anheuser-Busch InBev của Hà Lan.
Riêng với Sabeco vốn được đánh giá là "miếng ngon béo bở" của thị trường bia Việt Nam, Thai Bev đang thể hiện tham vọng thâu tóm hãng bia này. Từ cách đây 2 năm, công ty chuyên đồ uống lớn của Thái này đã đánh tiếng mua lại Sabeco với mức giá 2 tỷ USD nhưng không thành công. Tới đầu năm 2015, hãng bia này tiếp tục đưa ra giá giao dịch mới là 1 tỷ USD để nắm giữ 40% cổ phần của Sabeco nhưng cũng bất thành.
Ngoài ra, cũng không loại trừ Heineken sẽ quyết chi mạnh tay cho việc nâng cổ phần nắm giữ tại Sabeco từ mức nắm giữ hiện tại là 5%. Bởi nếu thâu tóm thành công Sabeco, theo một số tính toán, Heineken sẽ chi phối tới 60% thị phần bia Việt Nam và thống lĩnh trên mọi phân khúc từ bình dân tới cao cấp.
Năm ngoái, Sabeco vẫn dẫn đầu thị phần bia Việt Nam với tỉ lệ 43,5%, cao hơn năm 2014 là 2% song với sản lượng đạt 1,38 tỷ lít, giới chuyên gia trong ngành đánh giá gần như không có tăng trưởng. Ông Phan Đăng Tuất, nguyên lãnh đạo Sabeco cũng từng chia sẻ, cạnh tranh trong ngành bia đang ngày càng trở nên khốc liệt và phải giành giật từng điểm bán hàng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến Hội đồng quản trị công ty này quyết định đặt chỉ tiêu tăng trưởng thận trọng cho năm 2016. Theo đó, sản lượng tăng khiêm tốn 1%; lợi nhuận trước thuế giảm 6% và lãi ròng giảm 5% so với thực hiện 2015.
Dù vậy, nhìn chung Sabeco vẫn là một cổ phiếu thuộc diện hàng "hot" trước khi lên sàn giao dịch chính thức vì liên tục trong những năm gần đây, doanh nghiệp liên tục tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 3 năm liên tiếp, từ mức gần 3.300 tỷ đồng năm 2013 lên gần 4.500 tỷ đồng năm 2015.
Theo Dân Trí