Phú Quốc, sau 'bão' Arsen

Thứ năm, 27/10/2016, 09:36
Gần mười ngày nay, “cơn bão” arsen phủ sóng hoành hành các doanh nghiệp nước mắm truyền thống một cách dữ dội trên cả nước. Trong đó, Phú Quốc - thủ phủ của thương hiệu nước mắm danh tiếng được xem là tâm bão. Sau bão, phóng viên Tiền Phong tìm về.

Đóng gói sản phẩm chuẩn bị giao cho khách hàng.

Bộ Y tế chính thức công bố 100% mẫu nước mắm không phát hiện  hàm lượng arsen vượt ngưỡng, đồng thời, chính thức “giải oan” cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống sau những thông tin mập mờ mà Vinastas công bố cách nay gần 10 hôm. Hơn ai hết, những người trong cuộc vỡ òa sung sướng khi sản phẩm của họ được minh oan. Và, không ít người giận dữ về động cơ của những người đứng sau thông tin vô lương đó.

Niềm vui “giải oan”

Cả ngày 26/10, PV tìm đến nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Quốc (Kiên Giang). Cảm nhận chung từ các chủ doanh nghiệp là vui mừng sau khi nước mắm được “giải oan”. Cơ sở nước mắm Luân Điền ở thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) nằm sâu trong con hẻm nhỏ, vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có khách đến mua. Chủ cơ sở là bà Danh Ngọc Nương cho biết, ở đây cách xa trung tâm khoảng vài trăm mét nên vắng khách, chủ yếu là khách hàng quen. Họ tin tưởng sản phẩm của mình nên tìm đến

“Nước mắm Phú Quốc nổi tiếng khắp cả thế giới và được cộng đồng người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, sự cố xảy ra lần này thêm cơ hội giúp cho người tiêu dùng hiểu được giá trị thật của nước mắm truyền thống”.

Ông Nguyễn Văn Giáo, doanh nghiệp sản xuất nước mắm Phúc Hưng

Vừa trò chuyện, bà Nương không giấu được niềm vui “Tôi thường xuyên theo dõi thông tin trên đài, hôm nghe tin Vinastas công bố nước mắm truyền thống có hàm lượng arsen vượt ngưỡng, lúc đó, tôi rất bức xúc vì biết chắc nước mắm mình sản xuất bao đời nay không thể vậy được. Không chỉ tôi mà nhiều hội viên khác cùng tâm trạng bức xúc như thế nên mới họp lại lên tiếng. May thay khoảng 3 ngày nay nghe tin Bộ Y tế công bố 100% mẫu nước mắm truyền thống không phát hiện hàm lượng arsen vượt ngưỡng nên rất mừng”, bà Nương nói.

Bà Nương cho biết, gia đình 3 đời gắn bó nghề nước mắm truyền thống nhưng chưa bao giờ có tình trạng khách hàng chê hay cơ quan chức năng kiểm nghiệm vượt ngưỡng như Vinastas công bố. Thông tin đó đã làm không chỉ gia đình bà lo lắng mà nhiều người khác cũng ăn ngủ không yên.

Bà cho biết, quy trình sản xuất nước mắm làm từ cá cơm trộn với muối ủ 12 tháng chứ không có bất kỳ thứ nào khác vào đây. Nhiều cơ sở nước mắm truyền thống tồn tại mấy chục năm luôn an toàn cho người tiêu dùng. “Việc chọn lựa nước mắm truyền thống hay công nghiệp là quyền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cách làm như thế rõ ràng có động cơ không trong sáng”, bà Nương bộc bạch.

Một khâu trong quy trình sản xuất nước mắm truyền thống.

Cách cơ sở của bà Nương vài trăm mét là đến doanh nghiệp sản xuất nước mắm Phúc Hưng của ông Nguyễn Văn Giáo ở thị trấn Dương Đông. Ông Giáo có thâm niên trong nghề gần 40 năm.

“Nước mắm gắn liền với văn hóa của người Việt và gắn với văn hóa dân tộc. Bởi từ khi sinh ra đến lớn ai cũng ăn nước mắm truyền thống nhưng có chết ai đâu. Hơn nữa, bản thân cá đã có arsen hữu cơ trong đó mà vẫn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe”, Ông Giáo nói và tiếp lời: “Nước mắm Phú Quốc nổi tiếng khắp cả thế giới và được cộng đồng người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, sự cố không mong muốn xảy ra lần này sẽ giúp cho người tiêu dùng hiểu thêm về giá trị thật của nước mắm truyền thống”.

Ông Giáo cho biết, sản phẩm nước mắm được dán nhãn chỉ dẫn nước mắm Phú Quốc phải đảm bảo nhiều yếu tố chặt chẽ và theo quy định đã được EU hỗ trợ. Sản phẩm làm ra đảm bảo các tiêu chuẩn về dinh dưỡng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm và được đóng chai ở Phú Quốc, đồng thời, ghi rõ trên nhãn hàng hóa. Thậm chí ngay thị trường khó tính như Mỹ, EU… kiểm tra các tiêu chuẩn rất khắt khe nhưng đều đáp ứng yêu cầu. “Khi Vinastas công bố làm dân tụi tui rất hoang mang và bất bình vì như thế khác chi chặt đứt sinh kế của hàng triệu người”, ông Giáo bức xúc nói.

