Vinachem “kêu” khó trả nợ do thiếu vốn, xin tăng vốn ít nhất 5.000 tỷ đồng

Thứ hai, 13/02/2017, 11:57
Được Chính phủ phê duyệt vốn điều lệ 16.000 tỷ đồng, song Vinachem cho biết, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ đến thời điểm 30/6/2016 là 13.818 tỷ đồng, vẫn thiếu khoảng 2.200 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ được phê duyệt, dẫn đến khó khăn cho nguồn vốn trả nợ và triển khai các dự án đầu tư của tập đoàn. Tập đoàn đề nghị được nâng vốn khi cổ phần hóa công ty mẹ, ít nhất 5.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có văn bản báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp quý IV và năm 2016.

Vinachem dự kiến thoái bớt vốn tại Đạm Hà Bắc từ mức 97,66% xuống còn 51%.

Nhìn nhận về những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu của tập đoàn, Vinachem cho biết, quy mô của tập đoàn được tăng lên rõ rệt nhưng năng lực tài chính vẫn còn hạn chế.

Vốn điều lệ của Vinachem đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định số 190 năm 2013 là 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ đến thời điểm 30/6/2016 là 13.818 tỷ đồng, vẫn thiếu khoảng 2.200 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ được phê duyệt, dẫn đến khó khăn cho nguồn vốn trả nợ và triển khai các dự án đầu tư của tập đoàn.

Bên cạnh đó, tình hình thị trường không thuận lợi và lượng vốn của các doanh nghiệp ngành hóa chất khi thực hiện cổ phần hóa là tương đối lớn, nên Vinachem tự đánh giá, bản thân tập đoàn khó tìm được cổ đông chiến lược. Tỷ lệ nắm giữ của Vinachem tại một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn ở mức cao: Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Công ty CP Hơi kỹ nghệ Que hàn.

Đặc biệt, tập đoàn cho biết, trong công tác cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, vấn đề thực hiện việc quyết toán với nhà thầu EPC-HQC (Trung Quốc) và quyết toán hoàn thành dự án; vấn đề xử lý lỗ lũy kế của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Mặt khác, do dự án mới đi vào hoạt động nên lãi vay đầu tư, khấu hao lớn, đồng thời giá phân đạm ure trong nước và trên thế giới hiện xuống thấp nên hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty bị lỗ.

Vinachem cũng lý giải việc chưa hoàn thành thoái vốn tại 4 công ty. Theo đó, tại Cong ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina và Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam hiện còn vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ tài chính khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại 2 công ty liên doanh. Tập đoàn đã báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Tại Công ty CP Xà phòng Hà Nội, tập đoàn đã tổ chức bán đấu giá 2 lần nhưng không thành công. Còn tại Công ty CP Pin Ắc quy Vĩnh Phú, Tổng giám đốc công ty (không phải là người đại diện) không hợp tác và không cung cấp tài liệu theo yêu cầu, hiện tại đã bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt tạm giam do vi phạm luật hình sự, do đó, việc thoái vốn không hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Theo kế hoạch của Vinachem, giai đoạn 2017-2019 sẽ thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ 51% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Đến 2020, tập đoàn cũng sẽ thực hiện tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; thực hiện thoái hết vốn tại 5 công ty: Công ty CP Xà phòng Hà Nội (hiện đang giữ 80%), Công ty CP Sơn Tổng hợp Hà Nội (đang giữ 27%); Công ty CP Pin - Ắc quy Vĩnh Phú (đang giữ 36,1%); Công ty CP DAP số 2 Vinachem (đang giữ 53,5%) và Công ty CP XNK miền Nam (đang giữ 49%).

Ngoài ra, Vinachem cũng sẽ thực hiện bán bớt vốn để tỷ lệ nắm giữ vốn của tập đoàn ở mức 51% vốn điều lệ tại 8 công ty. Trong đó có Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (đang giữ 97,66%); Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (đang giữ 69,81%); Công ty CP Phân bón miền Nam (đang giữ 65,05%) và Công ty CP Phân bón Bình Điền (đang giữ 65%)…

Trong văn bản này, Vinachem cũng đề nghị được tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn, dự kiến ít nhất 5.000 tỷ đồng, đảm bảo tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước từ trên 51% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn