Sau sự kiện Facebook truy quét "sub ảo", chủ đề KOLs tại Việt Nam đang nóng lên từng ngày. Họ là ai? Họ làm gì? Thu nhập của họ trên mạng xã hội là bao nhiêu? Nghề KOLs tại nước ta còn những góc khuất nào?
Tất cả sẽ được giải đáp thông qua những trải lòng của một vị đại diện nhãn hàng có tiếng tại Việt Nam.
Sau động thái Facebook truy quét "sub ảo", người ta lại một lần nữa sục sôi về giới KOLs tại Việt Nam, vậy thực chất, họ là ai, làm gì, nhận dạng ra sao?
Hiểu một cách đơn giản, KOLs tại Việt Nam là những người nổi tiếng trên mạng, có sức ảnh hưởng, có uy tín, một lời thốt ra trên Facebook có cả ngàn người Like, một tấm ảnh đưa lên có cả ngàn lượt chia sẻ.
Còn về nghề nghiệp, công việc thì vô vàn. Theo một chuẩn mực nhất định, có tới 4 đối tượng có thể hiểu là KOLs trên mạng.
Giới nghệ sĩ, họ là diễn viên, ca sĩ, người mẫu, chủ yếu là hoạt động nghệ thuật. Cả ngoài đời, lẫn trên mạng, họ đều rất nổi tiếng rồi.
Giới KOLs đúng nghĩa, đối tượng này không nhất thiết phải hoạt động nghệ thuật, nhưng phải có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nhất định. Một MC truyền hình nhưng lại hoàn thành xuất sắc trong vai trò bà mẹ bỉm sữa được người ta tôn sùng cũng có thể là KOLs, một diễn giả về truyền thông cũng có thể là KOLs,... Tóm lại, đối tượng này xuất hiện trên mạng nhiều hơn ngoài đời.
Giới hot boy, hot girl, blogger, hot Facebooker, đối tượng này gọi là Influencer (người gây ảnh hưởng) thì đúng hơn. Nói chung, nhóm này luôn có tầm ảnh hưởng nhất định, nhưng giá trị thì chưa tới tầm nghệ sĩ, càng không đạt tới KOLs. Ngoài cái gọi là "hot", và có uy tín, thì kiến thức chuyên môn chưa cao. Đương nhiên, chi phí cho nhóm đối tượng này cũng thấp hơn.
Cuối cùng là nhóm Networker, nhóm này thực ra chẳng là ai cả, hoạt động trong tất cả lĩnh vực, nhưng chủ yếu là giải trí. Họ thường có nhiều like, nhiều comment, tầm lan tỏa là có, nhưng chẳng hề có chuyên môn hay uy tín nào.
Có những nhãn hàng tiết lộ, họ từng chi tới hàng chục triệu cho một status của diễn viên nọ trên Facebook. Mức chi phí cho một KOLs có thực sự cao đến vậy?
Nói về thu nhập của các KOLs Việt Nam thì còn vô vàn nữa. Bởi tùy vào cách mà nhãn hàng, hay agency đàm phán, giá cho mỗi hoạt động của KOLs sẽ rất khác nhau. Nhãn hàng chuyên nghiệp, biết cách làm việc sẽ được giá tốt, vui cả mình lẫn ta. Nhãn hàng non tay hơn thì có thể thuê phải KOLs giá cắt cổ, thậm chí là tới vài năm sau cũng không dám hợp tác nữa.
Nhưng tựu chung lại, có 3 mức thu nhập như sau:
Giới nghệ sĩ: dao động trong khoảng 15 tới 30 triệu đồng cho một status trên Facebook (nếu kết hợp tham gia sự kiện do nhãn hàng tổ chức, con số này tăng 5-10 lần là chuyện bình thường).
Giới KOLs trong một lĩnh vực nhất định: dao động trong khoảng 10 tới 15 triệu đồng cho một status trên Facebook (nếu kết hợp Live Facebook, con số tăng gấp 2-3 lần).
Giới hot boy, hot girl, blogger, hot Facebooker: dao động trong khoảng 5 tới 10 triệu đồng cho một status trên Facebook (nếu kết hợp Live Facebook, con số tăng gấp 2-3 lần).
Tất nhiên, đây là con số ước lượng, áng chừng, vì nhãn hàng lớn sẽ trả tiền lớn, nhãn hàng nhỏ sẽ thì trả được ít hơn. Do đó mới có chuyện, cùng một người đó, cùng một status kiểu đó, 2 nhãn hàng trả 2 mức giá khác hẳn nhau.
Ở đây cũng có một câu chuyện, KOLs trong một lĩnh vực nhất định (dạng chuyên gia) xét về cả chuyên môn lẫn uy tín đều cao hơn giới nghệ sĩ, nhưng thu nhập của họ từ mạng xã hội lại luôn thấp hơn. Bởi người đọc, người xem vẫn bị hút vào anh MC nọ, cô ca sĩ kia, hơn là các ông chuyên gia. Trên mạng mà, ai đạt hiệu quả hơn, thì người đó được trả cao hơn thôi.
Lấy ví dụ, một mẹ bỉm sửa có tiếng cũng chỉ có thể quảng cáo cho các nhãn gia dụng, vật dụng gia đình, chỉ có một nguồn thu nhập.
Còn như cô ca sĩ kia, vì mặt đẹp, hát hay, cười một cái cũng "chết người", quảng cáo cái gì chẳng được. Từ điện thoại, xe cộ, thời trang, mỹ phẩm... rõ ràng là cơ hội kiếm tiền tốt hơn, nên thu nhập cao hơn cũng không lạ.
Đây là mức giá chung, vậy có những trường hợp ngoại lệ với mức chi trả cao đột biến không?
Có nhiều chứ. Ví dụ rất cụ thể là không phải chuyên gia, nghệ sĩ nào cũng muốn quảng cáo, nhất là Facebook cá nhân. Do đó, bằng giá nào nhãn hàng cũng trả, tất nhiên là cũng phải hợp tình hợp lý. Cả chục năm nay, Facebook cá nhân của họ không bao giờ quảng cáo, nhưng đột nhiên họ lại nhận lời, vậy là giá cao cấp 10 lần cũng phải trả cho bằng được.
Nhưng nhìn chung, trường hợp ngoại lệ như vậy là rất ít.
Còn về status Facebook đắt giá kỉ lục Việt Nam thì tôi không biết. Nhưng với nhãn hàng của tôi, cao nhất cũng không vượt quá 90 triệu đồng được. Vì xét cho cùng, mức giá này là rất cao rồi, một cái chia sẻ trên mạng ảo bằng cả năm người ta đi làm đâu có dễ.
Để đạt tới 90 triệu đồng/status trên Facebook, KOLs này phải đáp ứng được tiêu chí gì?
Trước hết là phải đẹp đã. Nói vui vậy thôi, nhưng đúng là đẹp rất quan trọng.
Nhìn chung, để có thu nhập tốt từ mạng xã hội, KOLs tại Việt Nam phải thỏa mãn 4 yếu tố, xét theo mức độ ưu tiên như sau:
1. Danh tiếng (độ hot, có thể là tích cực, cũng có thể là tiêu cực).
2. Tầm ảnh hưởng (người xem càng đa dạng, lĩnh vực hiểu biết càng rộng càng tốt, lượng theo dõi, tương tác lớn là một lợi thế).
3. Mối quan hệ (bản thân nổi tiếng, chơi với càng nhiều người nổi tiếng càng có lợi).
4. Cảm tình (nhãn hàng thích là chọn, có cảm tình là chọn, không nhất thiết phải đem về lượng KPI nhất định).
Vậy cách chọn KOLs của các nhãn hàng tại Việt Nam ra sao?
Việc chọn KOLs của các nhãn hàng tại Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào đẳng cấp sản phẩm được quảng bá.
Sản phẩm ở mức phổ thông cần KOLs có lượng fan đông đảo. Vì sản phẩm này cần chạy doanh số.
Sản phẩm ở cấp cao cần KOLs có uy tín, hình ảnh phù hợp. Vì người chịu chi cho sản phẩm này là khách VIP, họ quan sát rất kĩ, nói cách khác là khó tính.
Ví dụ, có nam ca sĩ nổi loạn, cá tính, lượng fan hùng hậu, nhưng tai tiếng, cũng chỉ được các nhãn hàng bình dân, giá rẻ lựa chọn, giá cũng không thể quá cao.
Cũng có nữ ca sĩ rất đẹp, rất thu hút khán giả, nhưng dính nghi án tình cảm, đời tư không tốt, không được lòng những người đứng đắn, lớn tuổi, thì các nhãn hàng cao cấp cũng không mặn mà với những status của cô trên Facebook.
Đó là quy luật chung. Nhãn hàng càng lớn, càng đẳng cấp, càng cần KOLs có uy tín cao, và ngược lại.
Một điều chị cho rằng chưa ổn với các KOLs với Việt Nam?
Đó là nổi tiếng luôn đi kèm với tai tiếng, và có không ít KOLs Việt Nam tôi tiếp cận thích thu nhập như tây, nhưng hành xử lại như ta!
Theo Trí Thức Trẻ