Còn ông Đinh Quốc Tuấn, chủ doanh nghiệp sản xuất nước mắm có tiếng ở Phú Quốc thực sự hân hoan khi nước mắm truyền thống được trả lại “danh dự”. Những ngày sống trong “bão” thông tin thạch tín, ông vô cùng bức xúc. “Mấy chục năm nay đang làm ăn ngon lành, không vấn đề gì về chất lượng, bỗng xảy ra chuyện nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng gây tâm lý hoang mang không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà cho người tiêu dùng”, ông Tuấn nói.

Ông tiếp lời: “Hôm Vinastas công bố, khách hàng gọi điện đến nói ngưng sản phẩm. Họ yêu cầu có giấy tờ chứng minh đảm bảo an toàn. Lúc đó, tôi bấn loạn lắm nhưng may thay sau khi Bộ Y tế giải oan thì khách hàng đã trở lại bình thường”.

Bên cạnh đó, ông Tuấn đề nghị các ngành chức năng điều tra cho rõ ai là người đứng đằng sau chuyện này. Đồng thời, xử lý nghiêm để hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Doanh nghiệp của ông Tuấn trung bình một năm sản xuất khoảng 1,5 triệu lít nước mắm, chủ yếu là bán sỉ cho đại lý ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam. Còn chị Chi là Quản lý của Cty TNHH MTV Thịnh Phát, chuyên sản xuất nước mắm Phú Quốc cho biết, mấy hôm đầu, khi công bố thông tin arsen trong nước mắm vượt ngưỡng thì nhiều khách hàng gọi điện, đến trực tiếp cơ sở hỏi về thông tin này thực hư như thế nào và sau khi có thông tin minh oan cho nước mắm, khách hàng đã đông trở lại.

Trả lại uy tín cho nước mắm Phú Quốc

Chiều 26/10, trao đổi với PV, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, sau thông tin mập mờ về hàm lượng arsen (hữu cơ và vô cơ) trong nước mắm do Vinastas công bố đã gây thiệt hại với người sản xuất nước mắm truyền thống và tác động tiêu cực đến hơn 50.000 lao động khai thác hải sản, trong đó chủ yếu là khai thác cá cơm cung cấp nguyên liệu sản xuất nước mắm truyền thống tại Phú Quốc. Vì thế, nếu không “giải oan” kịp thời thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với nước mắm truyền thống. Và đến khi đó, nếu muốn xây dựng lại uy tín cho thương hiệu được như hôm nay là chuyện không dễ vì họ mất niềm tin.

Ông Hưng cho biết thêm, chính thông tin lập lờ ấy dẫn đến người tiêu dùng hoang mang mà kéo theo ngay cả các hệ thống bán lẻ, đại lý cũng tìm cách từ chối nhận hàng hoặc gây khó dễ cho nhà cung cấp nước mắm Phú Quốc.

Các cơ sở sản xuất đã nhộn nhịp trở lại.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, đồng thời, còn là Chủ tịch HĐQT Cty CP TM Khải Hoàn chuyên sản xuất nước mắm truyền thống nổi tiếng tại Phú Quốc cho biết, sản phẩm nước mắm truyền thống, trong đó có nước mắm Phú Quốc hiện đã là thương hiệu quốc gia, được dán nhãn chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu tại nhiều thị trường nước ngoài. Trong khi Vinastas công bố thông tin mập mờ làm ảnh hưởng uy tín của sản phẩm.

Bà Liên cho rằng, khảo sát của Vinastas là không trung thực, không rõ ràng khiến doanh nghiệp sản xuất nước mắm rơi vào cảnh lao đao. Bà khẳng định, các tiêu chuẩn về chất lượng, độ đạm… của nước mắm Phú Quốc đều do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cấp phép và chứng nhận. Hơn nữa, trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng không có arsen vượt ngưỡng.

Theo bà Liên, lượng tiêu thụ nước mắm chỉ khoảng 400ml/người/tháng trong khi dư lượng arsen vô cơ nếu có trong sản phẩm cũng luôn ở ngưỡng an toàn đối với sức khỏe. Bên cạnh đó, bà Liên cung cấp thêm, nước mắm truyền thống Phú Quốc không chỉ bán ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường rất khó tính khác như: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hầu hết thị trường nước ngoài đều hài lòng về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.

Theo bà Liên, tất cả các doanh nghiệp hội viên sản xuất nước mắm đều làm theo quy trình truyền thống hơn 200 năm nay. Năm 2001 hội viên trong hiệp hội được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Đến năm 2006 mọi thành viên tiến hành đăng ký Chỉ dẫn địa lý tại châu Âu và đến năm 2012 đã được EU công nhận.

Còn UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành quy chế sử dụng sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Đồng thời, lập ra ban kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. “Tất cả các doanh nghiệp đều được chứng nhận, xác nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh”, bà Liên nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn