Tháng 3-2008, sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận, Công ty CP Gami Hội An đã khởi công dự án Làng du lịch sinh thái Gami Hội An (gọi tắt là Gami Hội An). Tuy nhiên, sau khi làm kè bê tông một đoạn ngắn, chủ đầu tư này triển khai cầm chừng rồi dừng hẳn. Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Nam sau nhiều lần hối thúc, cuối cùng đã ra quyết định thu hồi dự án. Dù thế, đến năm 2016, tỉnh Quảng Nam lại chấp thuận cho chủ đầu tư tái khởi động dự án.
Coi thường quy chế bảo tồn
Dự án Gami Hội An có tổng vốn đầu tư 43 triệu USD. Tổng diện tích quy hoạch dự án hơn 11,3ha; gồm 1 cồn bãi lớn, 1 cồn nhỏ trên sông Hoài và một phần trên bờ thuộc phường Cẩm Châu và phường Cẩm Nam, TP.Hội An.
Nằm cách khu phố cổ Hội An khoảng 400m, dự án bao gồm tổ hợp các công trình dịch vụ du lịch và trung tâm hội nghị đa chức năng với diện tích 16.000m2, có thể phục vụ 800-950 người, khách sạn 5 sao quy mô 200 phòng, khu phố thương mại, khu biệt thự cao cấp và các hạng mục cây xanh, cảnh quan, bến du thuyền...
Cồn Hến, nơi triển khai dự án Gami Hội An, đang được chủ đầu tư xây kè xung quanh |
Chủ đầu tư và chính quyền địa phương tỏ ra kỳ vọng vào dự án này nhưng những người yêu Hội An lại không khỏi băn khoăn. Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, cho rằng tỉnh Quảng Nam đã bỏ qua các quy định khi cho phép chủ đầu tư xây dựng dự án với chiều cao lên đến 16,5m, trong khi theo quy định chỉ cho phép tối đa 13,5m.
Theo ông Sự, TP.Hội An đã ban hành quy chế quản lý, bảo tồn và sử dụng di tích Khu phố cổ Hội An với diện tích được khoanh vùng là 30ha, chia làm 2 khu vực bảo vệ. Trong đó, quy định rõ từng khu vực được phép tu bổ, xây dựng với chiều cao tối đa 10-13,5m, ngoại trừ một số công trình “đặc biệt quan trọng”.
“Cả một quy chế bảo tồn di sản đã bị coi thường. Sao lại ưu ái đến mức độ vi phạm cả một quy chế? Nó tạo ra tâm lý tại sao chỉ cho phép người dân xây dựng với chiều cao 13,5m trong khi một doanh nghiệp lại cho 16,5m. Phải chăng doanh nghiệp có tiền? Như vậy là không được! Còn nói đó là công trình đặc biệt quan trọng thì tôi không nghĩ một công trình của doanh nghiệp lại đặc biệt quan trọng. Đừng để một dự án mà ảnh hưởng đến cả một khu di sản, ảnh hưởng đến không gian sống của Hội An” - ông Sự nhấn mạnh.
Lo cho Cù Lao Chàm
Ông Nguyễn Sự cũng cho rằng các cồn bãi tạo ra diện mạo riêng của Hội An khi TP này nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng và lưu vực sông Thu Bồn. Các cồn bãi ở Hội An còn là vùng đệm, vùng chuyển tiếp của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận. Do đó, cần giữ lại các cồn bãi không chỉ để tạo ra không gian sống mà còn gắn với bảo tồn.
“Hiện nay, với xu thế “tước đoạt tự nhiên”, việc chọn các cồn bãi để đầu tư dự án có nghĩa là phá đi toàn bộ không gian tự nhiên của nó, mà đó là không gian sống của người dân Hội An. Trong quá trình phát triển, nếu làm cho các dòng sông “chết” đi hoặc mất các cồn bãi bằng các thảm bê tông hay những nhà cao chọc trời thì có thể giết chết tương lai Hội An” - ông Sự lo ngại.
TS Chu Mạnh Trinh, chuyên gia Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, nhận xét các cồn bãi ở Hội An rất độc đáo, đặc trưng và cần sử dụng một cách hợp lý thì Hội An mới phát triển bền vững. Mới đây, TS Chu Mạnh Trinh đã có một cuộc khảo sát các cồn bãi nằm ở vùng chuyển tiếp, vùng đệm của Khu Bảo tồn Cù Lao Chàm và nhận thấy nhiều cồn bãi đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi các dự án và “cát tặc”.
Nói về việc triển khai dự án Gami Hội An, TS Trinh khẳng định ông và một số chuyên gia nhìn nhận việc thực hiện các dự án sẽ ảnh hưởng đến bản chất tự nhiên của cồn bãi, đe dọa sự phát triển bền vững của Hội An.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Khoa học Văn hóa - Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cho biết để được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Việt Nam từng phải chứng minh Cù Lao Chàm đáp ứng 7 tiêu chí theo quy định. Trong đó, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên trong khu sinh quyển là một trong các tiêu chí hàng đầu và hệ sinh thái cồn bãi là phần rất quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên. Chính vì vậy, TP.Hội An và tỉnh Quảng Nam cần căn cứ vào đó để xem xét các giải pháp nhằm cân bằng giữa phát triển và bảo tồn.
Theo NLĐ