Giá cao su là liều "doping" cho Hoàng Anh Gia Lai?

Thứ ba, 29/11/2016, 10:03
Lợi nhuận của HAGL được kỳ vọng sẽ khả quan khi các đồn điền cao su của Công ty được khai thác đầy đủ vào năm 2018-2019.

Từ vị trí người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán rơi xuống vị trí thứ 12, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), có một năm không vui. Các khoản lỗ từ mảng nông nghiệp vẫn là bài toán treo lơ lửng và hy vọng từ cao su đã trở thành nỗi thất vọng cho cả HAGL lẫn nhà đầu tư.

Cổ phiếu hồi phục

“Bán nhà cũng trồng cao su”, bầu Đức đã tuyên bố như thế sau khi giá cao su thế giới có mức cao nhất vào tháng 2.2011, đạt đỉnh sau 30 năm. Thế nhưng, ngay sau tuyên bố này, giá cao su không ngừng lao dốc cho đến giữa năm nay, HAGL đã kịp đầu tư một thủ phủ cao su tại Lào, một phần tại Campuchia và Việt Nam.

Đến giữa năm ngoái, ông Đức vẫn còn kỳ vọng vào cao su khi chia sẻ với nhà đầu tư: “Những năm tới, chu kỳ sụt giảm giá cao su kết thúc, sản lượng của HAGL đạt đỉnh, sẽ là lợi thế lớn cho Công ty”. Sau thời gian đầu tư mạnh vào cao su nhưng giá lại tụt dốc, HAGL đã phải hạn chế mở rộng diện tích khai thác. Trong báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng vừa qua, khoản lỗ của Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), công ty con đầu tư vào nông nghiệp của HAGL, đã lên đến 643 tỉ đồng, vượt mức thua lỗ mà cổ đông thông qua. Doanh thu từ bán mủ cao su của HNG đạt 35,5 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mảng này vẫn lỗ gần 26 tỉ đồng. Trước tình hình khó khăn, ông Đức đã tính đến phương án bán cao su để trả nợ.

Trong nhiều tháng gần đây, cổ phiếu HAG của HAGL và HNG đồng loạt giảm sâu. Vào những ngày đầu tháng 10, cổ phiếu HAG và HNG tiếp tục đi xuống và tạo đáy; cả 2 cổ phiếu này giao dịch ở mức chỉ bằng một nửa mệnh giá. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của HNG, ông Đức cho biết đang cân nhắc về việc bán 20.000ha cao su cho các đối tác Trung Quốc, sau khi bán xong cùng với việc bán mảng mía đường sẽ thu về một khoản ít nhất là 8.000 tỉ đồng.

Theo tính chu kỳ, mặt bằng giá nửa cuối năm đóng vai trò quyết định đến tình hình lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su. Mảng cao su thường đóng góp khoảng 30% sản lượng từ quý III và 35-40% sản lượng đóng góp từ quý IV. Đến tháng 10 vừa qua, giá cao su đã bất ngờ tăng trở lại và dự báo sẽ tiếp tục tăng cho đến hết năm.

Sau thời gian bị quên lãng, trong phiên giao dịch giữa tháng 10 vừa qua, cổ phiếu HAG và HNG lại trở thành tâm điểm của thị trường khi đồng loạt tăng trần. Diễn biến tăng này là do tác động của giá cao su. Giá tăng có giúp HAGL thoát thua lỗ?

Khó xoay chuyển tình thế

Theo kế hoạch của HAGL, trong năm 2016, diện tích khai thác cao su 4.403ha, dự kiến thu được 5.265 tấn mủ khô góp phần mang lại doanh thu khoảng 127 tỉ đồng và lỗ 59 tỉ đồng. Nhờ giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới tăng mạnh cũng như một số hàng hóa khác đồng loạt tăng giá vào tháng giữa tháng 11, kéo theo là giá cổ phiếu các công ty của HAGL tăng. Tính đến phiên ngày 25.11, giá cổ phiếu HAG đã tăng lên trên 6.000 đồng so với mức dưới 5.000 đồng 1 tháng trước đó. Là cổ đông lớn nhất với hơn 347,7 triệu cổ phiếu (khoảng 44%), tài sản ông Đoàn Nguyên Đức trong ngày tăng lên hơn 118 tỉ đồng, giúp ông “nắm” trở lại khối tài sản hơn 2.000 tỉ đồng... Với kết quả trên, vốn hóa thị trường của HAGL đã tăng 269 tỉ đồng.

Theo giới đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của HAGL có thể sẽ bứt phá trong 2 tháng cuối năm do giá cao su thiên nhiên thế giới đang có đà tăng mạnh. Thời điểm giữa tháng này, giá cao su hợp đồng tương lai tại Nhật đã leo lên 225,6 yên/kg, cao hơn mức giá 205 yên/kg đầu tuần qua và đạt mức cao nhất trong vòng 1 năm qua.

Giá bán cao su bình quân tháng 10.2016 của các doanh nghiệp trong nước đạt 31-32 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 18% so với mức đáy đầu năm. Trên thị trường quốc tế, giá cao su tự nhiên và cao su sơ chế tăng xấp xỉ 33% và 35% so với đầu năm.

Một số nguyên nhân chính giúp giá cao su hồi phục là do hiện tượng La Niña khiến lượng mưa tăng đột biến, ảnh hưởng đến việc khai thác cao su, làm giảm nguồn cung. Hơn nữa, các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, tiếp tục tăng trưởng ổn định nên nhu cầu cao su ở mức cao. Ngoài ra, chênh lệch cung cầu cao su quốc tế đã trở về mức cân bằng hơn trong 2 năm trở lại đây.

Mặc dù cao su cũng góp phần giúp cổ phiếu của HAGL tăng lên nhưng cũng không giúp công ty này trang trải các khoản lỗ ngàn tỉ đồng, vì thực tế ngành nông nghiệp của HAGL bao gồm nhiều mảng như mía đường, chăn nuôi bò... Trong khi đó, doanh thu bán bò quý III vẫn chiếm chủ đạo với 767 tỉ đồng, nhưng lại giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu bán đường cũng giảm 63%, chỉ còn 92 tỉ đồng.

Việc thanh lý tài sản cũng giúp cho HNG có thêm khoản lợi nhuận khác là 48,5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 800 triệu đồng. Dòng tiền của HNG trong quý này bị âm 221 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương 368 tỉ đồng.

Giá cao su tăng đã hỗ trợ mạnh cho cả HAG và HNG vì doanh thu từ cao su được kỳ vọng sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng doanh thu ở thời gian tới. Đặc biệt, lợi nhuận của HAGL kỳ vọng sẽ đạt bước ngoặt vào giai đoạn 2018-2019, thời điểm mà cao su, các đồn điền dầu cọ... được khai thác đầy đủ.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ mủ cao su của HAGL chỉ đạt 15,8 tỉ đồng, rất nhỏ so với tổng doanh thu 3.658 tỉ đồng của Tập đoàn. Vì thế, chưa thể khẳng định giá cao su tăng có thể xoay chuyển được tình thế ở HAGL. Bên cạnh đó, đà tăng giá cổ phiếu chỉ có thể bền vững khi kết quả kinh doanh của Tập đoàn cải thiện một cách cơ bản trong các quý tới, nhất là kế hoạch tái cơ cấu được triển khai một cách hiệu quả nhất.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn