Một loạt doanh nghiệp hàng tiêu dùng cùng kéo nhau lên sàn

Thứ sáu, 02/12/2016, 09:22
Việc nhiều ông lớn trong ngành hàng tiêu dùng như Sabeco, Masan Consumer, Đường Quảng Ngãi sẽ lên sàn chứng khoán đang gây sự chú ý lớn của các nhà đầu tư.

Dù chưa đến ngày giao dịch nhưng cổ phiếu của các doanh nghiệp này được háo hức chờ đợi, và được dự báo sẽ khuấy động thị trường thời gian tới vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Sabeco được kỳ vọng thành Vinamilk thứ 2

Tâm điểm là trường hợp của Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Ngày 6/12 tới đây, hơn 641 triệu cổ phiếu SAB của doanh nghiệp này sẽ niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Giá khởi điểm của SAB là 110.000 đồng/cổ phiếu, nhưng trên thị trường tự do (OTC) có nhà đầu tư sẵn sàng trả giá 170.000 đồng/cổ phiếu.

Mức giá 110.000 đồng/cổ phiếu khiến Sabeco có vốn hóa lên tới 70.000 tỷ đồng và đứng thứ 5 về vốn hóa trên thị trường chứng khoán.

Sabeco được dự báo tăng trưởng mạnh khi lên sàn chứng khoán. Đồ họa: P. Diệp

Sabeco hiện là doanh nghiệp sản xuất bia lớn nhất Việt Nam với công suất khoảng 1,7 tỷ lít bia/năm, chiếm thị phần áp đảo các đối thủ với tỷ lệ 40%. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 cho thấy Sabeco đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 6%.

Sabeco được kỳ vọng sẽ trở thành Vinamilk thứ 2 trên sàn chứng khoán, khi đây là doanh nghiệp dẫn đầu của một ngành đang tăng trưởng mạnh.

Báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh quý III của Nielsen cho biết ngành bia vẫn duy trì mức tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, trong khi các đồ uống khác đều có mức suy giảm mạnh.

Masan Consumer chiếm 65% thị phần nước mắm

Đối với trường hợp của Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – MSF), một công ty thuộc Tập đoàn Masan cũng gây chú ý với các nhà đầu tư, khi mới đây đã chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Bức tranh thị trường nước mắm, nơi Masan chiếm 65% thị phần. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Đến cuối năm 2015, MSF chiếm 65% thị phần nước mắm, 71% thị phần nước tương, 25% thị phần mì ăn liền, 43% thị phần tương ớt và giữ 40% thị phần cà phê hòa tan.

Masan Consumer hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và được coi là địa chỉ "hái ra tiền", mỗi năm đem lại lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Masan.

Năm 2015, MSF ghi nhận doanh thu đạt 13.212 tỷ đồng và lãi 2.822 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2016, Masan Consumer đạt 9.100 tỷ doanh thu thuần và lãi ròng 1.650 tỷ đồng.

MSF hiện có vốn điều lệ 5.382 tỷ đồng, tương ứng 538,2 triệu cổ phiếu nhưng Masan Consumer Holdings đang sở hữu tới 97,01% vốn, tương đương gần 505 triệu cổ phiếu, đồng nghĩa trên thị trường tự do chỉ còn lại hơn 15 triệu cổ phiếu của nhà đầu tư khác.

Với hơn 15 triệu cổ phiếu còn lại trên thị trường ngoài, sau khi MSF chính thức giao dịch trên UPCoM có thể tiếp tục gây nên sóng gió không kém so với những cái tên như Habeco, ACV...

Hiện chưa rõ mức giá của MSF khi lên sàn là bao nhiêu, nhưng vào tháng 1 năm nay, sau khi nhận được 600 triệu USD đầu tư của hãng bia Thái - Singha thì giá mà Masan Consumer Holdings mua MSF lên tới 179.000 đồng/cổ phiếu.

Vinasoy còn nhiều dư địa ở ngành sữa

Một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng chuẩn bị lên sàn UPCoM với mã chứng khoán QNS. Doang nghiệp này được biết đến nhiều hơn nhờ sở hữu hàng loạt thương hiệu như sữa đậu nành Vinasoy, bánh kẹo Bicafun, nước khoáng Thạch Bích…

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 của Đường Quảng Ngãi đạt 5.261 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 803 tỷ đồng.

Riêng 9 tháng đầu năm 2016, Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy đã mang lại hơn 2.800 tỷ đồng doanh thu về cho Đường Quảng Ngãi.

Vinasoy là đơn vị đóng góp nhiều doanh thu nhất cho doanh nghiệp này. Hiện doanh nghiệp đứng thứ 5 trong danh sách các công ty sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới, khi có khả năng cung ứng sữa đậu nành cho thị trường lên 1,5 tỷ sản phẩm/năm.

Dư địa để Vinasoy tăng trưởng còn nhiều, khi Euromonitor đánh giá ngành sữa Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn với nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng 9%/năm trong những năm tới.

Trước đó, một số các doang nghiệp lớn trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng cũng lên sàn chứng khoán như Habeco, Vissan, Vocarimex (VOC), Interfood (IFS) – doanh nghiệp kinh doanh nước bí Wonderfarm.

Ngay sau khi lên sàn, các doanh nghiệp này đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư và cổ phiếu tăng giá mạnh. Điển hình là trường hợp của Habeco, tăng từ mức 41.000 đồng/cổ phiếu lên 109.500 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

Theo Zing

Các tin cũ hơn