Quy định về các bên liên kết dựa trên mối quan hệ gia đình
Tại bản báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập về dự thảo Nghị định quản lý giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết vừa được công bố mới đây, Tổng cục Thuế đã đưa ra dự thảo quy định mức ngưỡng kiểm soát về vốn từ 25% trở lên được xác định là bên liên kết.
Quy định này dựa trên cơ sở tham khảo một số nước có điều kiện kinh tế tương đồng như Trung Quốc, Ấn Độ (là các quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư, có chính sách ưu đãi thuế và là các nước đang phát triển). Theo đó, các nước này đang áp dụng mức ngưỡng sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp 25% về vốn đầu tư của chủ sở hữu để quy định bên liên kết nhằm kiểm soát tình trạng lạm dụng chuyển giá, tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Dựa theo các quy định pháp luật hiện hành, Tổng cục Thuế cũng đưa vào dự thảo quy định bên liên kết đối với cổ đông tổ chức là cổ đông lớn nhất về vốn góp chủ sở hữu và nắm giữ ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp khác. Các cổ đông tổ chức này có quyền chỉ định người tham gia vào các cuộc họp của chủ sở hữu (họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông) để đưa ra các quyết định quan trọng trong chính sách quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định này quy định về các bên liên kết dựa trên mối quan hệ gia đình. Theo lý giải của Tổng cục Thuế, do mối quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong gia đình, việc các công ty được sở hữu bởi các thành viên trong cùng một gia đình sẽ dễ dàng sắp đặt các giao dịch nội bộ để chuyển giá, tránh thuế. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan thì các công ty lớn, công ty đa quốc gia thường là các công ty gia đình.
Kiểm soát các yếu tố chi phí đầu ra, đầu vào
Liên quan đến quy định bên liên kết dựa theo tỷ lệ kiểm soát các yếu tố chi phí đầu vào, đầu ra, Tổng cục Thuế cho biết, qua kinh nghiệm quản lý thực tế, đa số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ thực hiện một khâu trong chuỗi giá trị kinh tế ngành của tập đoàn, chủ yếu là gia công, lắp ráp hoặc sản xuất theo hợp đồng cho công ty mẹ.
Toàn bộ chi phí nguyên vật liệu đầu vào của những doanh nghiệp này do công ty mẹ cung cấp và công ty mẹ cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty con tại Việt Nam phần lớn dựa trên bí quyết công nghệ, kỹ thuật, bí quyết kinh doanh, thương hiệu của công ty mẹ.
Hiện nay, xu hướng chung của các tập đoàn đa quốc gia là thành lập các trung tâm mua sắm, trung tâm bán hàng và trung tâm nghiên cứu và phát triển (nắm giữ các tài sản vô hình) tại các quốc gia có thuế suất thấp (thậm chí là các thiên đường thuế) nên việc cung cấp nguyên vật liệu, bao tiêu sản phẩm, quản lý tài sản vô hình được tập trung hóa vào một vài công ty trong tập đoàn.
Với điều kiện thành lập doanh nghiệp rất dễ dàng, cùng với chính sách bảo mật thông tin tài chính, bảo mật thông tin về chủ doanh nghiệp của một số thiên đường thuế đã tạo ra cơ hội cho các tập đoàn thành lập các doanh nghiệp vỏ bọc (không có hoạt động thực chất) với các chức năng hoạt động chính như: mua sắm nguyên liệu hàng hóa, bán hàng, nắm giữ vốn, nắm giữ tài sản vô hình... nhằm chuyển lợi nhuận từ các quốc gia đặt cơ sở sản xuất về các thiên đường thuế.
Một số tập đoàn đa quốc gia đã né tránh áp dụng quy định giá chuyển nhượng bằng cách chuyển đổi chủ sở hữu sang một công ty mới thành lập tại thiên đường thuế không có quan hệ sở hữu về vốn với các công ty khác trong cùng tập đoàn trong khi vẫn thực hiện giao dịch kinh doanh với các công ty là thành viên của tập đoàn trước đây nhưng không thể xác định được mối quan hệ liên kết về vốn đầu tư.
Chính vì thực tế nói trên, để ngăn ngừa việc né tránh áp dụng quy định về giá chuyển nhượng, Tổng cục Thuế đã đưa vào dự thảo Nghị định quy định về các bên liên kết dựa trên mối quan hệ kiểm soát các yếu tố chi phí đầu vào, đầu ra để bao quát tất cả các trường hợp có khả năng kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mức ngưỡng đã xác định mức độ kiểm soát, chi phối là trên 50%.
Theo Dân Trí